Tín dụng chính sách vùng đồng bào DTTS và miền núi (Bài 1: Nghị quyết số 88 - Cơ sở pháp lý quan trọng)
Bước đột phá trong tư duy
Nghị quyết 88 ra đời không chỉ khẳng định sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào DTTS và đồng bào vùng sâu, vùng xa mà còn thể hiện tư duy đổi mới, khoa học trong cách tiếp cận và xây dựng chính sách.
Nếu như trước đây, các chính sách thực hiện hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội, cụ thể là chính sách tín dụng ưu đãi với mục tiêu chủ yếu là xóa đói giảm nghèo, thì nay trong giai đoạn mới, chúng ta chuyển sang đầu tư hay nói cách khác là chuyển từ “cho không” sang “cho vay có điều kiện”. Như vậy, bước chuyển đổi này thực chất là đòi hỏi việc huy động nguồn lực lớn hơn và một quyết tâm chính trị cao hơn cùng với sự nỗ lực rất lớn của mỗi cá nhân người thực hiện, nhất là bản thân đồng bào.
Nhìn lại quá trình đổi mới và hội nhập của đất nước, nhất là hơn 20 năm thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách. Trong đó, có đồng bào DTTS, rất dễ nhận thấy sự thay đổi toàn diện trên mọi mặt đời sống của đồng bào DTTS, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, tạo được lòng tin của Đảng đối với dân và dân đối với Đảng, tăng cường khối Đại đoàn kết toàn dân tộc. Hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội được Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao. Tuy nhiên, cũng sau 20 năm, các chính sách cho thấy sự chồng chéo, bất cập trong quá trình thực thi; dẫn đến việc đầu tư không hiệu quả và nguy hiểm hơn là tạo thói quen, tâm lý ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước của một bộ phận đồng bào.
Theo các chuyên gia kinh tế - xã hội, sự chồng chéo trên đã được giải quyết căn bản trong Nghị quyết 88. Nổi bật là việc tích hợp hơn 100 chương trình, chính sách hỗ trợ đồng bào DTTS, vùng sâu, vùng xa vào làm một; Chính phủ là cơ quan xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; Thủ tướng là Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình… Như vậy, về mặt quản lý Nhà nước đã thống nhất được đầu mối chỉ đạo; tạo sự xuyên suốt, nhanh, gọn trong điều hành và phối hợp giữa các cơ quan liên quan; khắc phục được tình trạng nhiều đầu mối quản lý và rõ trách nhiệm của từng cấp, từng ngành trong quá trình tham gia.
Cơ sở để huy động và phân bổ nguồn lực
Một trong những giải pháp để thực hiện Nghị quyết 88 là “Đổi mới và mở rộng chính sách tín dụng của NHCSXH theo hướng tăng định mức, mở rộng đối tượng được vay đến các dự án sản xuất, kinh doanh tạo sinh kế cho đồng bào DTTS”. Lần đầu tiên, Quốc hội có một quyết sách mang tính dài hơi, tổng thể và riêng biệt cho vùng đồng bào DTTS. Quan trọng hơn, Nghị quyết 88 thể hiện rõ tính nhân văn của chế độ: không để ai bị bỏ lại phía sau!
Nghị quyết 88 bắt đầu được thực hiện từ năm 2021 với 10 dự án cụ thể nhằm giải quyết 3 vấn đề chính. Thư nhất, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, từ đó nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân để giảm dần khoảng cách giữa vùng DTTS so với vùng phát triển. Thứ hai, giải quyết những vấn đề bức thiết trong đời sống của nhân dân về tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt và hỗ trợ làm nhà ở cho người dân. Thứ ba, tiếp cận theo hướng lấy người dân làm trung tâm, chính sách sẽ xuất phát từ yêu cầu của người dân với phương châm là “dân cần, dân bàn, dân làm, dân hưởng lợi”.
Cùng với Nghị quyết 88, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 120/2020/QH14 phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Theo đó, thời gian thực hiện Chương trình là 10 năm, chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025; giai đoạn II: từ năm 2026 đến năm 2030. Chương trình nhằm thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của vùng đồng bào DTTS và miền núi so với bình quân chung của cả nước. Đến năm 2025, giảm 50% số xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn; đến năm 2030 cơ bản không còn xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn. Đặc biệt, Nghị quyết số 120/2020/QH14 quy định rõ: tổng nguồn vốn thực hiện giai đoạn 2021 - 2025, tối thiểu là 137.664 tỷ đồng. Trong đó: ngân sách Trung ương là 104.954 tỷ đồng; ngân sách địa phương: 10.016 tỷ đồng; vốn tín dụng chính sách: 19.727 tỷ đồng; vốn huy động hợp pháp khác: 2.967 tỷ đồng. Nguồn vốn của Chương trình được bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Đây là căn cứ quan trọng để huy động nguồn lực thực hiện thắng lợi Nghị quyết 88.
Dựa trên kết quả thực hiện của Chương trình giai đoạn 2021 - 2025, Chính phủ sẽ trình Quốc hội quyết định nguồn lực thực hiện Chương trình giai đoạn 2026 - 2030. Nguyên tắc thực hiện Chương trình là đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững, tập trung cho các xã, thôn, bản khó khăn nhất; giải quyết các vấn đề bức xúc, cấp bách nhất; ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo, các nhóm dân tộc thiểu số khó khăn nhất; bảo đảm công khai, dân chủ, phát huy quyền làm chủ, sự tham gia tích cực, chủ động của cộng đồng, người dân; phát huy tinh thần nỗ lực vươn lên của đồng bào dân tộc thiểu số. Đáng chú ý, Nghị quyết quy định rõ nguyên tắc về phân quyền, phân cấp cho địa phương trong xây dựng, tổ chức thực hiện Chương trình phù hợp với điều kiện, đặc điểm, tiềm năng, thế mạnh, bản sắc văn hóa, phong tục tập quán tốt đẹp của các dân tộc, các vùng, miền gắn với củng cố quốc phòng, an ninh. Cùng với đó, đa dạng hóa nguồn lực, trong đó ngân sách nhà nước là quan trọng và có ý nghĩa quyết định, ưu tiên phân bổ vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) trong thực hiện Chương trình; huy động, khuyến khích sự tham gia, đóng góp của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân. Ngoài ra, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Chương trình ở các cấp, các ngành; phòng, chống các biểu hiện tiêu cực trong quá trình thực hiện Chương trình.
Bình Nhi
Các tin bài khác
- » Giải pháp hoàn thiện hoạt động quản trị nhân sự của NHCSXH
- » “Cánh tay nối dài” trong hoạt động tín dụng chính sách
- » Tín dụng ưu đãi thúc đẩy phát triển kinh tế
- » Vốn chính sách góp phần phát triển kinh tế hộ ở Yên Nghĩa
- » Cán bộ NHCSXH huyên Tân Yên kịp thời ngăn chặn hành vi lừa đảo
- » “Đòn bẩy” tạo sinh kế bền vững
- » Tín dụng chính sách - “Trợ lực” để khôi phục và phát triển kinh tế
- » Nguồn lực quan trọng trong giảm nghèo ở huyện vùng sâu Krông Bông
- » Tiếp vốn ưu đãi, nông dân Thái Bình vươn lên khá giàu
- » Tín dụng chính sách tiếp nối những mùa xuân