Tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh giải ngân nguồn vốn Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã
“Chìa khoá” để HTX phát triển
Năm 2021, HTX Thủ công nghiệp Thắng Lợi ở xã Thọ Thành, huyện Yên Thành được thành lập. HTX chuyên sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa, rơm, rạ và vật liệu tết bện, do CCB Tăng Tiến Huỳnh - người có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực mây tre đan, làm Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc. Những ngày đầu thành lập, khi chưa được tiếp cận nguồn vốn vay từ ngân hàng nên phải huy động nguồn vốn từ bên ngoài với lãi suất cao và không ổn định. Do đó, HTX hoạt động ở mức cầm chừng, sản xuất kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn. “Không chủ động nguồn vốn nên chúng tôi luôn mong được tiếp cận với nguồn vốn vay từ ngân hàng và các chương trình hỗ trợ để mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh mang tính bền vững, ổn định lâu dài”, ông Huỳnh chia sẻ.
Đầu năm 2023, qua tiếp xúc với cán bộ NHCSXH huyện Yên Thành tại Điểm giao dịch xã, HTX được hướng dẫn vay vốn. Ông Huỳnh đã xây dựng đề xuất dự án đầu tư máy móc nhà xưởng để sản xuất và tiêu thụ sản phẩm OCOP. Tháng 03/2023, HTX thủ công nghiệp Thắng Lợi được vay vốn từ Quỹ hỗ trợ phát triển Hợp tác xã tỉnh Nghệ An uỷ thác qua NHCSXH huyện Yên Thành với số tiền 500 triệu đồng.
Kể từ khi có nguồn vốn ưu đãi, HTX đầu tư mở rộng 200m² nhà xưởng, kho bãi, trang bị thêm 01 máy công nghệ cao hiện đại trị giá hơn 260 triệu đồng, thuê 10 năm 2 gian hàng trưng bày sản phẩm, đầu tư nguyên liệu gỗ, lùng… để phục vụ sản xuất, kinh doanh. Từ chỗ sản xuất cầm chừng, đến nay, HTX đã ổn định sản xuất, chất lượng sản phẩm không ngừng được nâng lên, được khách hàng tin cậy, ủng hộ. Doanh thu của HTX từ 900 triệu đồng lên 1,116 tỷ đồng/tháng, thu nhập cho người lao động từ 3,5 triệu đồng/người/tháng lên 5,5 triệu đồng/người/tháng. HTX đã duy trì và tạo việc làm ổn định cho 20 lao động và hơn 600 lao động thời vụ, nhất là lao động nữ, góp phần vào mục tiêu giảm nghèo, phát triển kinh tế và hạn chế tệ nạn xã hội tại địa phương.
Tương tự, cũng từ nguồn vốn vay uỷ thác của NHCSXH, HTX Dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Nghi Trung (huyện Nghi Lộc) đã đầu tư sản xuất, kinh doanh hiệu quả. HTX thành lập 2015, gồm 11 xã viên, hoạt động chính là trồng trọt và kinh doanh vật tư nông nghiệp, vốn điều lệ 1,2 tỷ đồng.
Dẫn chúng tôi đi thăm mô hình sản xuất dưa lưới, Giám đốc HTX Đinh Quang Hoàng cho biết: “Vùng đất màu này của xóm 9, trước đây, trồng hoa màu nhưng hiệu quả không cao, rồi người dân bỏ hoang. Sau khi học tập kinh nghiệm ở miền Nam, được sự quan tâm của chính quyền địa phương, các cơ quan liên quan, năm 2018, chúng tôi quyết định đầu tư hơn 3 tỷ đồng để trồng cây ăn quả theo mô hình nhà lưới đầu tiên của huyện. Năm đó, chúng tôi trồng 2.000m² dưa lưới, rồi mở rộng lên 4.000m². Không dừng lại ở dưa lưới, năm 2021, anh em bắt đầu thử nghiệm trồng 1.000m² nho, nay nâng lên gần 4.000m² giống nho hạ đen và mẫu đơn.
Chia sẻ về kinh phí đầu tư cho mô hình sản xuất, Giám đốc HTX Dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Nghi Trung chia sẻ: Ngoài vốn góp của cổ đông, ngân sách huyện, tỉnh hỗ trợ hơn 500 triệu đồng, tháng 12/2020, HTX được NHCSXH cho vay ưu đãi 500 triệu đồng (theo hợp đồng ủy thác giữa chi nhánh NHCSXH tỉnh và Quỹ hỗ trợ phát triển Hợp tác xã tỉnh Nghệ An) để làm nhà màng, hệ thống tưới tiêu. Hiện vốn vay này, HTX đã trả 200 triệu đồng.
Hiện nay, vườn dưa lưới rộng 2.000m² đang được chăm sóc chuẩn bị thu hoạch và một vườn khác công nhân đang dọn dẹp vệ sinh chuẩn bị trồng phục vụ cho thị trường Tết Nguyên đán tới đây. Theo tính toán, dưa lưới 1 năm trồng 3 vụ thu hoạch được gần 50 tấn dưa/năm, lãi khoảng 1,2 tỷ đồng, sản phẩm tiêu thụ chủ yếu ở Hà Nội.
