Giao ban hoạt động ủy thác giữa NHCSXH với các tổ chức chính trị - xã hội

25/08/2023
(VBSP News) Chiều ngày 25/8, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị giao ban hoạt động ủy thác giữa NHCSXH với các tổ chức chính trị - xã hội 7 tháng đầu năm 2023. Các tổ chức chính trị - xã hội tham gia nhận ủy thác vốn vay tín dụng chính sách của Chính phủ gồm: Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Hội Cựu chiến binh Việt Nam.
image001

Quang cảnh Hội nghị

Tham dự Hội nghị có Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Uỷ viên HĐQT NHCSXH Ngô Văn Cương; Thượng tướng Phạm Hồng Hương, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam; Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Trần Lan Phương; Trưởng ban Kiểm soát NHCSXH Nguyễn Mạnh Tú; Phó Tổng Giám đốc NHCSXH Nguyễn Đức Hải và Nguyễn Thị Hằng; đại diện lãnh đạo các Ban Chuyên môn của các tổ chức chính trị - xã hội và NHCSXH

Dư nợ uỷ thác chiếm hơn 99% tổng dư nợ 

Báo cáo NHCSXH nêu rõ, ngay từ đầu năm, NHCSXH đã chủ động huy động nguồn vốn, tổ chức giải ngân kịp thời, đáp ứng nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, trả nợ các khoản vay đến hạn, đảm bảo khả năng thanh toán cho hoạt động của toàn hệ thống.

Đến 31/7/2023, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách đạt 324.753 tỷ đồng, tăng 27.736 tỷ đồng (+9,3%) so với năm 2022. Tổng dư nợ tín dụng chính sách đạt 305.145 tỷ đồng, tăng 21.796 tỷ đồng (+7,7%) so với năm 2022 với trên 6.673 nghìn hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đang còn dư nợ.

Trong đó, tổng dư nợ ủy thác qua các tổ chức chính trị - xã hội đạt 303.412 tỷ đồng, chiếm 99,43% tổng dư nợ, tăng 21.789 tỷ đồng so với năm 2022 (+7,7%) với 168.389 Tổ tiết kiệm và và vốn và hơn 6,6 triệu khách hàng còn dư nợ.

Cụ thể, dư nợ ủy thác qua Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (PNVN) đạt 115.882 tỷ đồng, chiếm 38,19% tổng dư nợ ủy thác; Hội Nông dân Việt Nam đạt 90.532 tỷ đồng tổng, chiếm 29,84% tổng dư nợ ủy thác; Hội Cựu chiến binh Việt Nam đạt 53.375 tỷ đồng, chiếm 17,26% tổng dư nợ ủy thác; Đoàn Thanh niên đạt 44.623 tỷ đồng, chiếm 14,53% tổng dư nợ ủy thác.

Bên cạnh việc phối hợp tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng, các tổ chức chính trị - xã hội cũng quan tâm và phối hợp với NHCSXH làm tốt công tác nhận tiền gửi tiết kiệm thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn, mang lại hiệu quả thiết thực. Hiện 99,97% số Tổ tiết kiệm và vay vốn có tổ viên tham gia gửi tiền với số dư 16.209 tỷ đồng.

Giúp hội viên, đoàn viên phát triển kinh tế, nâng cao đời sống

Tại hội nghị đại diện các đơn vị đã báo cáo kết quả chương trình uỷ thác 7 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ 5 tháng cuối năm 2023.

7 tháng đầu năm 2023, Hội LHPN các cấp đã triển khai thực hiện hiệu quả các giải pháp góp phần giữ vững “6 nhất” trong hoạt động ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đó là, dư nợ cao nhất; tỷ lệ nợ quá hạn thấp nhất; số Tổ tiết kiệm và vay vốn nhiều nhất; số dư tiết kiệm đạt cao nhất; số lượng thành viên nhiều nhất; Tổ tiết kiệm và vay vốn có chất lượng tốt nhất.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Trần Lan Phương nhấn mạnh: Dù trong bối cảnh nền kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn, thách thức, song với sự vào cuộc quyết liệt của toàn hệ thống NHCSXH và các tổ chức chính trị - xã hội, nguồn vốn chính sách đã kịp thời đến được với đối tượng người nghèo, người yếu tế. 

