Tín dụng chính sách đồng hành cùng người dân
Năm 2023, quận Thốt Nốt huy động tiết kiệm trên 61,5 tỷ đồng, hoàn thành 100% chỉ tiêu; đến cuối năm, thực hiện tăng trưởng dư nợ 46,8 tỷ đồng, hoàn thành gần 100% chỉ tiêu. Doanh số cho vay trên 117,3 tỷ đồng, với 2.276 lượt hộ vay vốn. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng đạt trên 437 tỷ đồng, với 10.330 hộ còn dư nợ.
Theo Giám đốc NHCSXH quận Nguyễn Minh Hiếu, chất lượng tín dụng chính sách tiếp tục được duy trì và nâng cao; hoạt động giao dịch tại phường được kiểm tra, giám sát chặt chẽ. NHCSXH quận phối hợp các cấp chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác kịp thời triển khai các chương trình tín dụng chính sách, cơ bản đáp ứng nhu cầu vay vốn của người dân. UBND quận quan tâm chuyển 1,5 tỷ đồng vốn ngân sách sang NHCSXH để cho vay giải quyết việc làm đối với thanh niên khởi nghiệp, thanh niên xuất ngũ, sản phẩm OCOP, làng nghề bánh tráng Thuận Hưng…
Anh Ngô Hải Ðăng ở khu vực Tân Lợi 1, phường Tân Hưng, đang trồng 4 công hành lá đạt năng suất cao. Anh Ðăng cho biết: “3 năm qua, tôi vay vốn NHCSXH 30 triệu đồng trồng hành lá. Giống này dễ trồng, ít vốn, nhẹ công chăm sóc, tiêu thụ ổn định. Hành trồng 2 tháng thu hoạch, giá thu mua dao động 10.000-30.000 đồng/kg. Mỗi năm, tôi trồng hành 4 vụ; trừ chi phí, thu nhập từ 15 triệu đồng/vụ/công”.
Chị Lê Thị Mộng Nhi ở ấp Trường Bình, xã Trường Thắng, huyện Thới Lai được hỗ trợ vay trên 100 triệu đồng từ các chương trình tín dụng chính sách để phát triển sản xuất và chăm lo con vào đại học. Hơn 4 năm trước, mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vợ chồng chị Nhi chặt bỏ 7 công vườn xoài cát Hòa Lộc không còn đạt hiệu quả kinh tế, cải tạo đất trồng 300 cây na Thái. Chị Nhi cho biết: “Sau 2 năm canh tác, tôi thu hoạch mỗi năm trên 4 tấn trái. Tùy thời điểm, giá thị trường dao động từ 40.000 - 55.000 đồng/kg”. Hiện vợ chồng chị Nhi chăm sóc 100 cây sầu riêng Ri6 trồng xen na Thái đang phát triển tốt.
Giám đốc NHCSXH huyện Thới Lai Phạm Văn Kiệt cho biết: Năm 2023, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt trên 515 tỷ đồng, với 14.189 hộ còn dư nợ, hoàn thành 99,9% chỉ tiêu tăng trưởng dư nợ. Chất lượng tín dụng chính sách duy trì ổn định, nợ quá hạn chiếm 0,07%. Huyện có 2 xã Xuân Thắng và Thới Thạnh không có nợ quá hạn; một số mô hình vay vốn làm ăn hiệu quả như: trồng dưa hấu, sầu riêng (xã Trường Xuân B, xã Trường Thành); trồng bưởi da xanh, na Thái (xã Trường Thắng); nuôi dúi (thị trấn Thới Lai)…
Năm 2023, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách của NHCSXH quận Cái Răng trên 410,3 tỷ đồng, hoàn thành gần 100% chỉ tiêu. Nợ quá hạn toàn quận là 407 triệu đồng, tỷ lệ 0,1%; 3 phường không có nợ quá hạn là Ba Láng, Hưng Thạnh, Phú Thứ; 167 Tổ tiết kiệm và vay vốn đều xếp loại tốt, khá. Từ nguồn vốn vay ưu đãi, quận xây dựng một số mô hình làm ăn hiệu quả: trồng mít Thái (phường Phú Thứ), trồng cam (phường Hưng Thạnh), bán trái cây, điểm tâm, cà phê (chợ nổi Cái Răng)…
Theo báo cáo, năm 2023, nguồn vốn huy động tại thành phố Cần Thơ đạt 588,3 tỷ đồng, hoàn thành 100% chỉ tiêu; vốn địa phương 521,4 tỷ đồng, hoàn thành 125,3% chỉ tiêu. Tổng dư nợ đạt trên 4.102 tỷ đồng, hoàn thành 99,8% kế hoạch tăng trưởng. Tổng dư nợ ủy thác qua 4 tổ chức chính trị - xã hội đạt 4.100 tỷ đồng; nợ quá hạn 5,9 tỷ đồng, tỷ lệ 0,14%. Toàn thành phố có 2.023 Tổ tiết kiệm và vay vốn, trong đó, có 1.985 tổ xếp loại tốt, khá. Thành phố và quận, huyện đã chuyển vốn ngân sách sang NHCSXH để bổ sung cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Chi nhánh đã hoàn thành đạt và vượt chỉ tiêu vốn ngân sách; huy động tiền gửi của tổ chức, cá nhân và Tổ tiết kiệm và vay vốn. Chi nhánh thu hồi 100% các khoản cho vay trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất theo Nghị quyết số 68/NQ-CP; quan tâm ứng dụng hiệu quả Mobile App, Mobile Banking; tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động điểm giao dịch, Tổ tiết kiệm và vay vốn.
Nguồn vốn tín dụng chính sách giúp 1.102 lượt hộ nghèo, cận nghèo và mới thoát nghèo phát triển sản xuất, kinh doanh; tạo việc làm 15.328 lao động, 2.333 HSSV trang trải chi phí học tập; 197 hộ mua, thuê mua nhà ở xã hội, xây dựng mới hoặc sửa chữa nhà ở; 9.561 hộ xây dựng và cải tạo 15.298 công trình nước sạch và vệ sinh… Qua đó, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo thành phố còn 0,21%, giải quyết việc làm cho 50.921 lao động, bảo đảm an sinh xã hội và thúc đẩy xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.
Anh Phương
Các tin bài khác
- » Nghị quyết số 11 “tiếp sức” cho người dân khôi phục kinh tế
- » Long An tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội
- » Tiếp sức cho đồng bào dân tộc thiểu số ở Quảng Ngãi thoát nghèo
- » Nông dân Điện Bàn đổi đời nhờ đầu tư nuôi con đặc sản
- » Thay đổi nếp nghĩ, cách làm, người Xơ Đăng vững tin hướng đến tương lai
- » Ký kết ủy thác nguồn vốn địa phương sang NHCSXH
- » Tín dụng chính sách nơi “cửa ngõ” vùng Tây Bắc
- » Sóc Trăng: Vốn vay “tiếp sức” mô hình kinh tế, giúp nhiều phụ nữ Khmer thoát nghèo
- » Nguồn vốn ưu đãi “tiếp sức” cho hộ nghèo và đối tượng chính sách ở Cư M’gar
- » “Cầu nối” nguồn vốn ủy thác cho người nghèo