Kỳ 3 - Tiếp tục nâng cao chất lượng tín dụng chính sách phục vụ nhân dân

31/10/2023
(VBSP News) Với 21 chương trình tín dụng chính sách đang phục vụ nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác, trong suốt 21 năm bền bỉ cố gắng nỗ lực, chi nhánh NHCSXH tỉnh Bắc Kạn đã, đang trở thành “điểm tựa” cho đồng bào các dân tộc vượt qua nghèo khó, làm giàu cho chính mình, góp phần quan trọng vào kết quả công tác giảm nghèo bền vững của địa phương.
bk7

Cán bộ NHCSXH huyện Ba Bể thực hiện các thủ tục để giải ngân vốn vay cho đồng bào

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Phạm Duy Hưng cho biết: Từ kết quả đạt được, để nâng cao chất lượng, hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội và vai trò của Ban đại diện HĐQT trong quản lý nguồn vốn này, thời gian tới, các cấp, ngành, địa phương và đặc biệt là Ban đại diện HĐQT sẽ tiếp tục bám sát Chiến lược phát triển giai đoạn 2021 - 2030 của NHCSXH Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; các văn bản hướng dẫn của Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc NHCSXH và sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh để chỉ đạo tổ chức thực hiện tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh đảm bảo kịp thời, hiệu quả.

Bên cạnh đó, tập trung nguồn lực và chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt các chương trình tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh theo chủ trương, định hướng của Chính phủ, của tỉnh trong từng giai đoạn; phát triển NHCSXH theo hướng ổn định, bền vững, đảm bảo thực hiện tốt chính sách tín dụng của Đảng, Chính phủ, phát triển các sản phẩm dịch vụ hỗ trợ ngày càng có hiệu quả hơn cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn. Phấn đấu tăng trưởng tín dụng hằng năm đạt từ 6 - 8%; nguồn vốn ngân sách địa phương, phấn đấu đến năm 2030 chiếm tỷ trọng từ 8% trở lên trong tổng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh.

bk8

Phổ biến về tín dụng ưu đãi cho người dân tại Tổ tiết kiệm và vay vốn Lũng Noong, xã Nam Cường, huyện Chợ Đồn

Phối hợp, lồng ghép có hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách với hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, khuyến nông, khuyến lâm và hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội nhằm mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững, bảo đảm an sinh xã hội. Tiếp tục tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát của NHCSXH, của tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác và Ban đại diện HĐQT các cấp, đảm bảo chất lượng, tránh hình thức. Đồng thời, phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của MTTQ và tổ chức chính trị - xã hội các cấp, vai trò giám sát của toàn dân đối với hoạt động tín dụng chính sách nhằm kịp thời phát hiện, ngăn ngừa, chấn chỉnh những sai sót trong quản lý và sử dụng vốn tín dụng chính sách xã hội.

Đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động nghiệp vụ; ứng dụng ngân hàng số trên điện thoại di động (VBSP SmartBanking) đến tất cả khách hàng của NHCSXH trên địa bàn tỉnh. Phối hợp, lồng ghép có hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách với hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, khuyến nông, khuyến lâm, chú trọng quan tâm đầu tư vốn tín dụng chính sách cho các mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả, mô hình liên kết, mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị, thu hút nhiều lao động, phát triển làng nghề, sản phẩm dịch vụ OCOP… trên địa bàn.

Đồng chí Hoàng Duy Chinh - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn cho biết: Thực tế cho thấy, kết quả đạt được trong triển khai tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh trong suốt 21 năm qua đã khẳng định sự phù hợp của chủ trương, chính sách tín dụng ưu đãi của Đảng, Chính phủ với thực tiễn tình hình kinh tế - xã hội, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của đông đảo người dân, nhất là người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Việc tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách đã đóng góp quan trọng trong việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm, góp phần ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, hạn chế “tín dụng đen”. Vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ thực sự là động lực, là đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, góp phần thực hiện các mục tiêu về chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển, mở rộng sản phẩm dịch vụ OCOP để nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn tỉnh.

bk9

Tín dụng chính sách đã giúp cho trên 52.000 hộ dân của tỉnh Bắc Kạn thoát nghèo

Thời gian tiếp theo, Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ tiếp tục chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp trong chỉ đạo tổ chức thực hiện tín dụng chính sách xã hội, nhất là vai trò, trách nhiệm của Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn. Tiếp tục chỉ đạo, triển khai đồng bộ các giải pháp để tập trung nguồn lực cho NHCSXH để thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội. Cân đối, ưu tiên bố trí nguồn vốn từ ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác ủy thác sang NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay. Gắn việc chuyển vốn ủy thác qua NHCSXH với việc thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội hằng năm trên địa bàn, nhất là việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2030.

Với phương châm “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, trong thời gian tới, chi nhánh NHCSXH tỉnh Bắc Kạn tiếp tục phối hợp với các Sở, bạn ngành liên quan, chính quyền địa phương, tổ chức đoàn thể rà soát đối tượng đủ điều kiện và tổ chức cho vay kịp thời, đúng quy định; phát huy hiệu quả đồng vốn, góp phần thực hiện thành công mục tiêu giảm nghèo từ 2 - 2,5% theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra.

Bài và ảnh Quý Đôn (Báo Bắc Kạn)

Các tin bài khác