Chỉ thị số 40-CT/TW: Kết nối sức mạnh của ý Đảng - lòng dân

25/08/2023
(VBSP News) Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội và Kết luận số 06-KL/TW ngày 10/6/2021 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW là sự tiếp nối và thể hiện một cách toàn diện, xuyên suốt quan điểm chính sách của Đảng về công tác an sinh xã hội. Nhìn lại hành trình gần 9 năm triển khai, tín dụng chính sách do NHCSXH thực hiện đã mang lại nhiều tác động kinh tế - xã hội tích cực, bảo đảm quyền và khả năng tiếp cận tài chính của người dân có hoàn cảnh khó khăn tại Việt Nam. Hơn thế, như nhận định của đại diện Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam thì đây còn là những “kinh nghiệm và bài học quý giá cho Chính phủ các nước đang phát triển”.
4

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, Ủy viên HĐQT NHCSXH Hầu A Lềnh

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, Ủy viên HĐQT NHCSXH Hầu A Lềnh: Công cụ quan trọng thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia
Thực hiện có hiệu quả tín dụng chính sách xã hội có ý nghĩa rất lớn trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới nói chung và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi nói riêng. Với hệ thống đồng bộ, bao phủ nhiều nhóm đối tượng, các chính sách tín dụng ưu đãi đã giúp đồng bào DTTS và nhân dân ở các vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới có đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, phát triển sản xuất, tăng thu nhập, từng bước xóa đói, giảm nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng; giúp các thương nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã có thêm nguồn lực để đầu tư, phát triển mô hình sản xuất kinh doanh trong các lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, du lịch, dịch vụ…
Theo báo cáo, tính đến ngày 30/6/2023 đã có gần 31 nghìn lượt khách hàng là đồng bào các DTTS vay vốn trên 1.564 tỷ đồng; doanh số thu nợ đạt trên 1.121 tỷ đồng; dư nợ đạt 3.460 tỷ đồng với trên 86 nghìn hộ còn dư nợ. Bình quân một hộ DTTS dư nợ đạt trên 50 triệu đồng/bình quân chung toàn quốc là 45 triệu đồng.
Vốn tín dụng chính sách xã hội đã giúp giải quyết những vấn đề căn bản, thiết yếu cho cuộc sống của đồng bào các DTTS như: đất ở, nhà ở, đất sản xuất, phát triển sản xuất kinh doanh, chuyển đổi nghề và giải quyết việc làm, hỗ trợ phát triển sản xuất; ngăn chặn tệ nạn cho vay nặng lãi ở vùng đồng bào DTTS và miền núi, góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống cho đồng bào các DTTS, được người dân hết sức đồng tình và hưởng ứng tích cực.
Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện chính sách trong Chương trình mục tiêu quốc gia DTTS vẫn còn một số hạn chế, khó khăn, vướng mắc. Nguồn vốn tín dụng chính sách để thực hiện Chương trình gần 20 nghìn tỷ đồng chưa được bố trí trong vốn đầu tư trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Một số văn bản hướng dẫn thực hiện nội dung chương trình của Trung ương ban hành không đầy đủ, thiếu kịp thời, có nội dung hướng dẫn còn chung chung, thiếu cụ thể; công tác điều tra, xác nhận đối tượng thụ hưởng tín dụng chính sách chưa đầy đủ; chậm rà soát, bổ sung, phê duyệt danh sách hộ được vay vốn hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất được vay vốn chính sách, ảnh hưởng đến việc tiếp cận vốn tín dụng ưu đãi của các đối tượng chính sách… Những vướng mắc này đã phần nào hạn chế đến hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội, cần phải được tiếp tục tháo gỡ.
Trên thực tế, tín dụng chính sách xã hội là một bộ phận cấu thành không thể thiếu của Chương trình mục tiêu quốc gia DTTS. Thực hiện có hiệu quả tín dụng chính sách xã hội góp phần phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống của đồng bào các DTTS; qua đó củng cố niềm tin của đồng bào với Đảng và Nhà nước và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc; bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển. Thực hiện có hiệu quả tín dụng chính sách xã hội trong Chương trình mục tiêu quốc gia DTTS cũng góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội cho đồng bào DTTS, thu hẹp dần khoảng cách mức sống giữa các dân tộc, vùng miền, để không ai bị bỏ lại phía sau.
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả chính sách tín dụng xã hội nói chung, chính sách tín dụng trong Chương trình mục tiêu quốc gia dân tộc thiểu số nói riêng, cần triển khai và tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết và Nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến công tác dân tộc và an sinh xã hội nói chung, chính sách tín dụng xã hội nói riêng dành cho đồng bào DTTS, vùng DTTS và miền núi; huy động, phân bổ, sử dụng, quản lý hiệu quả các nguồn lực để đầu tư phát triển, tạo chuyển biến căn bản về kinh tế, văn hóa, xã hội ở vùng có đông đồng bào dân tộc. Chú trọng tính đặc thù của từng vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong hoạch định và tổ chức thực hiện chính sách dân tộc. Có cơ chế thúc đẩy tính tích cực, ý chí tự lực, tự cường của đồng bào các dân tộc thiểu số phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện giảm nghèo đa chiều, bền vững.
Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang Dương Văn Thái: Thống nhất trong nhận thức và hành động
Từ một tỉnh có xuất phát điểm thấp nhưng với sự đoàn kết, chủ động, sáng tạo, linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền; sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị; đặc biệt là sự đồng thuận, tin tưởng, ủng hộ của toàn thể nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, Bắc Giang đã không ngừng vươn lên, tạo bước phát triển đột phá, đặc biệt là trên lĩnh vực phát triển kinh tế. Tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2022 đạt 19,3% (gấp 2,5 lần bình quân chung cả nước, cao nhất từ trước tới nay) và đứng thứ 2 cả nước, 6 tháng đầu năm 2023 đạt 10,94%, đứng thứ 2 cả nước. Quy mô nền kinh tế của tỉnh lần đầu tiên vươn lên đứng thứ 12 cả nước và đứng đầu khu vực Trung du và miền núi Bắc bộ.

