Hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách ở A Lưới
Đến ngày 31/7/2023, tổng dư nợ nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội tại địa bàn huyện A Lưới đạt 471,3 tỷ đồng, tăng 31,9 tỷ đồng, tăng 7,27% so với năm 2022. Trong 7 tháng qua, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã giúp cho 2.051 lượt hộ vay vốn với số tiền hơn 90,3 tỷ đồng. Qua đó, đáp ứng kịp thời cho 601 lượt hộ nghèo, 185 lượt hộ cận nghèo và 140 lượt hộ mới thoát nghèo được vay vốn phục vụ cho sản xuất, kinh doanh; 302 lao động được tạo việc làm mới; cải tạo và xây dựng mới 480 công trình nước sạch đạt chuẩn quốc gia và 452 công trình nhà tiêu hợp vệ sinh; đã có 170 lượt hộ thuộc vùng khó khăn được vay vốn để phát triển các mô hình kinh tế thu hút nhiều lao động.
Thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày của Chính phủ, đến 31/7/2023, tổng dư nợ các chương trình tín dụng đạt hơn 53,3 tỷ đồng của 04 chương trình vay vốn ưu đãi, cụ thể: cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm đạt 14 tỷ đồng, nhà ở xã hội đạt hơn 7 tỷ đồng, hộ đồng bào DTTS theo Nghị định số 28 đạt hơn 26 tỷ đồng, HSSV có hoàn cảnh khó khăn mua máy tính, thiết bị phục vụ học trực tuyến đạt 6,2 tỷ đồng. Nguồn vốn vay ưu đãi đã đến được các vùng sâu, vùng xa vùng đặc biệt khó khăn, ưu tiên các xã còn nhiều hộ nghèo đặc biệt là các hộ đồng bào DTTS để xây nhà ở cho hộ nghèo, phát triển sản xuất chăn nuôi trâu, bò, nuôi cá, trồng chuối già lùn, hoa, trồng rừng,… giúp cho các hộ gia đình ở những vùng khó khăn có vốn để khôi phục và mở rộng sản xuất, nâng cao đời sống gia đình, bên cạnh đó còn góp phần khôi phục và phát triển các làng nghề tại địa phương.
Sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện A Lưới có sự đóng góp không nhỏ từ nguồn vốn tín dụng của NHCSXH. Qua đó, trong năm 2022 đã góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện từ 49,98% xuống còn 38,2%; giảm tỷ lệ hộ cận nghèo từ 15,42% xuống còn 14,7%. UBND huyện kiến nghị Trung ương, địa phương bổ sung đối tượng vay vốn tín dụng chính sách đối với hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình, tạo điều kiện cho các đối tượng này có điều kiện tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách. Nâng mức cho vay tối đa đối với chương trình cho vay NS&VSMTNT từ 10 triệu đồng/công trình lên 15 triệu đồng/công trình để phù hợp với giá thị trường.
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Thanh Bình đánh giá cao vai trò của tín dụng chính sách trong việc phát triển kinh tế - xã hội của huyện A Lưới nói riêng và của tỉnh nói chung. Trong những tháng cuối năm năm 2023, đề nghị chi nhánh tiếp tục giải ngân chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP, tham gia tích cực, chất lượng hơn nữa các chương trình mục tiêu quốc gia của tỉnh, khẳng định vai trò tín dụng chính sách đối với tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Đồng thời, Phó Chủ tịch tỉnh yêu cầu các Sở, ban, ngành và UBND huyện A Lưới khẩn trương xây dựng, triển khai thực hiện một cách cụ thể, chi tiết và hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, triển khai thực hiện kiểm tra giám sát theo quy định, phấn đấu cuối năm 2023 tỷ lệ hộ nghèo đạt dưới 26%, thu nhập bình quân đầu người đạt 33 triệu đồng/người/năm; khẩn trương triển khai hướng dẫn định hướng các mô hình sinh kế cộng đồng cho người dân như nuôi bò, trồng chuối,… góp phần tích cực, quan trọng đưa huyện A Lưới thoát khỏi huyện nghèo vào cuối năm 2023.
CTV
Các tin bài khác
- » Tín dụng chính sách giúp nông dân Hưng Yên đổi đời
- » Đường đến trường: “Không để ai bị bỏ lại phía sau”
- » Bình Thuận nâng cao hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách
- » Tiếp sức hộ SXKD vùng khó khăn
- » Bế mạc và trao giải Đại hội TDTT ngành Ngân hàng lần thứ Nhất
- » Đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào hoạt động tín dụng chính sách
- » Khai mạc Đại hội TDTT ngành Ngân hàng lần thứ Nhất: Vì sự phát triển của ngành và sự phồn vinh của đất nước
- » Phát triển sản phẩm tín dụng dành cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách
- » Tín dụng chính sách vùng DTTS ở Đắk Lắk đạt gần 2.548 tỷ đồng
- » Dòng vốn chính sách giúp đồng bào DTTS vươn lên trong đời sống