Điểm tựa của người yếu thế

30/08/2023
(VBSP News) Hơn 20 năm hoạt động, vốn tín dụng chính sách do NHCSXH huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) thực hiện đã giúp hàng nghìn hộ vượt qua khó khăn, vươn lên thoát nghèo, mở rộng quy mô sản xuất chăn nuôi, ổn định cuộc sống.

NHCSXH huyện Quảng Ninh đồng hành cùng người nghèo trên chặng đường phát triển kinh tế

NHCSXH huyện Quảng Ninh đồng hành cùng người nghèo trên chặng đường phát triển kinh tế

Ngân hàng tận tâm

Năm 2019, gia đình ông Phạm Văn Hiếu ở thôn Võ Tân, xã Xuân Ninh, huyện Quảng Ninh thuộc diện hộ nghèo, hoàn cảnh gia đình gặp nhiều khó khăn, các con đang tuổi ăn tuổi học, kinh tế gia đình chỉ dựa vào sức lao động của 2 vợ chồng với thu nhập từ làm đồng ruộng, thiếu thốn trăm bề.

Tuy nhiên, sau khi được chính quyền địa phương, Hội Phụ nữ xã Xuân Ninh và Tổ tiết kiệm vay vốn thôn Võ Tân giúp đỡ, ông Hiếu được vay 50 triệu đồng chương trình hộ nghèo của NHCSXH huyện để xây chuồng trại và chăn nuôi bò sinh sản và 20 triệu đồng chương trình NS&VSMTNT để xây dựng công trình nước sạch và vệ sinh, nâng cao chất lượng cuộc sống. Nhờ số vốn kịp thời hỗ trợ, cùng với sự cần cù chịu khó của hai vợ chồng, đến nay, gia đình ông Hiếu đã thoát nghèo và đang từng bước vươn lên.

Trong giai đoạn bứt phá sau thoát nghèo, gia đình ông Hiếu vẫn tiếp tục nhận được sự dồng hành của NHCXH huyện Quảng Ninh. 50 triệu đồng từ nguồn vốn giải quyết việc làm đã cho gia đình cơ hội để đầu tư vào sản xuất, thoát nghèo bền vững và từng bước có tích lũy trong cuộc sống.

Trên địa bàn huyện Quảng Ninh không chỉ có hộ gia đình ông Hiếu khá giả lên từ vốn chính sách. Cùng với việc giải ngân, công tác củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng được NHCSXH và các tổ chức trong mạng lưới đặc biệt quan tâm, chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp, do đó chất lượng tín dụng được duy trì ổn định. Đến nay, nợ quá hạn 139 triệu đồng, chiếm 0,03%/tổng dư nợ.

Chính quyền quyết liệt

Theo Giám đốc NHCSXH huyện Quảng Ninh Nguyễn Tuấn Ngọc, hoạt động của NHCSXH đạt hiệu quả là nhờ cấp ủy, chính quyền địa phương luôn dành sự quan tâm đến hoạt động tín dụng chính sách. Huyện ủy, HĐND, UBND huyện xác định nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách là một trong những nhiệm vụ trong chương trình và kế hoạch hoạt động thường xuyên; tín dụng chính sách là công cụ quan trọng góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị, an ninh trật tự và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện.

Đến nay, HĐND, UBND huyện đã ưu tiên bố trí nguồn từ ngân sách địa phương ủy thác cho NHCSXH số tiền 2.000 triệu đồng, đạt 103% kế hoạch, đưa tổng số tiền ngân sách huyện chuyển sang lên 7.210 triệu đồng. Cùng với đó, công tác huy động vốn đạt 74 tỷ đồng, tăng 9 tỷ đồng so với năm 2022. Trong đó, huy động vốn từ các tổ chức, cá nhân là 53.617 triệu đồng, tăng 6.166 triệu đồng so với năm 2022; nhận tiền gửi của tổ viên Tổ tiết kiệm và vay vốn là 20.483 triệu đồng, tăng 2.483 triệu đồng so với năm 2022.

Một số đơn vị thực hiện tốt chỉ tiêu như: xã Lương Ninh đạt 127,8% kế hoạch năm; Vĩnh Ninh đạt 117,7% kế hoạch năm; An Ninh đạt 115,6% kế hoạch năm; Xuân Ninh đạt 116,6% kế hoạch năm; Hiền Ninh đạt 112,1% kế hoạch năm; thị trấn Quán Hàu đạt 140,5% kế hoạch năm…

Mới đây, Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh Phạm Trung Đông đã ký, ban hành Quyết định phê duyệt điều chỉnh Đề án hỗ trợ tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác thông qua ủy thác nguồn vốn từ ngân sách địa phương sang NHCSXH trên địa bàn huyện Quảng Ninh giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, nguồn vốn ủy thác từ huyện sang NHCSXH trong năm 2024 là 3 tỷ đồng, tăng 1 tỷ đồng so với năm 2023; năm 2025 là hơn 3,3 tỷ đồng.

Đề án cũng nêu rõ, nguồn vốn thực hiện mục tiêu về giảm nghèo (100% hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo đủ điều kiện và có nhu cầu vay vốn để đầu tư sản xuất kinh doanh, cải thiện đời sống). Theo đó, NHCSXH huyện sử dụng nguồn vốn thu nợ đến hạn để cho vay quay vòng và bổ sung nguồn vốn từ tỉnh, Trung ương để thực hiện, đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu vay vốn của các đối tượng thụ hưởng.

Căn cứ mục tiêu cụ thể của đề án, giai đoạn 2021 - 2025 hỗ trợ cho trên 300 người lao động được vay vốn để tạo việc làm, góp phần giải quyết việc làm hàng năm cho khoảng 500 lao động, với mức cho vay tạm tính 30 - 50 triệu đồng/lao động, thì tổng nguồn vốn dự kiến cần phải bố trí cho giai đoạn 2021 - 2025 là 12,7 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn ngân sách địa phương bổ sung theo điều chỉnh đề án tăng giai đoạn 2023 - 2025 do HĐND quyết định dự kiến là 9 tỷ đồng.

Cụ thể, nguồn vốn thu hồi từ nguồn ủy thác qua NHCSXH đã tạo lập cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trước khi có Đề án này được tiếp tục thực hiện, dự kiến là 3,6 tỷ đồng. Nguồn tiền lãi thu được từ hoạt động cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác được trích hằng năm để bổ sung vào nguồn vốn ủy thác dự kiến là 180 triệu đồng/năm và tăng dần qua các năm, tùy thuộc vào số tiền ngân sách do HĐND và UBND huyện cấp hằng năm cho NHCSXH. Nguồn vốn xin bổ sung từ NHCSXH tỉnh và Trung ương để hỗ trợ địa phương triển khai thực hiện Đề án dự kiến là 50 tỷ đồng.

Bình Nhi

Các tin bài khác