Đoàn giám sát chuyên đề của Ban Kinh tế Trung ương làm việc tại tỉnh Ninh Bình
Tiếp và làm việc với đoàn có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Mai Văn Tuất; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Tống Quang Thìn; đại diện lãnh đạo một số Sở, ban, ngành, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh, chi nhánh NHCSXH tỉnh.
Theo báo cáo tóm tắt tình hình huy động, quản lý và sử dụng nguồn vốn tín dụng chính sách của tỉnh do Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Tống Quang Thìn trình bày: Sau 9 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội và 2 năm thực hiện Kết luận số 06-KL/TW ngày 10/6/2021 của Ban Bí thư về tiếp tục triển khai Chỉ thị số 40, các chính sách đã thực sự đi vào đời sống, tác động mạnh mẽ, tích cực đến hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh.
Cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp đã nêu cao tinh thần trách nhiệm và nhận thức trong việc triển khai tín dụng chính sách, quan tâm hỗ trợ về cơ sở vật chất, địa điểm, trang thiết bị, phương tiện làm việc nhằm nâng cao năng lực hoạt động của NHCSXH. Đồng thời, tổ chức thực hiện tốt chủ trương huy động, bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho các chương trình tín dụng chính sách. Đảng ủy, chính quyền các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã thực sự vào cuộc và thể hiện rõ trách nhiệm, vai trò trong việc lãnh đạo quyết liệt đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn.
MTTQ và tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội; quan tâm hơn đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội; từng bước nâng cao vai trò, trách nhiệm trong việc nhận ủy thác với NHCSXH.
Đến nay, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã đến được 100% xã, phường, thị trấn trong tỉnh, trong đó tập trung ưu tiên cho vay vùng có đông đồng bào DTTS, vùng có nhiều hộ nghèo, vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, địa bàn xây dựng Nông thôn mới…
Giai đoạn 2014-2022, toàn tỉnh đã có trên 231.600 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn NHCSXH với doanh số cho vay trên 7.000 tỷ đồng. Tổng dư nợ đến ngày 31/12/2022 đạt hơn 3.300 tỷ đồng với 80.700 hộ còn dư nợ. Cùng với tăng trưởng dư nợ, chất lượng tín dụng chính sách trên địa bàn không ngừng được củng cố và nâng cao, tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh luôn dưới mức bình quân chung toàn quốc.
Các chương trình tín dụng chính sách xã hội được triển khai đã góp phần thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Nông thôn mới, đảm bảo quốc phòng an ninh, xây dựng hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh trong sạch, vững mạnh.
Để nâng cao hơn nữa hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách, tỉnh Ninh Bình đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, sửa đổi một số điểm trong quy định cho vay của các chương trình tín dụng chính sách hiện hành, cụ thể: Kéo dài thời gian hộ gia đình được thụ hưởng chính sách tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo kể từ khi ra khỏi danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo từ “tối đa 3 năm” lên “tối đa 5 năm” và nâng thời hạn cho vay từ “không quá 5 năm” lên “không quá 10 năm” để phù hợp, linh hoạt với chu kỳ sản xuất, kinh doanh các loại cây trồng, vật nuôi có thời gian sinh trưởng dài.
Đồng thời quan tâm bổ sung đối tượng vay vốn tín dụng chính sách xã hội đối với hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình; nâng mức cho vay tín dụng tối đa thực hiện Chiến lược quốc gia về cấp NS&VSMTNT từ 10 triệu đồng/công trình lên 25 triệu đồng/công trình.
Thảo luận tại buổi làm việc, các thành viên đoàn công tác đánh giá cao kết quả của tỉnh trong thực hiện tín dụng chính sách theo Chỉ thị số 40-CT/TW thời gian qua. Trong đó, ngoài cơ chế, chính sách của Trung ương, UBND tỉnh và UBND cấp huyện đã có một số cơ chế, chính sách riêng đặc thù, bố trí vốn ngân sách địa phương để triển khai thực hiện cho vay thông qua ủy thác cho NHCSXH.
Đặc biệt, trong các năm 2021, 2022, UBND tỉnh Ninh Bình đã ban hành kế hoạch và phát động phong trào “Gửi tiền tiết kiệm chung tay vì người nghèo” tạo sự lan tỏa, thu hút được nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tham gia gửi tiền tiết kiệm tại NHCSXH; qua đó góp phần nâng cao nhận thức và hành động của các cấp, các ngành trong việc tạo nguồn vốn cho tín dụng chính sách xã hội.
