Tín dụng chính sách xã hội góp phần thực hiện Nghị quyết của Đảng về công tác dân tộc

30/10/2023
(VBSP News) Tín dụng chính sách xã hội là một bộ phận cấu thành không thể thiếu của Chương trình mục tiêu quốc gia về dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) trong việc hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất, phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, đầu tư hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý... Thực hiện có hiệu quả tín dụng chính sách xã hội góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN, cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống của đồng bào các DTTS.
HOP-TO-NAM-KHAT-MCC_4052

Tín dụng chính sách góp phần thu hẹp dần khoảng cách mức sống giữa các dân tộc

Vai trò của tín dụng chính sách xã hội đối với phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN
Hiện nay, tín dụng chính sách xã hội là một trong những công cụ, giải pháp quan trọng của Đảng và Nhà nước trong thực hiện 03 chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2030; giai đoạn 1: từ năm 2021 đến năm 2025. Thực hiện có hiệu quả tín dụng chính sách xã hội có ý nghĩa rất lớn trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới nói chung và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN nói riêng.
Trên cơ sở Kết luận 65/KL-TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW về công tác dân tộc trong tình hình mới, các Nghị quyết của Quốc hội khoá 14 phê duyệt Đề án tổng thể (Nghị quyết 88/2019/QH14) và chủ trương đầu tư (Nghị quyết 120/2020/QH14), Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định số 1719/QĐ-TTg phê duyệt chương trình mục tiêu quốc gia về DTTS với 10 dự án (trong đó có 14 tiểu dự án) thành phần. Ngân sách Nhà nước dự kiến bố trí vốn vay tín dụng chính sách 19.727 tỷ đồng (chiếm 14,3% tổng nguồn vốn thực hiện chương trình) để thực hiện các nội dung cho vay hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất, chuyển đổi nghề (thuộc Dự án 1); cho vay đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý và cho vay hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị (thuộc Tiểu dự án 2 của Dự án 3). Uỷ ban Dân tộc và Bộ Y tế đã ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện các nội dung trên.
Những năm qua, người dân vùng đồng bào DTTS&MN đã và đang được tiếp cận hầu hết các chương trình tín dụng chính sách do NHCSXH triển khai như: chương trình tín dụng cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở… Ngoài ra, đồng bào DTTS còn được thụ hưởng các chương trình tín dụng chính sách xã hội dành riêng cho đồng bào DTTS và theo từng vùng miền. Đến ngày 30/6/2023 đã có gần 31 nghìn lượt khách hàng là đồng bào các DTTS vay vốn trên 1.564 tỷ đồng. Bình quân 01 hộ DTTS dư nợ đạt trên 50 triệu đồng/bình quân chung toàn quốc là 45 triệu đồng.
Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về DTTS, NHCSXH cho vay ưu đãi thực hiện một số nội dung của Dự án 1: giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt và Dự án 3: phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị. Cũng theo báo cáo nói trên của NHCSXH, kết quả giải ngân nguồn vốn tín dụng chính sách thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về DTTS tính đến ngày 30/6/2023 đã cho 30.912 lượt khách hàng vay 1.564,1 tỷ đồng, dư nợ đạt 1.545,6 tỷ đồng với 29.906 khách hàng dư nợ. Trong đó, cho 522 lượt khách hàng vay 24,67 tỷ đồng hỗ trợ đất ở, gần 17 nghìn lượt khách hàng vay 680,44 tỷ đồng hỗ trợ nhà ở, gần 2 nghìn lượt khách hàng vay 113,35 tỷ đồng hỗ trợ đất sản xuất, hơn 11 nghìn lượt khách hàng vay 721,9 tỷ đồng chuyển đổi nghề, 99 lượt khách hàng vay 5,25 tỷ đồng hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị.
Qua đánh giá tại các địa phương thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia DTTS, vốn tín dụng chính sách xã hội đã giúp giải quyết những vấn đề căn bản, thiết yếu cho cuộc sống của đồng bào các DTTS như đất ở, nhà ở, đất sản xuất, phát triển sản xuất kinh doanh, chuyển đổi nghề và giải quyết việc làm, hỗ trợ phát triển sản xuất; ngăn chặn tệ nạn cho vay nặng lãi ở vùng đồng bào DTTS&MN, góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống cho đồng bào các DTTS, được người dân hết sức đồng tình và hưởng ứng tích cực. Từ những kết quả đạt được tiếp tục khẳng định chính sách tín dụng thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia DTTS đã thực sự đi vào cuộc sống, tác động trực tiếp và mang lại hiệu quả thiết thực, là một “trụ cột” quan trọng trong các chính sách giảm nghèo bền vững.
Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện chính sách trong chương trình mục tiêu quốc gia DTTS vẫn còn một số hạn chế, khó khăn, vướng mắc. Một số văn bản hướng dẫn thực hiện nội dung chương trình của Trung ương ban hành không đầy đủ, thiếu kịp thời, có nội dung hướng dẫn còn chung chung, thiếu cụ thể, nhất là những nội dung hỗ trợ liên quan đến hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất… dẫn đến các địa phương lúng túng triển khai thực hiện, tỷ lệ giải ngân thấp. Một số cấp ủy, chính quyền chưa quan tâm đúng mức đến hoạt động tín dụng chính sách xã hội; công tác điều tra, xác nhận đối tượng thụ hưởng tín dụng chính sách chưa đầy đủ; chậm rà soát, bổ sung, phê duyệt danh sách hộ được vay vốn hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất được vay vốn NHCSXH, ảnh hưởng đến việc tiếp cận vốn tín dụng ưu đãi của các đối tượng chính sách… Những vướng mắc nói trên đã phần nào hạn chế đến hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội, cần phải được tiếp tục tháo gỡ trong thời gian tới.
Một số giải pháp tích cực triển khai thực hiện chính sách tín dụng trong CTMTQG DTTS góp phần thực hiện Nghị quyết của Đảng về công tác dân tộc và an sinh xã hội
Kết luận 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW về công tác dân tộc trong thời kỳ mới đã đề ra chủ trương “Phát huy mọi nguồn lực, khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”. Nghị quyết 88/2019/QH14 của Quốc hội khoá 14 nêu quan điểm: “Nâng cao hiệu quả và mở rộng vốn tín dụng ưu đãi đối với các dự án, hộ gia đình, cá nhân, tổ chức phát triển sản xuất, kinh doanh trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”.
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả chính sách tín dụng xã hội nói chung, chính sách tín dụng trong chương trình mục tiêu quốc gia DTTS nói riêng trong năm 2023 và những năm tiếp theo, NHCSXH cùng với các Bộ, ngành, địa phương cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ và giải pháp mang tính định hướng sau đây:
Tích cực triển khai và tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, nghị quyết của Quốc hội, nghị quyết và nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến công tác dân tộc và an sinh xã hội nói chung, chính sách tín dụng xã hội nói riêng dành cho đồng bào DTTS, vùng DTTS&MN. Phát huy hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội, khẳng định là công cụ quan trọng, góp phần thực hiện thắng lợi các chương trình mục tiêu quốc gia.
Tập trung huy động nguồn lực để thực hiện tốt các chương trình tín dụng, trong đó nguồn vốn ngân sách Trung ương giữ vai trò chủ đạo, bên cạnh đó khuyến khích nguồn ngân sách địa phương và các nguồn hợp pháp khác tham gia thực hiện tín dụng chính sách xã hội; tranh thủ khai thác các nguồn lực của các tổ chức quốc tế để bổ sung nguồn vốn cho vay. Trước mắt, cần bố trí đủ nguồn vốn tín dụng chính sách trong giai đoạn 2024 - 2025 để tiếp tục thực hiện chương trình tín dụng cho vay phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP. Xem xét, bố trí nguồn vốn đầu tư công và phê duyệt kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm cho NHCSXH để chủ động đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về tín dụng chính sách. Nghiên cứu, có cơ chế cho NHCSXH được vay lại nguồn vốn vay nước ngoài với chế độ ưu đãi hơn về lãi suất cũng như các điều kiện tiếp cận; xem xét, nâng hạn mức phát hành trái phiếu NHCSXH được Chính phủ bảo lãnh, tạo điều kiện huy động nguồn vốn có kỳ hạn dài, ổn định, đáp ứng nhu cầu đầu tư tín dụng, đảm bảo khả năng thanh khoản; điều chỉnh linh hoạt nguồn lực giữa các chính sách cho vay ưu đãi theo Nghị quyết số 11/NQ-CP giữa vốn cấp bù lãi suất, phí quản lý và vốn hỗ trợ lãi suất cho vay cho NHCSXH trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2022 - 2023.