Với Hội LHPN, trong hoàn cảnh hiện tại, nhiều lao động nữ tại các khu công nghiệp, các doanh nghiệp đã bị mất việc làm; nguồn vốn tín dụng là giải pháp hiệu quả để Hội Phụ nữ các cấp hỗ trợ chị em tham gia vào các mô hình sinh kế, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh.

image002

Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Trần Lan Phương phát biểu tại Hội nghị

Đại diện Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho biết: Dư nợ uỷ thác qua Hội Nông dân đạt trên 90.500 tỷ đồng, quản lý 51.241 Tổ tiết kiệm và vay vốn với trên 2 triệu lượt hội viên nông dân là hộ nghèo và đối tượng chính sách được vay vốn. 99,96% Tổ tiết kiệm và vay vốn có tổ viên tham gia gửi tiền tiết kiệm với số dư 2.704 tỷ đồng.

7 tháng đầu năm 2023, Trung ương Hội Nông dân đã tổ chức 5 đoàn khảo sát, kiểm tra về công tác Hội, trong đó có kiểm tra hoạt động ủy thác tại 10 tỉnh, thành phố các cấp Hội trực tiếp và phối hợp với NHCSXH cùng cấp kiểm tra hoạt động của Hội cấp dưới, Tổ tiết kiệm và vay vốn, người vay vốn trên 3.000 cuộc với hơn 7.800 đơn vị được kiểm tra.

Để phát huy hiệu quả vốn vay, Hội Nông dân các cấp đã phối hợp với NHCSXH cùng cấp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kiến thức nghiệp vụ ủy thác cho gần 20.000 lượt cán bộ Hội các cấp và Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn. Ngoài ra, các tỉnh, thành Hội đã chủ động phối hợp với cơ quan khuyến nông, khuyến ngư, khuyến lâm tổ chức tập huấn, hướng dẫn chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ cho hơn 400 nghìn lượt người nhằm giúp hội viên, nông dân biết cách sử dụng vốn vay hiệu quả.

Thông qua hoạt động uỷ thác giúp nâng cao trách nhiệm, năng lực của đội ngũ cán bộ Hội, vai trò của tổ chức Hội trong hỗ trợ hội viên nông dân phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững; góp phần đưa các chủ trương, chính sách vay vốn tín dụng ưu đãi của Đảng, Nhà nước đến với đông đảo hội viên nông dân và được hội viên nông dân đón nhận, thực hiện có hiệu quả.

Bí thư Trung ươmg Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Ngô Văn Cương cho biết: Ngay từ đầu năm, Đoàn Thanh niên các cấp tập trung tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tín dụng chính sách đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Theo đó, cùng với sự vận động đoàn viên thanh niên phát huy vai trò xung kích trong các phong trào tình nguyện vì cộng đồng, hệ thống Đoàn luôn quan tâm thực hiện tốt công tác ủy thác cho vay với NHCSXH tạo điều kiện cho thanh niên vay vốn ưu đãi phát triển kinh tế.

Đối với Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tính đến 31/7, dư nợ ủy thác qua Đoàn Thanh niên đạt trên 44.623 tỷ đồng, chiếm 14,71% tổng dư nợ ủy thác. Hệ thống Đoàn đang quản lý 24.984 Tổ tiết kiệm và vay vốn với gần 973.000 khách hàng; 99,99% số Tổ tiết kiệm và vay vốn có tổ viên tham gia gửi tiền với số dư 2.218 tỷ đồng.

