Vốn ưu đãi giúp đồng bào DTTS vượt khó

06/09/2023
(VBSP News) Những năm qua, nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã “phủ” đến tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Đồng Hỷ (Thái Nguyên). Nguồn vốn ưu đãi này đã giúp hàng nghìn hộ đồng bào DTTS nơi đây phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.
Thai nguyen

Gia đình ông Lâm Văn Khuyên vay 50 triệu đồng từ NHCSXH huyện để đầu tư cải tạo 3 sào chè và thoát nghèo từ năm 2022

Xóm Cao Phong, xã Hợp Tiến có 375 hộ dân thì có tới 90% là đồng bào dân tộc Dao, cuộc sống của bà con chủ yếu trông vào sản xuất nông, lâm nghiệp. Trước đây, người dân trong xóm chỉ chú trọng phát triển kinh tế theo kiểu tự sản tự tiêu, không có điều kiện tích lũy, chưa áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất nên năng suất, sản lượng, chất lượng sản phẩm còn thấp. Có hộ muốn đầu tư phát triển kinh tế hay “làm ăn lớn” thì lại thiếu vốn. Cuộc sống vì thế khó khăn quanh năm.
Những năm gần đây, nhờ công tác tuyên truyền, vận động và sự nỗ lực của người dân, nhiều hộ cũng được tạo điều kiện vay vốn NHCSXH với lãi suất ưu đãi để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Điển hình như các gia đình anh Dương Văn Quyết. Anh chia sẻ: “Nhìn gia cảnh khó khăn, vợ con nheo nhóc, tôi quyết tâm đi học nghề mộc. Sau đó, tôi vay mượn anh em, bạn bè tiền vốn và vay thêm vốn từ NHCSXH huyện để mở cơ sở sản xuất đồ mỹ nghệ. Sau vài ba năm, tôi đã có thu nhập trang trải cuộc sống gia đình, mua sắm nhiều vật dụng sinh hoạt, xây dựng nhà. Năm 2019, gia đình tôi thoát nghèo và từ năm 2021 không còn là hộ cận nghèo. Hiện, tôi có điều kiện mua thêm xe ô tô để kinh doanh vận tải”.
Tương tự, xã Văn Lăng có trên 70% dân số là đồng bào DTTS, địa hình rộng, dân cư sống rải rác, không tập trung, đi lại khó khăn nên phát triển kinh tế còn hạn chế. Những năm gần đây, thông qua các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác nhiều hội viên được vay vốn NHCSXH để phát triển kinh tế.
Từ các nguồn vốn vay ưu đãi, hội viên đã mạnh dạn thay đổi nếp nghĩ, cách làm, đầu tư chuyển đổi hình thức SXKD; trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao; chăn nuôi gà, dê, bò, lợn nái, lợn thịt, lợn rừng; xây dựng các mô hình trang trại tổng hợp; trồng cây ăn quả… Những đồng vốn vay ưu đãi đã góp phần nâng cao đời sống cho đồng bào DTTS, giúp các hộ nghèo và cận nghèo có điều kiện để phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập và thoát nghèo bền vững.
Chị Nguyễn Thị Sen, dân tộc Tày ở xóm Tam Va, xã Văn Lăng chia sẻ: “Vợ chồng tôi có 3 cháu, trong đó, 1 cháu bị khuyết tật bẩm sinh phải có người chăm sóc thường xuyên. Gia cảnh khó khăn, chồng đi làm thuê, thu nhập bấp bênh, kinh tế chỉ trông vào mấy sào chè giống cũ. Năm 2016, tôi mạnh dạn vay 50 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ nghèo của NHCSXH để trồng rừng và khai phá đất đồi, mua cây giống, vật tư phân bón trồng chè cành giống mới theo quy trình sản xuất VietGAP. Nhờ nguồn thu ổn định từ đồi chè và rừng, năm 2021, gia đình tôi đã thoát nghèo”.
Huyện Đồng Hỷ là một trong những địa phương có tỷ lệ đồng bào DTTS cao. Số hộ là đồng bào DTTS chiếm tới 54,28% dân số, tập trung ở các xã: Tân Long, Tân Lợi, Văn Lăng, Nam Hoà, Hợp Tiến,… Riêng trong hai năm 2021 - 2022, NHCSXH huyện Đồng Hỷ đã giải ngân các chương trình tín dụng cho trên 4.700 hộ đồng bào DTTS vay vốn, với tổng dư nợ trên 186 tỷ đồng. Trong 9 tháng đầu năm 2023, đơn vị đã cho 1.283 hộ vay vốn, với tổng nguồn vốn đạt gần 60 tỷ đồng. Từ nguồn vốn tín dụng này đã giúp các hộ nghèo, cận nghèo và đối tượng chính sách phát triển sản xuất, ổn định thu nhập để vươn lên thoát nghèo.
Công tác triển khai thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi trên địa bàn huyện Đồng Hỷ được tổ chức đồng bộ, kịp thời. Thông qua các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, NHCSXH huyện đã cho vay đúng đối tượng, đúng nội dung vay, việc giải quyết thủ tục, hồ sơ vay nhanh chóng và hiệu quả. Từ đó, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo DTTS trên địa bàn huyện bình quân 2,3%/năm (năm 2021 giảm 1.776 hộ, năm 2022 giảm 1.411 hộ).
Giám đốc NHCSXH huyện Đồng Hỷ Đoàn Lệ Thuỷ cho biết: “Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục ưu tiên cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, gắn với các chương trình mục tiêu quốc gia. Qua đó, đảm bảo 100% hộ có nhu cầu và đủ điều kiện, đặc biệt là nhóm đồng bào DTTS, được vay vốn và tiếp cận các dịch vụ do đơn vị cung cấp”.

Minh Phương

Các tin bài khác