Tín dụng chính sách với người nghèo ở đô thị

06/09/2023
(VBSP News) Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh kỳ vọng tạo ra cơ hội mở rộng tín dụng chính sách hỗ trợ người nghèo, tạo việc làm mới.
HCM

Nguồn vốn chính sách hỗ trợ người dân TP Hồ Chí Minh ổn định sản xuất

Bố trí vốn cho vay tạo việc làm đảm bảo sinh kế
Nguồn vốn tạo lập cho vay hỗ trợ người nghèo và các đối tượng chính sách hiện nay đang thực hiện theo phương châm “Trung ương và địa phương cùng làm”. TP Hồ Chí Minh cho vay từ nguồn vốn uỷ thác của địa phương trong giai đoạn 2014 - 2022 tăng gấp 8,8 lần, nâng tổng số vốn lên hơn 3.100 tỷ đồng, đứng thứ hai cả nước, chỉ sau TP Hà Nội (có nguồn vốn uỷ thác địa phương là 6.365 tỷ đồng).
Triển khai thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù theo chủ trương của Quốc hội, HĐND TP. Hồ Chí Minh được trao bố trí vốn đầu tư công hỗ trợ giảm nghèo, giải quyết việc làm thông qua việc giao UBND thành phố ủy thác cho chi nhánh NHCSXH thành phố cho vay hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và cho vay giải quyết việc làm. Theo đó, HĐND thành phố đã điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công năm 2023 nguồn vốn ngân sách địa phương, trong đó ưu tiên bố trí vốn hỗ trợ giảm nghèo và giải quyết việc làm là 2.760 tỷ đồng.
Tại Nghị quyết 29/2023/NQ-HĐND có hiệu lực từ tháng 8/2023, HĐND quyết nghị: Về cơ chế cho vay theo chương trình giảm nghèo bền vững của thành phố giai đoạn 2021 - 2025 ưu tiên nguồn vốn uỷ thác cho các chương trình giảm nghèo và tạo việc làm. Theo thiết chế này, HĐND ban hành Nghị quyết 06/2023/NQ-HĐND sửa đổi bổ sung một số điều về chương trình giảm nghèo bền vững của thành phố giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, quy định tiêu chí cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo theo từng giai đoạn dựa trên cơ sở đánh giá mức chuẩn nghèo theo tiêu chí thành phố đưa ra. Người vay vốn hỗ trợ phải được UBND phường, xã, thị trấn xác nhận trên danh sách đề nghị vay vốn của NHCSXH. Hạn mức vốn vay hỗ trợ dựa trên mục đích sử dụng vốn, vốn tự có, khả năng hoàn trả của hộ vay (hiện nay mức cho vay tối đa 100 triệu đồng/hộ). Thời gian vay vốn ưu đãi hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo tối đa 10 năm, hộ mới thoát nghèo tối đa 5 năm hoặc chu kỳ sản xuất kinh doanh, khả năng trả nợ của người vay.
Riêng đối với lao động là thành viên của hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo nếu đi lao động ở nước ngoài sẽ không phải thế chấp tài sản. Trong khi đó, cho vay giải quyết việc làm, giá trị khoản vay ưu đãi từ 100 triệu đồng trở lên, phải có tài sản thế chấp theo quy định pháp luật về giao dịch đảm bảo; NHCSXH cho vay 100% chi phí đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng ký kết giữa người lao động và doanh nghiệp dịch vụ, tổ chức sự nghiệp. Ngoài ra, cơ chế còn cho vay ưu đãi tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm trong hộ gia đình hoặc thu hút thêm lao động mở rộng sản xuất kinh doanh, thời gian tối đa 5 năm.
Tín dụng chính sách mang tính xã hội rộng rãi
Theo báo cáo của chi nhánh NHCSXH TP Hồ Chí Minh, đến hết tháng 6/2023, tổng dư nợ cho vay trên 8.100 tỷ đồng; trong đó, vốn sử dụng tạo sinh kế, việc làm cho người dân thành phố chiếm tỷ trọng cao nhất 85,2%. Hệ thống NHCSXH ở các địa phương hiện nay lập ra các Ban đại diện; trong đó, một Phó Chủ tịch UBND cấp tỉnh làm Trưởng ban. Bên cạnh đó, nguồn vốn tín dụng chính sách còn được tạo lập từ Tổ tiết kiệm và vay vốn theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” trong các chương trình giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và đảm bảo an ninh xã hội. NHCSXH giải ngân trực tiếp hoặc cho vay ủy thác qua các tổ chức chính trị - xã hội như Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh ở địa phương.
Phó Giám đốc chi nhánh NHCSXH TP Hồ Chí Minh, Bùi Văn Sổn cho biết: Trong hai thập kỷ qua, tín dụng chính sách ở TP Hồ Chí Minh đã đến hơn 1 triệu lượt hộ nghèo, gia đình chính sách, với doanh số cho vay gần 21.500 tỷ đồng, thu hút và tạo việc làm cho hơn 321.000 lao động. Vốn tín dụng chính sách đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí của thành phố, giai đoạn 2004 - 2010 từ 7,72% xuống còn 0,2%; giai đoạn 2009 - 2015 từ 8,4% xuống còn 0,69%, giai đoạn 2016 - 2020 từ mức 2,41% xuống còn 0,13%.
Tín dụng chính sách đến nay đã bao phủ 100% khu phố, ấp, xã thành phố, góp phần quan trọng cung ứng vốn hỗ trợ người nghèo, giảm tình trạng tín dụng đen, tạo lập thói quen cho người nghèo, các đối tượng chính sách vay vốn ngân hàng đầu tư, sản xuất kinh doanh, phục vụ đời sống; hạn chế HSSV bỏ học do gia đình khó khăn tài chính; đồng thời, vốn tín dụng chính sách cũng góp phần khôi phục làng nghề truyền thống, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, giảm tỷ lệ thất nghiệp, vươn lên thoát nghèo tránh nguy cơ tái nghèo.
Hiệu quả từ nguồn vốn tín dụng chính sách đến người nghèo, các đối tượng chính ở đô thị đã thấy rõ, song băn khoăn của cán bộ chi nhánh NHCSXH TP Hồ Chí Minh là tỷ lệ nợ quá hạn có nguy cơ tăng do có hộ vay đi khỏi nơi cư trú, không thể liên lạc; một số chương trình tín dụng tiềm ẩn rủi ro dẫn đến nợ quá hạn như chương trình cho vay người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất, cho vay giải quyết việc làm cho người có đất bị thu hồi để thực hiện dự án đầu tư trên địa bàn thành phố… Bên cạnh đó, nguồn vốn cho vay tín dụng chính sách luôn thấp so với nhu cầu vay vốn; và điều quan trọng nhất hiện nay cần đổi mới phương thức giao dịch, đơn giản thủ tục, đa dạng sản phẩm dịch vụ hiện đại để giúp người dân, đặc biệt hộ nghèo thuận tiện tiếp cận vốn ưu đãi.

Minh Phương

Các tin bài khác