Gò Dầu nâng cao hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách

24/08/2023
(VBSP News) Trong những năm qua, tỉnh Tây Ninh triển khai nhiều chính sách tín dụng hỗ trợ cho phát triển sản xuất nông nghiệp, góp phần thúc đẩy sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp ngày một hiệu quả.
1

Những chủ trương, chính sách của Nhà nước về tín dụng chính sách được NHCSXH huyện Gò Dầu công khai tại các Điểm giao dịch xã

Tại huyện Gò Dầu, các cấp Hội Nông dân đã tích cực phối hợp với NHCSXH để phát huy tốt vai trò uỷ thác các nguồn vốn vay, làm cầu nối giúp hội viên phát triển kinh tế. Gia đình anh Trần Văn Thịnh ở ấp Xóm Mía, xã Phước Trạch trước đây sống bằng nghề nông. Tuy nhiên, do giá cả bấp bênh, được mùa mất giá, được giá thì mất mùa, khoảng 8 năm trước, anh Thịnh quyết định chuyển sang nuôi thuỷ sản. Thời điểm này, anh Thịnh được NHCSXH huyện Gò Dầu cho vay 30 triệu đồng để nuôi cá lóc, cá rô.
Anh Thịnh chia sẻ: “Nhờ được vay 30 triệu đồng, có tiền vốn tôi mua cá, mua thức ăn chăn nuôi. Mặc dù số tiền cho vay không nhiều nhưng đã giúp gia đình tôi có vốn để phát triển kinh tế, lợi nhuận từ mỗi lứa cá khoảng vài chục triệu, từng bước giúp kinh tế ổn định hơn. Tôi mong được tiếp cận thêm với các nguồn vốn vay ưu đãi như vậy để có điều kiện mở rộng sản xuất, kinh doanh”.
Còn gia đình ông Võ Thành Quy ở ấp Xóm Bố, xã Hiệp Thạnh phát triển mô hình chăn nuôi bò sinh sản. Để thực hiện được mô hình này, tất cả đều nhờ vào nguồn vốn từ chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm của NHCSXH. Anh Quy cho biết: Từ nguồn vốn vay ưu đãi 50 triệu đồng của NHCSXH, anh mua được 2 con bò sinh sản với giá 30 triệu đồng, số vốn còn lại làm chuồng. Trong quá trình chăn nuôi, anh mua thêm 1 con.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Hiệp Thạnh Phạm Hoàng Anh cho biết, dư nợ tín dụng chính sách trên địa bàn xã Hiệp Thạnh đạt hơn 24 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này, các hộ dân đã phát triển kinh tế, nhiều mô hình mới như trồng sầu riêng, chăn nuôi bò, trồng bưởi da xanh… Qua đó, giúp các hộ thoát nghèo bền vững, vươn lên khá giả, nhiều hộ trang bị hệ thống tưới tiêu chăm sóc cây tự động.
Để nguồn vốn tín dụng ưu đãi của NHCSXH phát huy được hiệu quả, Hội Nông dân huyện Gò Dầu đã tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp, gắn với củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các Tổ tiết kiệm và vay vốn. Hội cùng các Tổ tiết kiệm và vay vốn thực hiện nghiêm túc, minh bạch công tác bình xét cho vay, bảo đảm vốn vay đến đúng đối tượng, các hộ vay vốn phải sử dụng đúng mục đích. Đặc biệt quan tâm giúp đỡ các hộ là hội viên nông dân nghèo, cận nghèo vay vốn để phát triển kinh tế.
Qua quá trình thực hiện chương trình phối hợp uỷ thác cho vay, các cấp Hội Nông dân huyện Gò Dầu luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện đúng các nhiệm vụ trong các công đoạn uỷ thác cho vay, từ khâu tuyên truyền, vận động, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội đến công tác kiểm tra, giám sát hoạt động uỷ thác đối với Hội cấp dưới, Tổ tiết kiệm và vay vốn, hộ vay vốn và hướng dẫn sử dụng vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả; tăng cường kiểm tra, thu hồi nợ theo đúng quy định pháp luật…
Cùng với việc làm “cầu nối” để bà con nhân dân tiếp cận nguồn vốn tín dụng một cách nhanh nhất, các cấp Hội Nông dân huyện Gò Dầu còn xây dựng mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả để tổ chức cho bà con nông dân tham quan, trao đổi kinh nghiệm. Phối hợp tổ chức tập huấn, hội thảo chuyển giao KHKT cho nông dân; vận động hội viên nông dân mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có năng suất, hiệu quả kinh tế vào chăn nuôi sản xuất.
Nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH đã tạo điều kiện và động lực khích lệ hội viên nông dân trên địa bàn huyện Gò Dầu mạnh dạn đầu tư, tích cực lao động sản xuất, nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp; xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh, góp phần tích cực làm cho số hộ nông dân khá, giàu của huyện tăng lên, số hộ nghèo giảm đáng kể.

Vũ Nguyệt

Các tin bài khác