Đồng thời, các thành viên đoàn công tác và lãnh đạo tỉnh đã trao đổi, làm rõ thêm một số nội dung về: Mối quan hệ giữa các cấp hội, đoàn thể với NHCSXH; vai trò của MTTQ trong triển khai tín dụng chính sách; vấn đề xếp loại Tổ tiết kiệm và vay vốn; huy động nguồn lực dành cho tín dụng chính sách; tỷ lệ tái nghèo của tỉnh; nợ quá hạn, nợ khoanh…
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Đỗ Ngọc An, Trưởng đoàn giám sát đánh giá cao những nỗ lực của Ninh Bình trong thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư. Ninh Bình đã coi tín dụng chính sách xã hội là công cụ, giải pháp có tính căn cơ, lâu dài để thực hiện tốt các chủ trương, chính sách về giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực, xây dựng Nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị tại địa phương, đồng thời ban hành nhiều văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả. Công tác huy động, sử dụng, quản lý nguồn vốn đạt kết quả rất tích cực.
Đặc biệt, Ninh Bình đã có những cách làm mới, có tính sáng tạo như hình thành các quỹ cũng như sự phối hợp thường xuyên, nhịp nhàng có hiệu quả giữa MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác và NHCSXH trong triển khai các chương trình tín dụng. Nguồn vốn chính sách trên địa bàn được quản lý chặt chẽ, cho vay đúng đối tượng thụ hưởng, đúng quy định và phát huy hiệu quả. Khẳng định tín dụng chính sách xã hội là chính sách ưu việt, mang tính nhân văn, đồng chí Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đề nghị Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh tiếp tục quan tâm bố trí ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH để bổ sung cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Đoàn giám sát ghi nhận và tiếp thu đầy đủ các ý kiến, kiến nghị của tỉnh Ninh Bình để chuyển đến các cơ quan Trung ương xem xét, sớm có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho địa phương trong thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư.
Tại buổi làm việc, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Mai Văn Tuất trân trọng cảm ơn và nghiêm túc tiếp thu ý kiến phát biểu của đồng chí Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương và các thành viên trong đoàn. Đồng thời nhấn mạnh, qua 9 năm triển khai thực hiện, Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW đã đi vào cuộc sống, phát huy ý nghĩa, tác dụng, tạo được sự đồng thuận từ người dân, bảo đảm tính công bằng xã hội, hỗ trợ cho hộ nghèo, cận nghèo, người yếu thế vươn lên trong cuộc sống, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Nông thôn mới, đảm bảo an ninh quốc phòng, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trên địa bàn.
Thông qua buổi làm việc đã gợi mở và làm rõ hơn nhiều vấn đề, qua đó giúp tỉnh tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế để thực hiện có hiệu quả hơn tín dụng chính sách trên địa bàn trong thời gian tới. Tỉnh Ninh Bình cũng mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện, động viên, chia sẻ, ủng hộ của Ban Kinh tế Trung ương, của các bộ, ngành trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ tại địa phương, góp phần đưa tỉnh ngày càng phát triển.
Hồng Giang - Anh Tuấn
Các tin bài khác
- » Vốn chính sách tiếp sức bà con DTTS tỉnh Kon Tum thoát nghèo
- » Giảm nghèo nhờ vốn tín dụng chính sách (Bài 2: Cộng đồng chung tay, góp sức)
- » Giảm nghèo nhờ vốn tín dụng chính sách (Bài 1: Hiệu quả thiết thực)
- » Đắk Ha đa dạng sinh kế để giảm nghèo
- » Giải pháp nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách xã hội tại chi nhánh NHCSXH tỉnh Phú Yên
- » Giúp đồng bào DTTS vươn lên làm giàu
- » Đắk Lắk: Phục hồi và phát triển kinh tế từ nguồn vốn tín dụng chính sách
- » Vốn chính sách giúp đồng bào DTTS nghèo ở Gia Lai vượt khó
- » Hiệu quả nguồn vốn chính sách trong giảm nghèo ở Quỳ Hợp
- » Sóc Trăng phát huy hiệu quả nguồn vốn chính sách trong giảm nghèo