4

Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang Dương Văn Thái

Trong quá trình phát triển, Bắc Giang luôn xác định một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới, ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội đó là sử dụng hiệu quả nguồn lực tín dụng chính sách xã hội. Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã nghiêm túc quán triệt, phổ biến, kịp thời cụ thể hóa nội dung các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ về tín dụng chính sách xã hội. Qua đó, các cấp ủy Đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân đã nhận thức rõ hơn về vị trí, vai trò đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và tính nhân văn sâu sắc của tín dụng chính sách xã hội, tạo được sự thống nhất trong nhận thức và hành động, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong triển khai thực hiện có hiệu quả tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh. Coi phát triển tín dụng chính sách xã hội là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên gắn với triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các đơn vị, địa phương.
Năm 2022, Thường trực Tỉnh ủy đã nhất trí chủ trương xây dựng Đề án “Cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2023 - 2025”, dự kiến bố trí bổ sung nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH giai đoạn này là 200 tỷ đồng. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh đang triển khai thực hiện 18 chương trình tín dụng chính sách xã hội, với tổng dư nợ đạt 6.317 tỷ đồng, tăng trưởng dư nợ bình quân hằng năm gần 19%, với 109.741 khách hàng còn dư nợ. Vốn tín dụng chính sách xã hội được triển khai đến 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn, trong đó được ưu tiên tập trung vào vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, vùng đồng bào DTTS và miền núi; đã giúp cho trên 752 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn với tổng số tiền 17,4 nghìn tỷ đồng để phát triển sản xuất kinh doanh, tạo sinh kế, tăng thu nhập, ổn định đời sống; giúp cho gần 184 nghìn hộ nghèo vượt qua ngưỡng nghèo và trên 90 nghìn hộ thoát cận nghèo, tạo việc làm mới cho trên 72 nghìn lao động.
Nguồn vốn này đã từng bước cải thiện và nâng cao đời sống người dân, tạo chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện ở các vùng khó khăn, đồng bào DTTS, góp phần quan trọng trong công tác giảm nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 30,67% (năm 2005) xuống còn 3,81% (năm 2022), theo chuẩn nghèo đa chiều mới. Toàn tỉnh đã có 148/182 xã (81,3%) đạt chuẩn nông thôn mới, 6/10 đơn vị cấp huyện (60%) đạt chuẩn Nông thôn mới và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Nông thôn mới; 43 xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao, 1 xã đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu, 240 thôn đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu.
Đặc biệt, từ năm 2013, Bắc Giang đã bố trí Chủ tịch UBND cấp xã làm thành viên Ban đại diện HĐQT NHCSXH cấp huyện, góp phần nâng cao vai trò quản lý Nhà nước và trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền cấp xã đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội tại cơ sở. Bên cạnh đó, 4 tổ chức chính trị - xã hội (Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên) đã chủ động, tích cực thực hiện tốt các nội dung công việc được NHCSXH ủy thác. Đến nay, đã thành lập và quản lý 3.156 Tổ tiết kiệm và vay vốn tại các thôn, tổ dân phố trên địa bàn với 109.418 tổ viên. Các Tổ tiết kiệm và vay vốn đã hướng dẫn thủ tục cho vay, tổ chức họp bình xét cho vay bảo đảm công khai, dân chủ, minh bạch, đúng đối tượng, giúp người dân tiếp cận nguồn vốn thuận tiện, nhanh chóng.
Với việc triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, chất lượng tín dụng chính sách xã hội ngày càng được nâng cao. Đến 30.6.2023, dư nợ do các tổ chức chính trị - xã hội quản lý đạt 6.284 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 99,5% tổng dư nợ tín dụng chính sách xã hội; tổng nợ quá hạn là 1,9 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 0,03% tổng dư nợ ủy thác; có 628/712 tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác cấp xã không có nợ quá hạn (chiếm tỷ lệ 88,2%); 3.050 tổ tiết kiệm và vay vốn không có nợ quá hạn (chiếm tỷ lệ 96,6%).
Bí thư Tỉnh ủy Long An Nguyễn Văn Được: Hiệu quả từ tinh thần trách nhiệm và sự đồng thuận
Bằng sự vào cuộc với tinh thần trách nhiệm cao của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận ủng hộ của Nhân dân, hoạt động tín dụng chính sách xã hội đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là gắn kết Nhân dân với cấp ủy Đảng, chính quyền.

