Chỉ thị số 40-CT/TW tiếp sức cho hoạt động tín dụng chính sách xã hội

29/06/2023
(VBSP News) Sau hơn 8 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (Chỉ thị 40), tỉnh Nghệ An đã quán triệt và triển khai kịp thời tới các cấp, ngành, các cơ quan, đơn vị có liên quan trên địa bàn.

Hộ chị Lê Thị Lan ở xóm Đình, xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc vay vốn NHCSXH đã phát triển sản xuất, kinh doanh hiệu quả

Hộ chị Lê Thị Lan ở xóm Đình, xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc vay vốn NHCSXH đã phát triển sản xuất, kinh doanh hiệu quả

Chuyển động từ Chỉ thị 40

Huyện Diễn Châu là một trong những địa phương triển khai thực hiện tốt Chỉ thị 40, triển khai nhiều giải pháp để phát huy nguồn vốn vay cho các đối tượng được thụ hưởng. Tính đến ngày 31/03/2023, nguồn vốn từ ngân sách địa phương đạt 5,573 tỷ đồng. Trong tháng 1/2023, UBND huyện Diễn Châu đã trích chuyển kịp thời 850 triệu đồng sang NHCSXH. Qua đó, giúp đỡ người nghèo và các đối tượng chính sách khác được tiếp cận nguồn vốn vay thuận tiện nhất, tạo động lực cho các đối tượng trong lao động, sản xuất, vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng.

Ông Phạm Xuân Sánh - Phó Chủ tịch UBND huyện kiêm Trưởng Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện Diễn Châu cho biết: Triển khai Chỉ thị 40, cấp ủy, chính quyền các cấp đã nhận thức rõ về vai trò, vị trí của tín dụng chính sách xã hội đối với việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, xây dựng Nông thôn mới và bảo đảm an sinh xã hội; nhiều địa phương tích cực tham gia một cách mạnh mẽ.

Để tiếp tục triển khai thực hiện tốt Chỉ thị 40, UBND huyện Diễn Châu sẽ có các chính sách, tạo điều kiện tối đa cho hoạt động của NHCSXH trên địa bàn, nhằm chuyển tải nguồn vốn tín dụng ưu đãi đến đúng đối tượng thụ hưởng. Tiếp tục huy động tối đa các nguồn lực để bổ sung nguồn vốn tín dụng chính sách gắn với việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất, phát triển kinh tế, giáo dục, đào tạo nghề, tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội; tổ chức các hoạt động huấn luyện kỹ thuật, đào tạo và chuyển giao công nghệ gắn với hoạt động vay vốn, giúp người vay sử dụng vốn có hiệu quả.

Theo đánh giá, Chỉ thị 40 đã làm chuyển biến tích cực trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền cũng như nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân đối với tín dụng chính sách. Theo báo cáo của chi nhánh NHCSXH tỉnh Nghệ An, đến nay, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách đạt gần 10.878 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 9,28%/năm. Trong đó, nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương đạt 250,9 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 2,31%. Trong giai đoạn 2014 - 2022, nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương đã tăng thêm 179,6 tỷ đồng.

Đặc biệt, sau khi có Chỉ thị số 40, đã có 305 xã thực hiện trích chuyển vốn ngân sách với số dư đạt 9 tỷ đồng. Doanh nghiệp, tổ chức khác thực hiện ủy thác 10,1 tỷ đồng. Nhờ đó, nhiều mô hình kinh tế được triển khai và mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo ra thu nhập ổn định cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách, thu hút được lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp trên địa bàn.

Điển hình như một số mô hình: Dự án trồng hoa màu tại các huyện Diễn Châu, Nghi Lộc và TP.Vinh; chăn nuôi đại gia súc sinh sản, lấy thịt, chăn nuôi gà đen tại các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong, Quỳ Châu; dự án trồng rừng sản xuất quy mô lớn tại các huyện Tân Kỳ, Nghĩa Đàn, Thanh Chương; hay các mô hình kinh tế trang trại, khai hoang, phục hóa, cải tạo vườn tạp trồng cây ăn quả cho giá trị kinh tế lớn tại các huyện Quỳ Hợp, Con Cuông, Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, Yên Thành; các mô hình trồng cây công nghiệp, vùng cây nguyên liệu giá trị cao (cà phê, cao su, chè, mía..) tại các huyện Anh Sơn, Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Tân Kỳ, Anh Sơn, Thanh Chương,…

Hay các dự án vay vốn đầu tư phát triển làng nghề truyền thống góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, văn hóa địa phương, như: nghề làm nước tương ở huyện Nam Đàn; nghề mây, tre đan ở huyện Yên Thành; dệt thổ cẩm ở huyện Con Cuông; chế biến thủy, hải sản ở các huyện, thị ven biển: TX. Cửa Lò, Quỳnh Lưu, TX. Hoàng Mai, Diễn Châu; trồng dâu nuôi tằm ở các xã ven sông Lam của huyện Đô Lương,…

Nhờ có nguồn vốn ưu đãi thông qua các chương trình tín dụng chính sách xã hội, trong những năm qua, đã có hàng nghìn hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh Nghệ An thoát nghèo bền vững và vươn lên làm giàu.

