Đột phá từ một Chỉ thị (Bài 1: Trụ cột giảm nghèo bền vững)

25/09/2023
(VBSP News) Sau gần 9 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22/11/2014 và hơn 2 năm thực hiện Kết luận số 06-KL/TW, ngày 10/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội đã tác động tích cực đến hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Hơn 20 năm triển khai, nguồn vốn vay ưu đãi từ NHCSXH đã trở thành một trong những trụ cột trong công cuộc giảm nghèo trên địa bàn tỉnh. Với sự tăng cường lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội đã giúp trụ cột này thêm vững chắc hơn.
dt_2192023929_a2

Được vay vốn chính sách, hộ dân ở xóm Lau Bai, xã Vầy Nưa, huyện Đà Bắc đã phát triển nuôi cá lồng, đem lại thu nhập khá

“Bà đỡ” cho người nghèo
Tháng 10/2002, Chính phủ ban hành Nghị định số 78/2002/NĐ-CP về thực hiện tín dụng chính sách đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Qua hơn 20 năm hiện diện ở đất “khó” Hoà Bình, nguồn vốn tín dụng chính sách đã trở thành động lực quan trọng cho công cuộc giảm nghèo ở các địa phương. Đặc biệt, việc triển khai đa dạng chương trình cho vay đã giúp hầu hết các hộ dân ở vùng khó khăn được tiếp cận vốn chính sách. Theo báo cáo của chi nhánh NHCSXH tỉnh, hơn 20 năm qua, khoảng 640 nghìn hộ được vay vốn, trên 110 nghìn hộ thoát nghèo, hàng chục nghìn công trình nước sạch và vệ sinh môi trường quy mô hộ gia đình được xây dựng. Bên cạnh đó, vốn chính sách đã tiếp bước cho hàng nghìn HSSV có hoàn cảnh khó khăn trên hành trình đi tìm tri thức; giúp trên 30 nghìn lao động được tạo việc làm.
Có thể nói, với một tỉnh còn nhiều khó khăn, khi đặt chân đến bất cứ vùng quê nào đều thấy được sự hiện diện của tín dụng chính sách. “Đường giao thông mới được đầu tư xây dựng thuận lợi trong 2 - 3 năm trở lại đây thôi. Còn vốn chính sách thì đã có từ chục năm về trước. Có nguồn vốn này bà con mới đầu tư trồng rừng, chăn nuôi rồi làm nhà cửa khang trang được. Bà con luôn biết ơn Đảng, Nhà nước đã quan tâm cho vay vốn để xoá đói, giảm nghèo”. Đó là chia sẻ của ông Bùi Văn Mến ở xóm Um, xã Thạch Yên, huyện Cao Phong, cũng là tâm tư của hàng chục nghìn hộ dân trên địa bàn tỉnh.
Xóm Um là bản làng của đồng bào dân tộc Mường, nơi có vị trí cao nhất ở xã vùng cao Thạch Yên. Khi chưa có đường thuận lợi, Um thực sự là nơi “sơn cùng, thuỷ tận”. Ấy thế mà gần 20 năm qua, đồng vốn tín dụng chính sách của Nhà nước đã vượt bao chênh vênh về địa lý để đến với bà con nơi này. Nhờ đó, nhiều hộ dân ở xóm Um đã thoát nghèo bền vững.
Chủ tịch UBND xã Thạch Yên Bùi Đức Chung cho biết: Là xã đặc biệt khó khăn nên sự quan tâm, đầu tư về hạ tầng thiết yếu, đặc biệt vốn vay ưu đãi của Đảng, Nhà nước là động lực để xã vượt khó vươn lên. Trong hơn 20 năm qua đã có trên 900 hộ trong xã được vay vốn chính sách, mức dư nợ bình quân từ 3,2 triệu đồng/hộ (năm 2003) nay tăng lên trên 50 triệu đồng/hộ. Thông qua nguồn vốn đã giúp gần 800 hộ thoát nghèo bền vững, gần 1 nghìn công trình nước sạch và vệ sinh cho hộ gia đình được xây dựng. Những kết quả đó là tiền đề để xã xây dựng Nông thôn mới, nâng cao chất lượng đời sống và thu nhập cho người dân. Xã đang phấn đấu về đích Nông thôn mới trong năm 2023.
