Tạo việc làm, tăng thu nhập nhờ nguồn vốn chính sách

25/10/2023
(VBSP News) Nhờ nguồn vốn chính sách, hàng chục nghìn hộ dân trên địa bàn TP Hà Nội đã mạnh dạn đầu tư khởi nghiệp, mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao thu nhập, tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương.
20231019-094757

Gia đình ông Đỗ Xuân Tuấn ở thôn Trung Hà, xã Tiến Thịnh, huyện Mê Linh đầu tư máy móc hiện đại sản xuất bánh đa nem

Động lực phát triển kinh tế
Có nghề truyền thống làm bánh đa nem, nhưng vì thiếu vốn nên gia đình ông Đỗ Xuân Tuấn ở thôn Trung Hà, xã Tiến Thịnh, huyện Mê Linh mãi chỉ loay hoay làm thủ công, nhỏ lẻ, ngày làm, ngày nghỉ do phụ thuộc thời tiết. Năm 2020, gia đình ông được tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách từ NHCSXH huyện Mê Linh. Với 70 triệu nguồn vốn vay ưu đãi cùng vốn tích lũy trước đó, gia đình ông mạnh dạn đầu tư dây chuyền tráng bánh bằng máy và phòng sấy, góp phần nâng công suất, chất lượng sản phẩm.
Nhờ có dây chuyền sản xuất hiện đại đã nâng công suất gấp 4 lần so với trước đây. Hiện, trung bình mỗi ngày gia đình ông sản xuất 3 tạ gạo, tương đương 2,8 tạ bánh đa nem thành phẩm. Ngoài tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 4 lao động gia đình, cơ sở sản xuất của ông còn tạo việc làm cho 5-6 lao động địa phương, với mức lương từ 5 - 6 triệu đồng/tháng. “Công nghệ sản xuất hiện đại không chỉ nâng cao năng suất, mà còn nâng chất lượng sản phẩm. Hiện gia đình tôi đã có 2 sản phẩm bánh đa nem được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao của huyện Mê Linh. Thương hiệu sản phẩm được quảng bá rộng rãi, hàng làm ra không đủ nhu cầu khách đặt”, ông Tuấn phấn khởi nói.
Cũng nhờ nguồn vốn chính sách, gia đình chị Sỹ Thị Thoan ở thôn Cấn Thượng, xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai đã có điều kiện phát triển trang trại chăn nuôi vịt đẻ và trồng cây ăn quả. Chị Thoan tâm sự: “Gia đình tôi bắt đầu làm trang trại từ 2018, nhưng mãi đến năm 2020, khi được vay 50 triệu đồng nguồn vốn giải quyết việc làm ở NHCSXH huyện Quốc Oai mới có điều kiện nhập giống vịt về chăn nuôi. Hiện trang trại đang chăn hơn 1.000 vịt đẻ và thả cá, trồng các loại cây ăn quả như bưởi, ổi, táo. Trung bình mỗi năm gia đình thu hơn 100 triệu đồng”.
Giám đốc NHCSXH huyện Quốc Oai Quang Mạnh Hà chia sẻ: Nguồn vốn giải quyết việc làm chính là “cần câu” để phát triển kinh tế và giảm nghèo bền vững. NHCSXH huyện đã tích cực triển khai đầy đủ, kịp thời và công khai các chính sách liên quan đến chương trình cho vay giải quyết việc làm đến tất cả Điểm giao dịch tại các xã; phối hợp với các phòng, ban, tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân tiếp cận nguồn vốn.

img-20231023-083238

Thủ tục giải ngân các chương trình tín dụng chính sách của NHCSXH nhanh gọn, đơn giản, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trên địa bàn TP Hà Nội

Nguồn vốn đến đúng đối tượng
Nguồn vốn tín dụng chính sách đã thực sự phát huy hiệu quả, giúp người vay thay đổi thói quen, nhận thức trong sản xuất kinh doanh, mạnh dạn đầu tư vốn phát triển kinh tế, tạo việc làm thu nhập ổn định cho gia đình để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống. Bên cạnh đó, vốn tín dụng chính sách đã góp phần hoàn thành các chương trình, mục tiêu, kế hoạch của từng địa phương nói riêng và của thành phố về giảm nghèo nhanh và bền vững, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.
Giám đốc chi nhánh NHCSXH TP Hà Nội Phạm Văn Quyết cho biết: Để đồng vốn phát huy hiệu quả, đúng đối tượng, chi nhánh đã chủ động xây dựng chỉ tiêu, kế hoạch hàng năm, chuyển tải nguồn vốn kịp thời đến với đối tượng thụ hưởng. Sau khi giải ngân, các phòng giao dịch đều cử cán bộ trực tiếp kiểm tra từng dự án, trường hợp sử dụng không đúng mục đích sẽ bị thu hồi vốn cho vay. Đồng thời, phối hợp với cán bộ tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác tổ chức giám sát quá trình sử dụng vốn, đôn đốc thu lãi hàng tháng, nhắc nhở người vay trả nợ đúng hạn, kịp thời phối hợp, hướng dẫn lập hồ sơ đề nghị xử lý với các hộ bị rủi ro nguyên nhân khách quan. Hàng năm, căn cứ vào nhu cầu vay vốn từ các địa phương, NHCSXH thực hiện linh hoạt các giải pháp cân đối vốn tín dụng, đẩy nhanh việc thu hồi các khoản vay đến hạn để tổ chức quay vòng, giải quyết vốn đến các đối tượng lao động có nhu cầu vay.
Trong giai đoạn từ năm 2020 đến hết ngày 30/9/2023, nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm giải ngân qua chi nhánh NHCSXH TP Hà Nội đã hỗ trợ vốn cho 257.590 lượt khách hàng, góp phần thu hút, tạo việc làm cho 269.100 lao động. Bình quân mỗi năm góp phần thực hiện 42% kế hoạch giải quyết việc làm của thành phố.
Tuy nhiên, nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm mặc dù đã được thành phố quan tâm bổ sung nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của nhân dân, dẫn đến tình trạng chia nhỏ vốn cho nhiều người vay, mức cho vay thấp làm giảm hiệu quả sử dụng vốn. Theo rà soát, trong năm 2023 và giai đoạn 2024 - 2025, trên địa bàn TP Hà Nội còn thiếu 2.600 tỷ đồng tiền vốn cho vay giải quyết việc làm.
Vì vậy, thời gian tới, TP Hà Nội sẽ tiếp tục quan tâm bố trí ngân sách chuyển bổ sung vốn ủy thác sang chi nhánh NHCSXH thành phố để đáp ứng nhu cầu của các đối tượng thụ hưởng. Đồng thời, bổ sung đối tượng được vay vốn chương trình cho vay xuất khẩu lao động từ nguồn vốn ngân sách TP Hà Nội ủy thác qua NHCSXH gồm: người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo theo chuẩn thành phố; người lao động cư trú hợp pháp tại các huyện ngoại thành.

Bài và ảnh Phương Nga

Các tin bài khác