Đối với nho, mỗi năm 2 vụ xuân hè và thu đông (hiệu quả chủ yếu là vụ xuân hè), đây là năm thứ 3 cho thu hoạch. Giống nho được trồng theo chương trình Vietgap này rất được ưa chuộng, tiêu thụ tại vườn, hiện được bán với giá 150.000/kg.
Vẫn còn nhiều khó khăn
Thực hiện hợp đồng ủy thác giữa chi nhánh NHCSXH tỉnh Nghệ An và Quỹ hỗ trợ phát triển Hợp tác xã tỉnh Nghệ An (Quỹ), thời gian qua, NHCSXH đã phối hợp tốt với Quỹ trong việc thông tin tuyên truyền đến HTX, Liên minh HTX trên địa bàn về các chính sách và quy định vay vốn; đồng thời phối hợp tiến hành thẩm định các dự án đề nghị vay vốn và thực hiện các công đoạn cho vay đúng quy trình theo Quy chế cho vay vốn Qũy hỗ trợ phát triển HTX tỉnh Nghệ An. Nguồn vốn đã góp phần củng cố vai trò kinh tế tập thể của HTX theo định hướng của Đảng và Nhà nước.
Theo số liệu tổng hợp, tổng nguồn vốn ủy thác từ Quỹ hỗ trợ phát triển Hợp tác xã tỉnh Nghệ An là 7,5 tỷ đồng. Đến nay đã giải ngân đạt gần 5 tỷ đồng với 10 HTX vay vốn; sau khi một số HTX trả nợ dần từng phần, dư nợ đến ngày 31/10/2023 là gần 4 tỷ đồng. Thực tế cho thấy số lượng HTX, liên hiệp HTX chủ động tiếp cận nguồn vốn thường xuyên chưa nhiều.
Hầu hết các HTX có nhu cầu vay vốn nhưng gặp khó khăn về tài sản thế chấp, một số trường hợp chưa có phương án sản xuất, kinh doanh rõ ràng hoặc chưa thuyết phục về tính khả thi, hiệu quả. Nhìn chung, năng lực pháp lý, năng lực quản lý của nhiều HTX còn hạn chế, nhất là công tác tổ chức hạch toán kế toán, báo cáo tài chính chưa đảm bảo… Trong khi đó, theo quy chế cho vay vốn của Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã, hiện nay mới cho vay đến đối tượng là HTX, Liên hiệp HTX, còn các đối tượng là thành viên, người lao động của HTX chưa được tiếp cận nguồn vốn này.
Hiện nhu cầu vay vốn của HTX rất lớn nhưng nguồn vốn của quỹ chỉ đáp ứng được rất ít so với tổng nhu cầu vốn vay của các Hợp tác xã. Do vậy, chi nhánh NHCSXH tỉnh cùng với Ban quản lý Quỹ cần sớm tham mưu cho cấp có thẩm quyền bổ sung nguồn vốn điều lệ của quỹ, đồng thời, tiếp tục sửa đổi, bổ sung Quy chế cho vay phù hợp với điều kiện thực tiễn hiện nay. Qua đó, đáp ứng nhu cầu vay của các HTX và thành viên HTX, giúp khu vực kinh tế tập thể phát triển bền vững, góp phần giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Phó Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Hoàng Sơn Lam cho biết: “Nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các HTX trong việc tiếp cận, bổ sung nguồn vốn ưu đãi phục vụ cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh, trước hết, chi nhánh NHCSXH tỉnh cùng với Quỹ hỗ trợ phát triển HTX tỉnh tiếp tục tăng cường truyền thông chính sách, cùng phối hợp hỗ trợ tối đa cho các HTX, liên hiệp HTX trong xây dựng, thiết lập hồ sơ và các thủ tục vay vốn.
Bài và ảnh Thu Huyền
Các tin bài khác
- » Thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ở Đắk Lắk (Bài cuối: Góp phần giữ bình yên cao nguyên Đắk Lắk)
- » Thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ở Đắk Lắk (Bài 1: Tiếp sức cho hộ nghèo vượt khó)
- » Kiểm tra tình hình thực hiện các chương trình tín dụng theo Nghị quyết số 11/NQ-CP tại Gia Lai
- » Tạo sinh kế cho hộ nghèo
- » “Đòn bẩy” giải quyết việc làm cho người dân Kiên Giang
- » Đưa vốn chính sách đến với người dân Làng văn hóa kiểu mẫu
- » Đoàn công tác của NHCSXH làm việc tại huyện Thiệu Hoá
- » Tín dụng chính sách đồng hành cùng hộ nghèo phát triển kinh tế
- » Đắk Lắk triển khai hiệu quả Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ
- » Thoát nghèo từ nguồn vốn chính sách