Các địa phương vùng đồng bào DTTS&MN sớm ban hành định mức giao đất ở, đất sản xuất, diện tích nhà ở tối thiểu để thực hiện Dự án 1 của chương trình mục tiêu quốc gia DTTS; kịp thời rà soát, lập và phê duyệt danh sách đối tượng thụ hưởng chính sách tín dụng theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP làm cơ sở để NHCSXH cho vay, hoàn thành kế hoạch được Chính phủ giao tại Nghị quyết số 11/NQ-CP. Chỉ đạo thực hiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở cho các hộ gia đình được thụ hưởng chính sách hỗ trợ đất ở, nhà ở. Xem xét, ủy quyền cho UBND cấp xã phê duyệt danh sách đối tượng thụ hưởng chính sách cho vay hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất, chuyển đổi nghề trong chương trình mục tiêu quốc gia DTTS làm cơ sở để NHCSXH cho vay. Khẩn trương xây dựng, ban hành mẫu hồ sơ, trình tự, thủ tục, tiêu chí lựa chọn dự án, kế hoạch liên kết theo quy định tại Nghị định số 38/2023/NĐ-CP đối với dự án phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, trồng dược liệu quý; đồng thời, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị và cấp trực thuộc sớm hoàn thành các thủ tục phê duyệt dự án đầu tư, đề án, mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, trồng dược liệu quý và các nhiệm vụ khác trong tổ chức thực hiện. Chỉ đạo lồng ghép tín dụng chính sách xã hội với hoạt động dạy nghề, đào tạo nghề, chuyển giao khoa học công nghệ, hỗ trợ kỹ năng sản xuất kinh doanh, kết nối thị trường, khuyến khích hộ nghèo, đồng bào DTTS tham gia sâu vào liên kết phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, trồng dược liệu quý, chương trình mỗi xã 1 sản phẩm (OCOP)…
Đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội, đặc biệt chính sách tín dụng mới ban hành đến các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân, nhất là người nghèo, người DTTS và các đối tượng chính sách khác. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, Ban Quản lý dự án cấp xã, Ban Phát triển thôn, cộng đồng, già làng, trưởng bản, người có uy tín và người dân trong việc kiểm tra, giám sát thực hiện tín dụng chính sách xã hội theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”; bảo đảm tín dụng chính sách được triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng nội dung, đúng đối tượng thụ hưởng, không thất thoát.
NHCSXH tập trung tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch tín dụng được Thủ tướng Chính phủ giao hằng năm, đảm bảo vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng, kịp thời, công khai, minh bạch. Tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng, đảm bảo mục tiêu bảo toàn, phát triển vốn. Duy trì và thực hiện hiệu quả mô hình tổ chức, phương thức quản lý vốn tín dụng chính sách đặc thù, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của Hội đồng quản trị, Ban đại diện Hội đồng quản trị các cấp và hệ thống kiểm tra kiểm soát nội bộ; gắn hiệu quả hoạt động kiểm tra, giám sát, kiểm toán nội bộ với việc nâng cao khả năng cảnh báo sớm rủi ro.
Tín dụng chính sách xã hội là một bộ phận cấu thành không thể thiếu của chương trình mục tiêu quốc gia DTTS trong việc hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất, phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, đầu tư hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý… Thực hiện có hiệu quả tín dụng chính sách xã hội góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN, cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống của đồng bào các DTTS; qua đó củng cố niềm tin của đồng bào với Đảng và Nhà nước và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, theo đúng tinh thần của Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng phần liên quan đến công tác dân tộc: “Bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển. Huy động, phân bổ, sử dụng, quản lý hiệu quả các nguồn lực để đầu tư phát triển, tạo chuyển biến căn bản về kinh tế, văn hóa, xã hội ở vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Chú trọng tính đặc thù của từng vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong hoạch định và tổ chức thực hiện chính sách dân tộc. Có cơ chế thúc đẩy tính tích cực, ý chí tự lực, tự cường của đồng bào các dân tộc thiểu số phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện giảm nghèo đa chiều, bền vững”.
Thực hiện có hiệu quả tín dụng chính sách xã hội trong chương trình mục tiêu quốc gia DTTS cũng góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội cho đồng bào DTTS, thu hẹp dần khoảng cách mức sống giữa các dân tộc, vùng miền, để không ai bị bỏ lại phía sau.

Ủy ban Dân tộc

Các tin bài khác