Việc cho vay ủy thác đã đáp ứng một phần nhu cầu về vốn của nhiều đoàn viên, thanh niên đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống gia đình. Đồng thời, thông qua hoạt động nhận ủy thác cho vay vốn của NHCSXH, cán bộ đoàn cũng nắm bắt sâu sát hơn tâm tư, nguyện vọng của thanh niên từ cơ sở. Thanh niên có nhu cầu vay vốn được Đoàn tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ. Qua đó, tạo được sự gắn kết giữa tổ chức đoàn với thanh niên.

Trong thời gian tới, Đoàn Thanh niên sẽ tiếp tục thể hiện vai trò xung kích trong việc phối hợp với NHCSXH đề xuất nguồn vốn cho đoàn viên thanh niên để phát triển kinh tế, từng bước tạo việc làm, phát triển và nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả.

Đại diện Hội Cựu chiến binh cho biết: Thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, Hội CCB đã đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”, trong đó đã khai thác, quản lý nguồn vốn tín dụng NHCSXH hiệu quả.

Thông qua hoạt động ủy thác với NHCSXH, các cấp Hội CCB đã phát huy vai trò trong việc tạo điều kiện, hỗ trợ hội viên phát huy tính chủ động trong việc phát triển kinh tế, góp phần phát triển phong trào của Hội, gắn hội viên với Hội, chính quyền địa phương.

Để cùng NHCSXH đưa nguồn vốn vay đến đúng đối tượng, tập trung ưu tiên cho hộ hội viên nghèo sử dụng đạt hiệu quả, các cấp Hội cơ sở luôn gắn vốn vay với các chương trình phát triển kinh tế, chuyển đổi cây trồng - vật nuôi, ngành nghề phù hợp, các chương trình dạy nghề, chuyển giao công nghệ, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, định hướng thị trường…

Đồng thời, chủ động phối hợp với NHCSXH hướng dẫn cho đội ngũ cán bộ Hội phụ trách hoạt động ủy thác và Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn ở các cấp về kiến thức, kỹ năng cơ bản về quản lý tín dụng, kiểm tra, giám sát.

Trung ương Hội CCB đã tổ chức lớp tập huấn toàn quốc về công tác ủy thác tại Khánh Hòa cho 250 người; tập huấn công tác giảm nghèo, đào tạo nghề và vay vốn tín dụng chính sách cho 15 tỉnh với 2.400 lượt cán bộ Hội các cấp. Hội CCB các cấp đã phối hợp với NHCSXH cùng cấp tổ chức 950 lớp tập huấn nghiệp vụ cho 35.546 cán bộ Hội và Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn do Hội quản lý.

image003

Phó Tổng Giám đốc NHCSXH Nguyễn Đức Hải phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Tổng Giám đốc NHCSXH Nguyễn Đức Hải đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực hiện dịch vụ ủy thác, góp phần quan trọng vào thực hiện và nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách.

Để phát huy những kết quả đạt được, Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Hải đề nghị các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục phối hợp NHCSXH thực hiện hiệu quả hoạt động ủy thác theo Văn bản thỏa thuận số 11789/VBTT. Trong đó, tập trung phối hợp triển khai thực hiện hoàn thành kế hoạch tín dụng năm 2023 và đẩy mạnh giải ngân các chính sách cho vay ưu đãi theo Nghị quyết số 11/NQ-CP, đảm bảo công khai, minh bạch, đúng đối tượng, phát huy hiệu quả vốn vay.

Đồng thời, tiếp tục phối hợp tham mưu cho Chính phủ, các Bộ, ngành, cấp uỷ, chính quyền địa phương các cấp thực hiện tốt Chỉ thị số 40 và Kết luận số 06 của Ban Bí thư và Quyết định 1630 của Thủ tướng Chính phủ.  Bên cạnh đó, triển khai ứng dụng công nghệ số trong quản lý hoạt động ủy thác; nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát hoạt động ủy thác của tổ chức chính trị - xã hội các cấp trên cơ sở bám sát nội dung hướng dẫn tại văn bản số 10566/NHCS-TDNN.

PV

Các tin bài khác