Dòng vốn chính sách giúp đồng bào DTTS vươn lên trong đời sống

31/07/2023
(VBSP News) Đến nay, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã được “phủ sóng” đến 100% số xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Nhờ đó, hàng chục nghìn hộ DTTS có điều kiện để phát triển sản xuất, nâng cao đời sống và thoát nghèo bền vững.
cs-4-2315

Hệ thống Điểm giao dịch xã của chi nhánh NHCSXH tỉnh Lào Cai giúp người dân tiếp cận nguồn vốn nhanh chóng và tiết kiệm chi phí đi lại

Thôn Noong Dờn, xã Khánh Yên Thượng, huyện Văn Bàn có 188 hộ, chủ yếu dân tộc Tày sinh sống, kinh tế chủ yếu của người dân phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, do thiếu vốn nên trước đây người dân chủ yếu sản xuất manh mún, tự cấp tự túc. Từ khi NHCSXH triển khai đầy đủ các chương trình tín dụng vốn vay ưu đãi tại địa phương, đời sống của người dân đã cải thiện đáng kể.
Gia đình bà Lương Thị Luyến, từ một hộ khó khăn, nhờ được vay vốn và chăm chỉ lao động nên đã thoát nghèo, cuộc sống khấm khá hơn trước. Bà Luyến chia sẻ: Từ vốn vay 100 triệu đồng của NHCSXH huyện cùng với vốn tích lũy, tôi đầu tư trồng rừng, chăn nuôi bò sinh sản để phát triển kinh tế. Hiện gia đình có 4ha rừng mỡ, keo và 16 con bò. Nguồn thu từ rừng và chăn nuôi giúp gia đình có điều kiện sắm sửa các vật dụng sinh hoạt hiện đại, nuôi con ăn học.
Cũng ở huyện Văn Bàn, gia đình ông Sầm Văn Gióng ở thôn Noong Khuấn, xã Khánh Yên Trung đã thoát nghèo và có cuộc sống ổn định nhờ nguồn vốn chính sách. Ông Gióng chia sẻ: Trước đây, do không có vốn để phát triển sản xuất nên cuộc sống gia đình rất khó khăn. Từ khi được Hội Nông dân xã bảo lãnh vay vốn NHCSXH 70 triệu đồng với lãi suất ưu đãi, gia đình đầu tư mua con giống lợn và máy xay xát về để phát triển kinh tế. Nhờ đó, gia đình có thu nhập ổn định và ngày càng mở rộng quy mô chăn nuôi, kinh doanh dịch vụ.
Hiện trên địa bàn huyện Văn Bàn có hơn 10.845 hộ đang được vay vốn với tổng dư nợ trên 506 tỷ đồng; trong đó, hộ đồng bào DTTS được vay vốn là 10.260 hộ, tổng dư nợ trên 480 tỷ đồng (chiếm gần 95% dư nợ). Giám đốc NHCSXH huyện Văn Bàn Nguyễn Minh Tâm cho biết: Một trong những cản trở lớn nhất của đồng bào DTTS khi phát triển kinh tế là thiếu vốn sản xuất. Nắm bắt được thực trạng trên đơn vị đã tạo thuận lợi nhất để người nghèo trên địa bàn được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi.
Tại huyện Si Ma Cai, đồng bào DTTS chiếm 95% dân số, những năm qua, NHCSXH huyện đã khẳng định vị trí, vai trò, góp phần quan trọng trong công tác giảm nghèo ở địa phương. Dòng tiền từ nguồn vốn ưu đãi lan tỏa, tạo điều kiện cho nhiều hộ dân vươn lên trong đời sống.
Điển hình như chị chị Lèng Thị Liên, tổ dân phố Dìn Phàng, thị trấn Si Ma Cai. Gia đình chị đã vay 70 triệu đồng nguồn vốn chính sách, từ số tiền này chị mạnh dạn đầu tư nuôi trâu sinh sản. Mỗi năm đều đặn, gia đình chị xuất bán 3 con trâu và trả hết nợ. Không những vậy, thời gian qua, chị tiếp tục vay vốn, mở rộng sản xuất kinh doanh vật liệu xây dựng. Đến nay, gia đình chị đã có nguồn thu ổn định, xây dựng được căn nhà 2 tầng khang trang.
Hiện nay, NHCSXH huyện Si Ma Cai đã triển khai cho 4.791 hộ đồng bào DTTS trên địa bàn vay vốn với tổng nguồn vốn đạt trên 308 tỷ đồng (chiếm gần 97% tổng dư nợ toàn huyện), tập trung triển khai cho vay các chương trình tín dụng chính sách xã hội gắn với việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia và chính sách dân tộc của Nhà nước.
Giám đốc NHCSXH huyện Si Ma Cai Dương Đức Hạnh cho biết: Tại 10 xã, thị trấn trên địa bàn huyện đều có sự tham gia nhận ủy thác của cả 4 tổ chức chính trị - xã hội và tại 62 thôn, tổ dân phố đều có các Tổ tiết kiệm và vay vốn do các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác quản lý. Qua đó, NHCSXH huyện phối hợp, triển khai hiệu quả 15 chương trình tín dụng chính sách xã hội để đáp ứng nhu cầu về vốn phát triển kinh tế hộ gia đình, nâng cao thu nhập và từng bước vươn lên thoát nghèo.
Theo báo cáo, chi nhánh NHCSXH tỉnh Lào Cai đã và đang triển khai 22 chương trình tín dụng chính sách theo các Nghị định của Chính phủ và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, trong đó tập trung ưu tiên đối tượng người DTTS. Từ nguồn vốn vay đã giúp các hộ đồng bào DTTS có vốn đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, chăn nuôi, trồng rừng, xây dựng các công trình nhà ở, NS&VSMTNT; hỗ trợ chuyển đổi nghề, phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, vùng trồng dược liệu quý; bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hoá, dân tộc… Dòng vốn chính sách đã giúp trên hàng vạn hộ hộ đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo, vươn lên trong đời sống. Bên cạnh đó còn làm giảm tình trạng tín dụng “đen” ở vùng đồng bào DTTS.
Theo Phó Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Đỗ Ngọc Long, để phát huy hiệu quả hơn nữa nguồn vốn tín dụng chính sách đối với đồng bào DTTS cần có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của cấp uỷ, chính quyền địa phương các cấp. Ngoài nguồn lực của Trung ương, các địa phương cần chủ động ưu tiên dành một phần ngân sách uỷ thác sang NHCSXH để bổ sung nguồn vốn hỗ trợ cho vay. Cần phát huy vai trò của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan truyền thông trong tuyên truyền, vận động người dân hiểu biết về mục đích, ý nghĩa và trách nhiệm của mình trong thực hiện Chương trình nhằm huy động sức mạnh của toàn xã hội cùng tham gia.

Bài và ảnh Hữu Huỳnh - Kim Thoa

Các tin bài khác