5

Bí thư Tỉnh ủy Long An Nguyễn Văn Được

Việc triển khai tín dụng chính sách xã hội đã khắc phục hạn chế của các chính sách hỗ trợ cho không, tạo chuyển biến cơ bản về nhận thức của người dân. Nguồn vốn tín dụng chính sách còn được phối hợp triển khai cùng với các đề án giảm nghèo, giải quyết việc làm tại địa phương, người vay được định hướng, tư vấn, hướng dẫn sản xuất, kinh doanh để bảo đảm thoát nghèo bền vững.
Được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, người nghèo và các đối tượng chính sách tập trung đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo sinh kế, tạo việc làm, làm quen với dịch vụ tài chính, ngân hàng. Qua đó, từng bước nâng cao trình độ sản xuất, kinh doanh, trình độ quản lý vốn; mạnh dạn vay vốn và sử dụng vốn có hiệu quả; giúp nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người nghèo và đối tượng chính sách khác, giúp họ thêm tự tin, tăng dần vị thế trong xã hội.
Thông qua tín dụng chính sách xã hội, đã giúp cho 104 nghìn hộ gia đình trên địa bàn tỉnh Long An thoát nghèo. Cụ thể: Giai đoạn 2001 - 2005 đã giảm từ 9,8% xuống còn 2,88% cuối năm 2005. Giai đoạn 2006 - 2010 đã giảm từ 8,83% xuống còn 1,91% vào cuối năm 2010. Giai đoạn 2011 - 2015 đã giảm từ 7,37% xuống còn 2,98% cuối năm 2015. Giai đoạn 2016 - 2020 đã giảm từ 4,03% xuống còn 1,16% cuối năm 2020 và đến tháng 6.2023 đã giảm xuống còn 0,97%.
Bên cạnh đó, tín dụng chính sách xã hội còn góp phần quan trọng trong phát triển nông nghiệp nông thôn, hỗ trợ 119 xã, 4/15 đơn vị cấp huyện trên địa bàn tỉnh đạt chuẩn hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Qua đó, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ tại khu vực nông thôn, đời sống người dân được nâng lên, góp phần thu hẹp khoảng cách với khu vực đô thị; an sinh xã hội, ổn định trật tự, an toàn xã hội, an ninh quốc phòng được bảo đảm; niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước được củng cố và tăng cường.
Thông qua phương thức cho vay ủy thác, tổ chức chính trị - xã hội các cấp có điều kiện củng cố hoạt động của các cấp cơ sở. Hàng loạt phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, chăm sóc sức khỏe, sinh sản, bình đẳng giới, xây dựng gia đình “5 không 3 sạch” của Hội Liên hiệp Phụ nữ; phong trào nông dân sản xuất giỏi của Hội Nông dân; phong trào giúp nhau xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu của Hội Cựu chiến binh; phong trào xung kích lao động sáng tạo phát triển kinh tế - xã hội của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh… đã ra đời, phát triển rộng khắp trong toàn tỉnh, làm thay đổi toàn bộ diện mạo đời sống của người khó khăn.
Dưới sự lãnh chỉ đạo của cấp ủy Đảng, sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả và sự vào cuộc tích cực của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, Tổ tiết kiệm và vay vốn, sự tham gia giám sát của người dân, đã phát huy được sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội. Việc xã hội hóa trong hoạt động tín dụng chính sách xã hội đã thực sự phát huy hiệu quả, góp phần tích cực vào xây dựng chính quyền cơ sở vững chắc, hệ thống chính trị vững mạnh.
Thông qua tham dự các buổi sinh hoạt tại Tổ tiết kiệm và vay vốn, các thành viên có điều kiện chia sẻ, học tập kinh nghiệm lẫn nhau trong sản xuất kinh doanh và hỗ trợ nhau vượt qua các khó khăn trong cuộc sống; đội ngũ cán bộ tổ chức chính trị - xã hội, trưởng ấp, khu phố được nghe ý kiến từ người dân. Đồng thời, người dân có điều kiện tham gia đóng góp ý kiến đối với các chủ trương, chính sách của cấp ủy, chính quyền địa phương.
Đặc biệt, việc Chủ tịch UBND cấp xã tham gia Ban đại diện HĐQT NHCSXH cấp huyện đã góp phần nâng cao vai trò quản lý nhà nước và trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền cấp xã đối với hoạt động tín dụng chính sách tại cơ sở, góp phần quản lý tốt nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn, bảo đảm nguồn vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng; lồng ghép thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Tóm lại, sự phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, NHCSXH và hệ thống Tổ tiết kiệm và vay vốn tại các ấp, khu phố trong triển khai tín dụng chính sách xã hội đã tạo điều kiện thuận lợi, gắn kết hơn giữa người dân với cấp ủy Đảng, chính quyền, các cơ quan nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội. Qua đó, phát huy tính chủ động, nâng cao trách nhiệm của chính quyền cơ sở đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác thông qua việc giữ mối liên hệ, hướng dẫn cách vay vốn làm ăn, đôn đốc thu hồi nợ vay… Ngược lại, người dân với tư cách vừa là người thụ hưởng vừa là người giám sát có điều kiện thường xuyên đối thoại, đề đạt nguyện vọng với cấp ủy Đảng, chính quyền về quá trình triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Bình Nhi lược ghi

Các tin bài khác