Những mô hình kinh tế hiệu quả từ nguồn vốn vay chính sách

19/09/2023
(VBSP News) Từ nguồn vốn vay ưu đãi của NHCSXH, nhiều hộ dân ở thị xã Thái Hòa (Nghệ An) có thêm điều kiện để tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.
nghe an

Anh Nguyễn Hồng Hà ở xóm 2, xã Nghĩa Thuận, thị xã Thái Hòa trồng chuối phục vụ chăn nuôi

Xây dựng cơ ngơi khang trang từ nguồn vốn vay
Giữa cái nắng cuối mùa tháng 8, khu vườn của anh Nguyễn Hải Đăng ở xóm 7, xã Nghĩa Thuận vẫn xanh mướt với nhiều loại cây ăn trái, bên cạnh khu vườn là những dãy chuồng trại chăn nuôi bò, gà, lợn… Anh Đăng luôn tay luôn chân đi lại giữa các chuồng nuôi nhốt, lúc thì mang cỏ voi đã được cắt nhỏ cho đàn bò, lúc lại cầm vòi tưới nước tắm mát cho đàn lợn.
Nhiều năm trước, gia đình anh Nguyễn Hải Đăng thuộc diện hộ khó khăn của xóm 7, và được NHCSXH thị xã Thái Hoà cho vay vốn 50 triệu đồng để đầu tư mua con giống phát triển kinh tế. Khoảng thời điểm năm 2015, chăn nuôi bò ở xã Nghĩa Thuận phát triển mạnh, tạo việc làm và nguồn thu nhập cao cho hàng trăm hộ dân. Đặc biệt, thời điểm đó, ngoài chăn nuôi các giống bò địa phương, bò sữa khá phổ biến thì người dân cũng đầu tư nuôi bò 3B. Với khả năng thích nghi với môi trường địa lý khác nhau, nuôi bò 3B nhanh chóng cho thu nhập đối với người nuôi, đặc biệt là ở những địa phương có nguồn thức ăn cho vật nuôi phong phú.
Từ nguồn vốn vay chính sách, anh Đăng đầu tư mua 3 con bò 3B. Sau gần 4 năm chăn nuôi kết hợp, nguồn lợi nhuận, anh đầu tư mua thêm các con giống khác như: bò địa phương, lợn, gà với số lượng đàn lợn 7 - 10 con, đàn gà 100 con. Ngoài ra, anh Đăng còn cải tạo ao nuôi ba ba kết hợp trồng các loại cây ăn quả như: bưởi, chuối, ổi…
Từ nguồn vốn vay ban đầu phát triển kinh tế, gia đình anh Nguyễn Hải Đăng đã trả được hết nợ ngân hàng, còn có thêm vốn để đầu tư các con giống khác. Thấy được hiệu quả nguồn vốn vay, năm 2022, anh Đăng tiếp tục đăng ký vay vốn NHCSXH để mở rộng quy mô chăn nuôi, trồng trọt.
“Tuy số lượng được vay mỗi lần không lớn, song cũng đã giúp chúng tôi rất nhiều trong mở hướng làm ăn, sản xuất. Không chỉ gia đình tôi mà với nhiều hộ khác, nhất là hộ nghèo, cận nghèo có được cơ hội thay đổi cuộc sống, xây dựng cơ ngơi khấm khá hơn từ phát huy nguồn vốn vay lãi suất thấp của NHCSXH”, anh Đăng chia sẻ.
Đi lên từ chăn nuôi
Cách khu nhà ở và cơ ngơi chăn nuôi, trồng trọt của anh Nguyễn Hải Đăng không xa, khu gia trại của anh Nguyễn Hồng Hà ở xóm 2, xã Nghĩa Thuận cũng phủ một màu xanh mướt của cây trái và rộn rã tiếng kêu của vật nuôi. Cũng như anh Hải Đăng, anh Hồng Hà có được cơ ngơi và nguồn thu nhập khá, ổn định cũng nhờ vay vốn NHCSXH.
Anh Hà cho biết: “NHCSXH cho tôi vay nhiều lần rồi, cứ vay lại trả. Sau mỗi lần đầu tư thì có thêm tiền để mua thêm con giống, cây giống. Cộng với lấy công làm lãi, đến nay, tôi chỉ còn nợ chương trình cho vay HSSV có hoàn cảnh khó khăn”. “Bệ đỡ” vốn vay từ NHCSXH cùng với cách chăn nuôi dê trên chuồng cao đã giúp gia đình anh Hà vươn lên khá, giàu. Duy trì số lượng đàn dê từ 30 - 40 con, anh đầu tư kinh phí xây dựng dãy chuồng trại theo kiểu nhà sàn, cho dê ở trên cao nên vật nuôi phát triển rất khoẻ mạnh. Mỗi ô chuồng nhốt khoảng 3 - 5 con dê, dãy “nhà sàn” hơn 10 chuồng đủ để đàn dê sinh sản, phát triển thuận lợi.
