Nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương góp phần quan trọng để thực hiện TDCSXH trên địa bàn Hà Nội

22/09/2023
(VBSP News) Là địa bàn có chuẩn nghèo cao hơn chuẩn nghèo Quốc gia với mật độ dân số tập trung đông, sức ép về lao động, việc làm rất lớn, do đó thành phố Hà Nội đã tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để phát triển kinh tế gắn với giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Một trong những giải pháp được quan tâm thực hiện trong những năm qua đó chính là dành một phần nguồn lực từ ngân sách Thành phố và các quận, huyện, thị xã chuyển bổ sung vốn ủy thác qua NHCSXH để cho vay đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của các đối tượng thụ hưởng trên địa bàn.

Trong hơn 20 năm qua, TDCSXH trên địa bàn TP Hà Nội đã góp phần hỗ trợ, tạo việc làm cho 722.000 lao động, hỗ trợ kinh phí xây, sửa nhà cho 11.375 hộ nghèo để nâng cao chất lượng cuộc sống

Trong hơn 20 năm qua, TDCSXH trên địa bàn TP Hà Nội đã góp phần hỗ trợ, tạo việc làm cho 722.000 lao động, hỗ trợ kinh phí xây, sửa nhà cho 11.375 hộ nghèo để nâng cao chất lượng cuộc sống

Hỗ trợ, tạo việc làm cho 722.000 lao động

Trong hơn 20 năm qua, nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH luôn được Thành phố quan tâm chỉ đạo bổ sung hằng năm và tập trung phân bổ về những địa bàn có tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo cao, những địa bàn khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, ưu tiên đáp ứng nhu cầu vay của người mù, người khuyết tật và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn. Bên cạnh đó, Thành ủy, Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố đã chỉ đạo đưa giải pháp về bố trí nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội vào các Chương trình, Kế hoạch phát triển của Hà Nội trong từng giai đoạnnhư: Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy giai đoạn 2016-2020 và Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy giai đoạn 2021-2025 về phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân; Chương trình số 08-CTr/TU của Thành ủy giai đoạn 2021 - 2025 về phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của Nhân dân Thủ đô; Kế hoạch phát triển nhà ở cho hộ nghèo; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Kế hoạch giải quyết việc làm hằng năm; Kế hoạch giảm nghèo nhanh và bền vững trên địa bàn Hà Nội… Đặc biệt, trong giai đoạn 2020 - 2021, trước ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, Thành phố đã bố trí ngân sách 1.150 tỷ đồng chuyển bổ sung vốn ủy thác qua NHCSXH để cho vay hỗ trợ phục hồi sản xuất kinh doanh, khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, giúp người lao động trên địa bàn ổn định sản xuất, kinh doanh, đảm bảo việc làm và thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Tính đến 30/6/2023, tổng nguồn vốn tại NHCSXH thành phố Hà Nội là 13.670 tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn địa phương ủy thác qua NHCSXH là 7.103 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 52% trên tổng nguồn vốn cho vay các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn, bao gồm: ngân sách Thành phố và quận, huyện, thị xã ủy thác là 7.087 tỷ đồng, Mặt trận Tổ quốc các cấp ủy thác là 16 tỷ đồng. Trong hơn 20 năm qua, bình quân mỗi năm nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua chi nhánh NHCSXH thành phố Hà Nội được bổ sung là 354 tỷ đồng, đặc biệt trong 05 năm trở lại đây, bình quân mỗi năm được bổ sung là 950 tỷ đồng. Trong hơn 20 năm qua, nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua chi nhánh thành phố tập trung cho vay các chương trình tín dụng như: chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm; chương trình cho vay hộ nghèo về nhà ở; chương trình cho vay phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg, trong đó, nguồn vốn ủy thác dành cho chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm chiếm tỷ trọng lớn nhất, đạt 98% trên tổng nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH và đạt 67% trên tổng nguồn vốn cho vay chương trình này từ cả nguồn Trung ương và nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương. Nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH trong hơn 20 năm qua đã góp phần hỗ trợ, tạo việc làm cho 722.000 lao động, hỗ trợ kinh phí xây, sửa nhà cho 11.375 hộ nghèo để nâng cao chất lượng cuộc sống.

Việc tập trung các nguồn lực để triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội là rất quan trọng, cần thiết và là một trong những giải pháp hiệu quả để Chính phủ, chính quyền địa phương các cấp thực hiện tốt các kế hoạch, mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội trong từng thời kỳ. Trong đó, phải khẳng định rằng, tăng trưởng nguồn vốn theo hướng chuyển dịch cơ cấu, đẩy mạnh nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH để nâng cao tự chủ về nguồn vốn, phát huy vai trò trách nhiệm của địa phương trong việc thực hiện các chương trình mục tiêu chiến lược Quốc gia cũng như mục tiêu, kế hoạch, nhiệm vụ của từng địa phương về giảm nghèo, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội là hướng đi đúng đắn, hiệu quả trong triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội cũng như hướng đến sự phát triển ổn định, bền vững của NHCSXH. Hướng đi này cần tiếp tục được phát huy và triển khai rộng rãi không chỉ riêng tại thành phố Hà Nội mà tại cả các tỉnh, thành phố trên cả nước trong thời gian tiếp theo.

