Hiệu quả tín dụng ưu đãi tại miền biên giới Tây Ninh

30/08/2023
(VBSP News) Với phương châm “Thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ”, tín dụng chính sách xã hội đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đến nay đã thực sự đi vào cuộc sống, được nhân dân đồng tình ủng hộ; các hộ vay được tiếp cận vốn ưu đãi kịp thời, sử dụng vốn có hiệu quả, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống. Đặc biệt, nguồn vốn tín dụng ưu đãi của chi nhánh NHCSXH tỉnh Tây Ninh đã giúp nhiều hộ thoát nghèo, thu hút được nhiều người trở về quê hương lập nghiệp, vươn lên thành hộ khá giả.

Người dân tỉnh Tây Ninh nhận vốn vay ưu đãi tại Điểm giao dịch xã

Người dân tỉnh Tây Ninh nhận vốn vay ưu đãi tại Điểm giao dịch xã

Theo báo cáo của chi nhánh NHCSXH tỉnh Tây Ninh, đến ngày 31/7/2023, tổng dư nợ các chương trình tín dụng trên địa bàn tỉnh đạt hơn 3.551 tỷ đồng, với 114.516 hộ đang còn dư nợ, chiếm 35,63% tổng số hộ dân toàn tỉnh.

Anh Nguyễn Chí Tâm ở ấp Thuận Chánh, xã Lợi Thuận, huyện Bến Cầu đã bươn chải mưu sinh ở nhiều nơi. Sau nhiều năm, anh trở về địa phương làm nghề mộc, ban đầu, anh làm đồ nội thất từ gỗ ép công nghiệp để bán. Nhưng do thiếu vốn không thể đầu tư máy móc, thiết bị mà chỉ sản xuất thủ công, nên sản phẩm không nhiều, thu nhập thấp và không ổn định.

Tham gia sinh hoạt hội viên Hội Nông dân xã Lợi Thuận từ năm 2019, anh Tâm được phổ biến về các chương trình tín dụng của NHCSXH. Từ đó, anh được Hội Nông dân xã tạo điều kiện tiếp cận 50 triệu đồng nguồn vốn chương trình cho vay giải quyết việc làm của NHCSXH huyện Bến Cầu và vay 20 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân. Có vốn, anh Tâm đầu tư máy móc, thiết bị để mở rộng sản xuất.

“Từ các nguồn vốn vay, tôi đã mua máy móc, thiết bị và nghiên cứu cải tiến mẫu mã sản phẩm. Tôi luôn cố gắng nâng cao chất lượng sản phẩm nhưng bảo đảm giá thành hợp lý, nên từng bước tạo được uy tín đối với khách hàng”, anh Tâm cho biết. Các sản phẩm do cơ sở đồ gỗ của anh Tâm sản xuất được tiêu thụ nhiều cả trong và ngoài tỉnh. Hiện nay cơ sở của anh Tâm giải quyết việc làm thường xuyên cho 4 lao động với thu nhập ổn định.

Anh Nguyễn Chí Tâm chỉ là một trong số hàng nghìn khách hàng vay vốn ưu đãi và sử dụng vốn vay hiệu quả tại tỉnh biên giới Tây Ninh. Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Tây Ninh Đào Anh Tuấn cho biết: Tín dụng chính sách xã hội góp phần giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương; đồng thời góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu giảm nghèo bền vững và xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

Nguồn vốn tín dụng chính sách góp phần giúp 140.029 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác tại 94/94 xã, phường, thị trấn, 100% ấp, khu phố; thu hút, tạo việc làm cho 22.968 lao động; tạo điều kiện cho 10.326 HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng hơn 159 nghìn công trình NS&VSMTNT; hỗ trợ xây dựng 257 căn nhà ở xã hội theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ.

Kết quả ấn tượng nhất trong giai đoạn 2021 - 2022 là tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm từ 0,65% vào cuối năm 2021 xuống còn 0,32% vào cuối năm 2022; hộ cận nghèo từ 1,18% vào cuối năm 2021 xuống còn 0,77% vào cuối năm 2022. Bên cạnh đó, nguồn vốn tín dụng chính sách cũng góp phần thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới của địa phương. Trong giai đoạn 2022 - 2023, tổng doanh số cho vay tại các xã xây dựng nông thôn mới đạt hơn 1.314 tỷ đồng, chiếm 77,18% tổng doanh số cho vay các chương trình tín dụng tại chi nhánh NHCSXH tỉnh Tây Ninh. Tổng dư nợ tại 71 xã xây dựng nông thôn mới đạt 2.831 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 79,6%/tổng dư nợ. Dư nợ bình quân/xã đạt 39,8 tỷ đồng.

Vốn tín dụng chính sách xã hội đã góp phần giúp người dân các xã đang xây dựng nông thôn mới, đạt một số tiêu chí như: giúp thu hút và tạo việc làm cho hơn 9 nghìn lao động; tiêu chí giáo dục và đào tạo, vốn tín dụng chính sách giúp hơn 3 nghìn lượt HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; giúp cho gần 29 nghìn hộ gia đình có nước sạch sinh hoạt và có công trình hợp vệ sinh tại vùng nông thôn…

Để nâng cao hơn nữa hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội, trong thời gian tới, chi nhánh NHCSXH tỉnh Tây Ninh tiếp tục tham mưu cho cấp ủy, UBND, Ban đại diện HĐQT NHCSXH các cấp thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư, Quyết định số 1630/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Kế hoạch số 625/KH-UBND ngày 21/02/2022 của UBND tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.

Tập trung rà soát chỉ tiêu các chương trình tín dụng đang thực hiện, chủ động phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác và các đơn vị liên quan tích cực giải ngân các chương trình theo kế hoạch tăng trưởng được giao năm 2023. Trong đó, tích cực rà soát tập trung đẩy nhanh giải ngân các chương trình tín dụng: Cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP và cho vay HSSV có hoàn cảnh khó khăn theo Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg. Cùng với đó, tiếp tục thực hiện củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng trên địa bàn, đảm bảo nguồn vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.

Văn Chung

Các tin bài khác