Ngoài vốn vay ưu đãi lãi suất ưu đãi, việc tận dụng nguồn thức ăn có sẵn trong vườn nhà, tự sản xuất được và tận tay chăm sóc đàn vật nuôi nên chi phí thức ăn được tinh giản tối đa. “Tôi trồng hơn 100 gốc chuối, vừa bán quả vừa bán lá chuối, kết hợp lấy lá và thân chuối cho dê, lợn, gà. Nguồn phân vật nuôi thải ra, đặc biệt là phân dê, rất tốt cho sự phát triển của cây. Cứ thế, quay vòng từ các vật nuôi và cây trồng bổ sung thức ăn qua lại, vừa tiết kiệm, vừa giữ được sinh thái, đảm bảo sản phẩm sạch”, anh Hà tâm sự.
Từ vốn vay NHCSXH khởi nghiệp ban đầu đã tạo nền tảng để đầu tư chăn nuôi, nhân rộng đàn và trồng thêm các loại cây ăn quả, tạo thành gia trại tổng hợp trồng chuối, mít, cỏ voi, mía, nuôi lươn, dê, trâu bò,… Đến nay, anh Hà đã có trong tay cơ ngơi gia trại rộng rãi, đàn vật nuôi, cây trồng phong phú, cho thu nhập đều đặn.
Từ những cơ sở có được, hiện nay, anh Hà đang hướng sản xuất nông nghiệp theo hướng trồng trọt, chăn nuôi hữu cơ, đảm bảo sản phẩm làm ra đạt yêu cầu về an toàn thực phẩm, cũng là cách để duy trì hướng bền vững trên diện tích khai thác. Nhờ triển khai và kiên trì theo hướng sản xuất “xanh”, không chỉ chi phí sản xuất được giảm tối đa, mà môi trường sản xuất cũng như môi trường sống của gia đình anh cũng được bảo đảm, không lo ảnh hưởng xấu của các loại thuốc bảo vệ thực vật ảnh hưởng sức khoẻ. Với hướng đi này, anh Hà dự định sẽ tiếp tục vay vốn NHCSXH khi có nhu cầu đầu tư mở rộng sản xuất cũng như phục vụ việc học tập của con cái.
Giám NHCSXH thị xã Thái Hoà Vương Sỹ Hoà cho biết: Người dân thị xã vốn chịu thương, chịu khó lại có kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh. Từ nguồn vốn vay ưu đãi của NHCSXH đã giúp nhiều hộ dân có thêm điều kiện để tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế. Doanh số cho vay quý III/2023 của đơn vị đạt 6,992 tỷ đồng, nâng tổng doanh số cho vay 8 tháng đầu năm 2023 đạt 82,650 tỷ đồng, đã giúp cho hơn 1.359 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn; trong đó, có 11 lượt hộ nghèo, 872 lượt hộ cận nghèo; chương trình cho vay giải quyết việc làm đã thu hút, tạo việc làm cho hơn 180 lao động tại địa phương, xây dựng mới và sửa chữa gần 470 công trình nước sạch và công trình vệ sinh…
Các nguồn vốn cho vay đã và đang tạo điều kiện hỗ trợ kịp thời giúp cho các hộ nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, góp phần giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn toàn thị xã
Thời gian tới, NHCSXH thị xã Thái Hoà tiếp tục tranh thủ tối đa mọi nguồn vốn ưu đãi về với địa bàn, quan tâm làm tốt công tác phân bổ, giải ngân các nguồn vốn kịp thời, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận một cách dễ dàng và nhanh chóng. Đồng thời, giải ngân chương trình cho vay theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ.

Hoài Thu - Thu Huyền

Các tin bài khác