Đi đầu về tín dụng chính sách từ cơ chế đặc thù riêng có

Để thực hiện hiệu quả nội dung này, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp cần tập trung quan tâm chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, trong đó, cần coi việc bố trí ngân sách chuyển bổ sung vốn ủy thác qua NHCSXH để cho vay đáp ứng nhu cầu của các đối tượng thụ hưởng trên địa bàn là việc làm mang tính thường kỳ hằng năm và cần phải được chủ động triển khai ngay từ khâu xây dựng dự toán ngân sách mỗi năm của từng địa phương.

Bên cạnh đó, sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương và Ban đại diện HĐQT NHCSXH các cấp có vai trò rất quan trọng đối với việc tập trung nguồn lực và triển khai thực hiện có hiệu quả tín dụng chính sách trên địa bàn. Đặc biệt, là vai trò tham mưu của các Sở, ngành liên quan như Sở Tài chính, Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng như vai trò của Chủ tịch UBND cấp xã trong việc chỉ đạo rà soát đối tượng, rà soát nhu cầu vay vốn hằng năm làm cơ sở xác định, cân đối, bố trí ngân sách chuyển bổ sung vốn ủy thác qua NHCSXH, đảm bảo sát nhu cầu thực tế, phù hợp với nguyện vọng của Nhân dân cũng như khả năng đáp ứng của ngân sách địa phương các cấp.

Để làm tốt nội dung này, cần tập trung quan tâm công tác củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban đại diện HĐQT NHCSXH các cấp, phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm và sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương để tập trung nguồn lực và triển khai thực hiện có hiệu quả tín dụng chính sách trên địa bàn. Đặc biệt, cần phát huy vai trò của thành viên Ban đại diện là các Sở, ngành, cơ quan liên quan trong việc tham mưu bố trí ngân sách chuyển vốn ủy thác qua NHCSXH cũng như vai trò của thành viên Ban đại diện là Chủ tịch UBND cấp xã trong tổ chức triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội.

Đồng thời, sự chủ động của chi nhánh NHCSXH thành phố và Phòng giao dịch NHCSXH cấp huyện trong việc phối hợp với các Sở, ngành, cơ quan liên quan để nắm bắt Chương trình, mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội tại địa phương làm cơ sở tham mưu bố trí ngân sách chuyển bổ sung vốn ủy thác qua NHCSXH trong từng giai đoạn là rất quan trọng, góp phần phát huy hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp về phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.

Để làm tốt nội dung này, công tác tham mưu cần được quan tâm triển khai ngay từ khâu lập kế hoạch, chủ động tham mưu đưa nội dung bố trí vốn chuyển sang NHCSXH cho vay thực hiện chương trình, mục tiêu vào kế hoạch triển khai tổng thể của UBND cấp huyện, cấp tỉnh để làm cơ sở tiến hành các bước tiếp theo. Bên cạnh đó NHCSXH các cấp cần quan tâm triển khai tốt công tác thông tin báo cáo, tuyên truyền về hiệu quả tín dụng chính sách hoặc tham mưu tổ chức các đợt kiểm tra thực tế, tiếp xúc với người dân để cấp ủy, Hội đồng nhân dân và lãnh đạo chính quyền địa phương nắm bắt tâm tư nguyện vọng của Nhân dân cũng như quá trình triển khai thực hiện, qua đó thấy được hiệu quả, ý nghĩa của đồng vốn tín dụng ưu đãi giải ngân từ nguồn vốn nhận ủy thác của địa phương.

Trong thời gian tiếp theo, Thành phố Hà Nội vẫn xác định tín dụng chính sách xã hội là một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cũng như của Thành phố. Thành ủy, Hội đồng nhân dân, UBND thành phố sẽ tiếp tục chỉ đạo tổ chức triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn gắn với tập trung các nguồn lực từ ngân sách Thành phố và quận, huyện, thị xã để tạo lập nguồn vốn ổn định, bền vững cho hoạt động của NHCSXH, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn. Theo đó, Thành phố tiếp tục tập trung triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư và các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị, Kế hoạch của Thành uỷ, UBND về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, quan tâm bố trí ngân sách địa phương các cấp chuyển bổ sung vốn ủy thác qua NHCSXH hàng năm để tạo nguồn lực ổn định, bền vững tổ chức triển khai thực hiện tốt các chương trình tín dụng chính sách xã hội, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của các đối tượng thụ hưởng trên địa bàn gắn với mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố trong từng giai đoạn cụ thể.

Bám sát Chiến lược phát triển NHCSXH đến năm 2030 đã được phê duyệt tại Quyết định số 05/QĐ-TTg ngày 04/01/2023 của Thủ tướng Chính phủ để chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn, gắn với các chương trình, mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố cũng như từng địa bàn cấp huyện, cấp xã, trong đó chú trọng tới các mục tiêu giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội.

Tiếp tục duy trì và phát huy hơn nữa hiệu quả mô hình tổ chức và phương thức quản lý tín dụng chính sách xã hội đặc thù riêng có tại NHCSXH. Quan tâm tạo điều kiện hỗ trợ đối với hoạt động của NHCSXH trên địa bàn cũng như chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động ủy thác cho vay, chất lượng hoạt động của các Tổ Tiết kiệm và vay vốn và chất lượng hoạt động của các Điểm giao dịch của NHCSXH tại xã, phường, thị trấn. Tiếp tục quan tâm và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra giám sát của các cấp, các ngành và của mọi tầng lớp Nhân dân đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội; phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội.

Thanh Hiền

Các tin bài khác