Hành trình vượt khó của người dân xã Thạch Yên là hình ảnh điển hình cho các vùng quê trong tỉnh Hòa Bình từ khi có sự đồng hành của vốn chính sách. Tuy nhiên, hơn 10 năm đầu triển khai tín dụng chính sách vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Một số cấp uỷ, chính quyền chưa sâu sát với tín dụng chính sách, chưa nhận thức rõ vai trò của tín dụng chính sách đối với công cuộc giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội. Do đó, hiệu quả đồng vốn đem lại chưa cao. Trước thực tế đó, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22/11/2014 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Chỉ thị ra đời đã khắc phục những hạn chế trong triển khai tín dụng chính sách, đồng thời thể hiện quyết tâm rất lớn của Đảng và Nhà nước đối với công cuộc giảm nghèo, tạo việc làm và bảo đảm an sinh xã hội.
Bước đột phá về tư duy
Chỉ thị số 40-CT/TW đi vào cuộc sống đã tạo bước đột phát trong thực hiện tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Trước khi Chỉ thị số 40 được ban hành, nguồn vốn uỷ thác từ ngân sách địa phương chuyển sang NHCSXH đạt 6 tỷ đồng. Hai năm trở lại đây nguồn vốn chuyển đạt cao nhất. Năm 2022, nguồn vốn ủy thác địa phương đạt 102 tỷ đồng, tăng 66% so với năm 2021. Năm 2023, trên 39,5 tỷ đồng đã được UBND tỉnh và các huyện, thành phố chuyển sang NHCSXH, nhiều đơn vị vượt chỉ tiêu kế hoạch.
Đến nay, tổng nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phươn đạt hơn 142 tỷ đồng, tăng 136 tỷ đồng so với thời điểm trước khi thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW. Trong bối cảnh là tỉnh còn gặp nhiều khó khăn nhưng việc bố trí ngân sách địa phương chuyển sang NHCSXH cho thấy sự quan tâm rất lớn của các cấp ủy, chính quyền tỉnh đối với tín dụng chính sách.
Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Nguyễn Minh Hưng cho biết: Hai năm trở lại đây, nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương đã góp phần lớn trong việc bổ sung vốn cho giải quyết việc làm. Như năm 2022, doanh số cho vay giải quyết việc làm từ nguồn ngân sách địa phương đạt hơn 62 tỷ đồng, với 1.596 hộ được vay vốn; năm 2023, chi nhánh đã giải ngân 53,6 tỷ đồng cho 1.206 hộ vay vốn giải quyết việc làm. Đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 3.547 hộ được vay vốn giải quyết việc làm từ nguồn vốn uỷ thác ngân sách địa phương chuyển sang.
UBND tỉnh và các huyện, thành phố quan tâm chuyển sang NHCSXH không chỉ ghi nhận vai trò của NHCSXH trong thực hiện các chương trình tín dụng, mà còn tạo ra nguồn vốn để giải quyết việc làm cho người dân. Đây là nguồn vốn được người dân rất quan tâm, nhất là sau những ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19 đối với vấn đề việc làm.
Không chỉ quan tâm đến vấn đề giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương, những năm qua, tỉnh chú trọng công tác xuất khẩu lao động. Ngày 9/12/2022, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 216/2022/NQ-HĐND quy định chính sách hỗ trợ vay vốn đối với người lao động trên địa bàn tỉnh đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, giai đoạn 2023 - 2026. Mức vay tối đa 100 triệu đồng, kinh phí từ ngân sách cấp tỉnh và huyện ủy thác qua NHCSXH.
Từ nghị quyết này đã có những lao động xuất ngoại, bước đầu đem lại hiệu quả thiết thực. Có thể nói, sự thẩm thấu của nguồn vốn uỷ thác từ ngân sách địa phương đã và đang đem lại những cơ hội lớn để giải quyết việc làm cho nhiều lao động trên địa bàn tỉnh. Mỗi đồng vốn trao tay là thêm một cơ hội để hộ vay vươn lên phát triển kinh tế.

Viết Đào

Các tin bài khác