Tiếp tục tăng nguồn lực cho tín dụng chính sách

Đoàn công tác của Ban Kiểm tra Trung ương giám sát hoạt động tín dụng chính sách tại Điểm giao dịch xã Nghi Đồng, huyện Nghi Lộc

Đoàn công tác của Ban Kiểm tra Trung ương giám sát hoạt động tín dụng chính sách tại Điểm giao dịch xã Nghi Đồng, huyện Nghi Lộc

Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Trần Khắc Hùng cho biết: Thời gian qua, hoạt động tín dụng chính sách luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của cả hệ thống chính trị, xã hội. Sự đồng hành, thấu hiểu nhu cầu của người nghèo và các đối tượng chính sách khác là cơ sở để các cấp, ngành chỉ đạo, lãnh đạo các tổ chức chính trị - xã hội nâng cao chất lượng thực hiện ủy thác cho vay, và kỳ vọng về một sự chuyển động mạnh mẽ hơn trong thời gian tới. Hiện nay, nhiều địa phương đã tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với tín dụng chính sách xã hội tới các cấp, ngành, các cơ quan, đơn vị và tạo sự chuyển biến rõ nét.

Tuy nhiên, Nghệ An là tỉnh có điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, thường xuyên xảy ra thiên tai, dịch bệnh,… ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất, đời sống nhân dân, nhất là các đối tượng yếu thế là người nghèo và các đối tượng chính sách, hộ DTTS vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới.

Là tỉnh còn khó khăn, dân số đông, nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác còn rất lớn, nhưng nguồn vốn tín dụng chính sách chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế, nhất là nguồn vốn cho vay tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho người lao động. Mặc dù nguồn vốn ủy thác qua NHCSXH có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng so với tổng nguồn vốn còn rất khiêm tốn, chỉ đạt 2,3%. Một số chương trình tín dụng chính sách có thời hạn cho vay, mức cho vay chưa phù hợp với thực tế chu kỳ phát triển của một số cây trồng, vật nuôi dài ngày,… Điển hình như tại huyện Nghi Lộc, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Đức Thọ, Nghi Lộc là địa phương có nhiều khu công nghiệp trọng điểm, có thu hồi diện tích đất sản xuất nông nghiệp chuyển đổi lớn, nhu cầu cao về vốn để sản xuất, kinh doanh, chuyển đổi nghề nhưng nguồn vốn tín dụng được cấp hàng năm thấp, không đáp ứng nhu cầu của người dân trên địa bàn. Vì thế, đề nghị quan tâm bổ sung nguồn vốn chương trình cho vay tạo việc làm, nguồn vốn hộ trung bình, giảm thiểu tình trạng thanh niên nông thôn không có việc làm, dẫn tới sa vào các tệ nạn xã hội, tín dụng đen.

Mới đây, tại cuộc làm việc với Ban Kinh tế Trung ương về tình hình huy động, quản lý, sử dụng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội, tỉnh Nghệ An kiến nghị Trung ương nghiên cứu, sửa đổi một số điểm trong quy định cho vay của các chương trình tín dụng chính sách hiện hành. Cụ thể, nâng thời hạn cho vay tối đa của chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo từ 5 năm lên 10 năm (tương đương thời hạn cho vay tối đa của chương trình hộ nghèo, hộ cận nghèo); nâng mức cho vay tối đa của chương trình nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn từ 10 triệu đồng lên 20 triệu đồng/công trình. Quan tâm bổ sung nguồn vốn cho NHCSXH để thực hiện cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho người lao động, nhất là các địa phương thường xuyên bị ảnh hưởng của thiên tai…

Từ khi thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW đến nay, tổng doanh số cho vay của chi nhánh NHCSXH tỉnh Nghệ An đạt 23.117 tỷ đồng; doanh số thu nợ đạt 18.307 tỷ đồng (chiếm 79,2% doanh số cho vay). Đến ngày 31/12/2022, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 10.866 tỷ đồng, với 229.078 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đang còn dư nợ.

Thu Huyền

Các tin bài khác