Huy động tiền gửi tiết kiệm, trao “cần câu” cho hộ nghèo
Với nguồn vốn phân bổ từ Trung ương và sự hỗ trợ của địa phương, những năm qua, chi nhánh NHCSXH tỉnh Tây Ninh đã từng bước nâng cao chất lượng tín dụng chính sách, làm tốt nhiệm vụ cho vay vốn, hỗ trợ nhiều trường hợp hộ nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn và các đối tượng chính sách khác có vốn để đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo.
Bên cạnh đó, chi nhánh NHCSXH tỉnh còn đẩy mạnh công tác huy động vốn thông qua tiền gửi tiết kiệm từ tổ chức, cá nhân, huy động tiết kiệm trong nhân dân thông qua các tổ tiết kiệm vay vốn, góp phần bổ sung nguồn vốn để mở rộng cho vay tín dụng ưu đãi trên địa bàn, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.
Giúp nhiều hộ khó khăn từng bước thoát nghèo
Là hộ nghèo của địa phương, gia đình ông Phạm Văn Út, ngụ ấp Hoà Hợp, xã Hoà Thạnh, huyện Châu Thành từng bước thoát nghèo nhờ sự cần cù, siêng năng cùng với nguồn vốn vay ưu đãi của NHCSXH.
Ông Út cho biết, trước đây, thu nhập chính của gia đình chỉ nhờ vào vài công ruộng sản xuất một vụ lúa và vài con gà vịt nuôi lấy thịt, ông và vợ phải đi làm thuê quanh năm, nhưng vẫn không đủ ăn, cảnh nghèo “thiếu trước hụt sau” cứ thế đeo bám nhiều năm. Năm 2009, thông qua kênh uỷ thác của Hội Nông dân xã, gia đình ông được NHCSXH huyện Châu Thành cho vay 17 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ nghèo.
Có vốn vay với lãi suất thấp, ông mua 2 con bò sinh sản, số tiền còn lại ông đầu tư vào xây dựng chuồng trại. Đến năm 2011, đàn bò của gia đình ông phát triển được 5 con. Nhận thấy điều kiện kinh tế gia đình đã bớt khó khăn, năm 2012, ông Út có đơn xin thoát nghèo. Hiện nay, ông có khoảng 20 con bò, ước tính khoảng 200 triệu đồng.
Theo ông Út, khi quyết định đầu tư hết số tiền vừa vay được để nuôi bò, ông và vợ đắn đo, suy nghĩ rất nhiều vì số tiền đó là rất lớn đối với gia đình ông vào thời điểm ấy. Ngoài việc đi làm thuê, ông và vợ luôn dành thời gian cắt cỏ, chăm sóc đàn bò. Số lượng bò ngày càng tăng, trong khi diện tích đồng trống để chăn thả ngày càng thu hẹp do người dân đẩy mạnh thâm canh, tăng vụ nên dành hết phần đất hiện có của gia đình để trồng cỏ.
Trong quá trình nuôi, hằng năm ông đều tuyển chọn những con đẹp để lại làm bò giống sinh sản, số còn lại ông bán để có tiền trang trải chi phí sinh hoạt trong gia đình, ước tính số bò ông đã bán hơn 25 con, được trên 500 triệu đồng.
Ông Út chia sẻ, nhờ chương trình cho vay từ NHCSXH, gia đình ông đã có cuộc sống ổn định, các con được học hành đến nơi đến chốn. Ngoài ra, ông còn mua thêm 0,5 ha đất sản xuất tại địa phương. Ông mong muốn các ngành, các cấp tiếp tục tạo điều kiện ngày càng có nhiều người dân được tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Ông Trần Thanh Long - Chủ tịch Hội Nông dân xã Hoà Thạnh cho biết, để giúp các hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn xã có điều kiện phát triển kinh tế, Hội Nông dân xã thường xuyên nắm bắt tình hình thực tế từng hộ, tìm hiểu về điều kiện cụ thể, từ đó tư vấn, hướng dẫn áp dụng các mô hình sinh kế phù hợp. Đồng thời, tạo điều hiện để các hộ này tiếp cận nguồn vốn ưu đãi từ NHCSXH. Quá trình sử dụng vốn vay, Hội Nông dân xã thông qua các tổ trưởng thường xuyên kiểm tra, giám sát, việc sử dụng vốn đúng mục đích. Hiện tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách thông qua uỷ thác của NHCSXH huyện với Hội Nông dân xã đạt gần 9,2 tỷ đồng, không có nợ quá hạn.
Ngoài ra, thực hiện chủ trương vận động nhân dân tham gia gửi tiết kiệm tại NHCSXH huyện, Hội Nông dân xã vận động hội viên nông dân tham gia Tuần lễ tiết kiệm chung tay vì người nghèo năm 2022 được 600 triệu đồng.
