Tín dụng chính sách xã hội - Lối mở thoát nghèo tại Thừa Thiên - Huế (Bài 2: Mái ấm từ tín dụng chính sách)

27/03/2023
(VBSP News) Với người nghèo, việc mơ ước đủ ăn đã khó chưa nói đến việc sẽ có một mái nhà. Tuy nhiên, chương trình cho vay ưu đãi nhân văn của Đảng, Nhà nước đã một lần nữa biến những ước mơ của họ thành hiện thực...
_Files_Images_2023_03_24_8-hue-2-8033

“Ngôi nhà 28” của bà Phạm Thị Bân, thôn Ư Rang, xã Hương Hữu, huyện Nam Đông trong giai đoạn thi công

Niềm vui nhà mới…
Năm nay, hàng trăm hộ nghèo là người đồng bào các DTTS tại địa bàn huyện A Lưới đã vui đón Xuân trong ngôi nhà mới từ nguồn hỗ trợ theo Nghị định 28/2022/NĐ-CP của Chính phủ về “Chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2021 - 2030”.  Dù trước mắt vẫn còn nhiều khó khăn nhưng với sự hỗ trợ của Nhà nước, sự đồng hành của cả hệ thống chính trị và các doanh nghiệp, công tác giảm nghèo tại huyện A Lưới đang mở ra tương lai tốt đẹp.
Ước mơ về một ngôi nhà kiên cố của chị Phạm Thị Bân, đồng bào dân tộc Cờ Tu ở xã Hương Hữu, huyện Nam Đông đang dần trở thành hiện thực. Gia đình chị Bân là hộ nghèo, thu nhập chính là làm ruộng và chăn nuôi nhỏ lẻ nên việc xây dựng một ngôi nhà đối với anh chị là điều cả hai vợ chồng không dám nghĩ tới. Khi NHCSXH huyện Nam Đông triển khai Nghị định 28/2022/NĐ-CP, gia đình chị đã đăng ký hồ sơ vay vốn và được NHCSXH huyện giải ngân cho vay 40 triệu đồng…
Cũng giống như chị Phạm Thị Bân, chị Lê Thị Bang, dân tộc Tà Ôi, ở xã Hồng Kim, huyện A Lưới bị cái nghèo bủa vây nhiều năm, nguồn thu nhập chính của gia đình là chăn nuôi tự phát nên cuộc sống vô cùng khó khăn. Sau khi được vay 40 triệu đồng từ NHCSXH huyện A Lưới và sự đóng góp của bà con hàng xóm và chính quyền địa phương, anh chị đã dựng được căn nhà kiên cố, tránh được cái rét của mùa đông và những trận mưa xối xả mùa lũ. “Trước đây, mỗi khi mưa bão, cả nhà tôi chỉ biết chạy sang nhà cộng đồng để trú tạm. Nay có nhà mới rồi, không còn lo chạy bão lúc nửa đêm, không còn lo nhà bị sập nữa; tôi biết ơn Đảng, Nhà nước và cán bộ nhiều lắm…”, chị Lê Thị Bang vui mừng cho biết.
Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt cho đồng bào DTTS và hộ nghèo ở các xã, thôn đặc biệt khó khăn, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền tỉnh Thừa Thiên - Huế đã triển khai tích cực các chính sách, góp phần giải quyết một phần nhu cầu bức thiết của đồng bào DTTS nghèo trên địa bàn. Theo kế hoạch của tỉnh về nguồn vốn tín dụng cho vay theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP, NHCXSH đã phân bổ số tiền gần 29 tỷ đồng để cho vay, trong đó huyện A Lưới được phân bổ 22 tỷ đồng, huyện Nam Đông được phân bổ 5 tỷ đồng. Trong năm 2022, chi nhánh NHCSXH tỉnh đã giải ngân 23,9 tỷ đồng để hỗ trợ cho 600 hộ nghèo là hộ đồng bào DTTS vay vốn xây dựng nhà ở.
Sinh kế bền vững
Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, Nguyễn Thanh Bình khẳng định: Hơn 20 năm qua, cùng với hệ thống chính trị - xã hội, chi nhánh đã đóng góp tích cực vào thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững; góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh từ 21,17% năm 2005 xuống còn 3,56% cuối năm 2022 theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần việc tạo việc làm, xây dựng mô hình sản xuất, nâng cao thu nhập và giảm nghèo bền vững cho bà con, đóng góp lớn vào sự phát triển chung của toàn tỉnh.
Anh Đỗ Viết Chung ở thôn Hà Kênh, xã Phú Gia, huyện Phú Vang đã mạnh dạn vay 50 triệu đồng vốn NHCSXH để mở rộng thêm diện tích lồng nuôi cá, đầu tư chất liệu lồng bằng sắt thay thế lồng tre hiệu quả thấp. Đến nay, anh Chung đã trở thành một trong những người tiên phong đi đầu trong việc phát triển nghề nuôi cá lồng. Từ 2 lồng nuôi ban đầu với thể tích nuôi khoảng 50m³, anh Chung đã phát triển lên thành 6 bè nuôi cỡ lớn với thể tích nuôi 500m³ với các giống cá trắm cỏ, mè hoa, chép… mang lại nguồn thu bình quân trên 250 triệu đồng/năm; nguồn thu nhập trên đã giúp anh Chung cải thiện đời sống, nuôi các con ăn học và có việc làm.
Cũng được hưởng lợi từ 50 triệu đồng nguồn vốn cho vay hộ mới thoát nghèo của NHCSXH, chị Nguyễn Thị Lỵ ở tổ dân phố 7, phường Thủy Lương, thị xã Hương Thủy đã trở thành tấm gương vượt khó thoát nghèo. Số tiền vay được, chị Lỵ đã đầu tư mua 200 con gà; số còn lại chị mua 4 con bò để chăn nuôi. Đến nay, đàn bò phát triển lên đến 18 con. Chị đã bán một số con bò để sửa sang lại nhà cửa, kinh doanh thêm hàng tạp hóa và trả nợ 50 triệu đồng vay từ NHCSXH.
Chủ tịch Hội Phụ nữ phường Thủy Lương, Hoàng Mi chia sẻ: Nhờ sự nhiệt tình trong công việc và gắn bó với từng hội viên, chị Lỵ không chỉ là tấm gương sử dụng vốn vay làm kinh tế giỏi mà còn là cầu nối chuyển tải nguồn vốn tín dụng chính sách một cách hiệu quả đến từng tổ viên. Tổ của chị Lỵ là một trong những tổ tiêu biểu của phường trong phát triển kinh tế. Dù làm Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn là công việc “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, gặp không ít khó khăn nhưng những cống hiến của chị Lỵ luôn được tổ viên, UBND phường ghi nhận. Quan trọng hơn, chị Lỵ và nhiều Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn khác trên địa bàn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ kết nối, chuyển tải nguồn vốn, giúp bà con tạo dựng sinh kế, tự vươn lên thoát nghèo và phát triển kinh tế.

Đức Kiên

Các tin bài khác