Huy động tiền gửi tiết kiệm, chủ động nguồn vốn vay
Từ năm 2022 đến nay, chi nhánh NHCSXH tỉnh phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức phát động chương trình: “Gửi tiết kiệm chung tay vì người nghèo” tạo nguồn lực tài chính đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn.
Huyện Châu Thành là địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, số hộ nghèo tập trung phần lớn ở các xã vùng biên giới. Tuy nhiên, trong hai năm phát động chương trình “Gửi tiết kiệm chung tay vì người nghèo”, đã có sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân.
Ông Nguyễn Việt Huy - Giám đốc NHCSXH huyện Châu Thành cho biết: Trong đợt cao điểm thực hiện chương trình “Gửi tiết kiệm chung tay vì người nghèo” năm 2023, từ ngày 15.3 đến ngày 30.4, NHCSXH huyện đặt mục tiêu huy động tối thiểu là 10 tỷ đồng cho kỳ hạn gửi từ 6 tháng trở lên. Trong đó, tính đến hết ngày 20.3.2023, số tiền huy động tiết kiệm của NHCSXH huyện đạt trên 2 tỷ 264 triệu đồng.
Việc huy động tiền gửi tiết kiệm trên địa bàn huyện được thực hiện thông qua 2 hình thức: Huy động tiền gửi qua Tổ tiết kiệm và vay vốn và huy động tiền gửi của tổ chức, cá nhân. Nguồn vốn huy động tại chỗ này đã góp phần tăng bổ sung kịp thời nguồn vốn giúp NHCSXH huyện chủ động vốn cho vay, giúp cho các đối tượng chính sách được tiếp cận vốn vay tín dụng ưu đãi với lãi suất thấp và thời gian vay dài để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, chi nhánh NHCSXH tỉnh Tây Ninh có nhiều giải pháp linh hoạt trong huy động vốn, giúp tăng nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đầu tư phát triển sản xuất. Nguồn vốn huy động đã tạo cơ hội cho hàng ngàn lượt hộ thuộc diện chính sách được vay vốn để phát triển kinh tế.
Tại các điểm giao dịch, hằng tháng, thông tin về lãi suất huy động được công khai, minh bạch và đầy đủ. Trong các buổi giao dịch, cán bộ ngân hàng không chỉ thực hiện nhiệm vụ giải ngân, thu gốc và lãi định kỳ mà còn tuyên truyền, hướng dẫn người dân gửi tiền tiết kiệm vì người nghèo thông qua các tổ chức hội, đoàn thể.
Theo báo cáo của chi nhánh NHCSXH tỉnh, tính đến hết ngày 20.3.2023, tổng huy động vốn tiền gửi tiết kiệm của chi nhánh NHCSXH tỉnh Tây Ninh đạt hơn 25 tỷ 984 triệu đồng. Việc huy động tiền gửi tiết kiệm từ các tổ chức, cá nhân đã giúp chi nhánh NHCSXH tỉnh chủ động hơn về nguồn vốn để cho vay các chương trình tín dụng chính sách, góp phần thực hiện tốt công tác giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương, giúp nhiều hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh có cơ hội được tiếp cận nguồn vốn, vươn lên thoát nghèo.
Minh Dương
Các tin bài khác
- » Bắc Giang tăng cường phối hợp thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội
- » Hiệu quả nguồn vốn vay phục hồi phát triển kinh tế tại Tây Ninh
- » Tín dụng chính sách xã hội - Lối mở thoát nghèo tại Thừa Thiên - Huế (Bài 3: Trách nhiệm và tâm huyết)
- » Tín dụng chính sách xã hội - Lối mở thoát nghèo tại Thừa Thiên - Huế (Bài 2: Mái ấm từ tín dụng chính sách)
- » Tín dụng chính sách xã hội - Lối mở thoát nghèo tại Thừa Thiên - Huế (Bài 1: Khởi sắc vùng cao)
- » 136 công nhân ở Quảng Trị được hỗ trợ vay vốn làm nhà ở
- » “Đòn bẩy” giúp thanh niên Ninh Bình phát triển kinh tế
- » Tín dụng chính sách xã hội: Gia cố 3 trụ cột phát huy tiềm lực thanh niên
- » Ban đại diện HĐQT chi nhánh NHCSXH tỉnh Tây Ninh kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 11 của Chính phủ tại thị xã Trảng Bàng
- » Có vốn ưu đãi “tiếp sức”, người dân Tây Giang mạnh dạn xây dựng các mô hình kinh tế để thoát nghèo