“Cầu nối” để thanh niên khởi nghiệp

06/09/2023
(VBSP News) Được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi của NHCSXH, nhiều đoàn viên thanh niên trên địa bàn thị xã Ba Đồn (Quảng Bình) đã có cơ hội khởi nghiệp, tích cực phát triển kinh tế, làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương mình.
quang binh

Cơ sở sản xuất mộc mỹ nghệ của anh Nguyễn Thế Sơn

Vốn có năng khiếu về chạm trổ, điêu khắc trên gỗ nên sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, năm 2017, anh Nguyễn Thế Sơn, thôn Vĩnh Phước, xã Quảng Lộc, thị xã Ba Đồn trở về quê hương và quyết tâm lập nghiệp. Với một người trẻ ít kinh nghiệm, không có nguồn vốn để đầu tư máy móc nên việc khởi nghiệp đã gặp từ khó khăn này đến khó khăn khác. Nắm bắt được nguyện vọng của anh, Đoàn thanh niên thị xã Ba Đồn đã tạo điều kiện cho anh Sơn vay 100 triệu đồng từ nguồn vốn vay ưu đãi của NHCSXH thị xã để đầu tư máy móc và mở rộng xưởng sản xuất của mình.
Bằng niềm đam mê, sự sáng tạo và quyết tâm làm giàu nên đến nay cơ sở sản xuất mộc mỹ nghệ của anh Sơn được nhiều người dân trong và ngoài thị xã biết đến. Chia sẻ thêm với chúng tôi, anh Nguyễn Thế Sơn cho biết: Gia đình anh có bố làm nghề thợ mộc, nên ngay từ nhỏ anh đã được làm quen với những cái đục, cái bào, anh được bố chỉ dạy làm những việc đơn giản nhất như chà giấy nhám, bào phẳng mặt gỗ để phụ giúp gia đình mỗi khi rảnh rỗi. Lâu dần thành quen, anh bắt đầu có niềm say mê với nghề chạm khắc.
Cũng theo anh Sơn, may nhờ có nguồn vốn vay ưu đãi, nên anh mới có động lực để thực hiện niềm đam mê ấy. Bây giờ, xưởng sản xuất mộc mỹ nghệ của anh Sơn không chỉ mang lại nguồn thu nhập trung bình mỗi năm hơn 250 triệu đồng mà còn tạo việc làm thường xuyên cho 3 lao động địa phương với mức lương 9 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, anh Sơn đang nhận dạy nghề cho 9 đoàn viên thanh niên của địa phương để tạo điều kiện giúp các thanh niên có việc làm ổn định.
Trước đây, kinh tế của gia đình anh Võ Đức Thành ở tổ dân phố Dinh, phường Quảng Thuận rất chật vật, anh phải đi làm thuê cho các chủ vườn ở tỉnh phía Nam, chắt bóp cũng chỉ đủ trang trải chi tiêu trong nhà. Nhận thấy, việc trồng dưa lưới trong nhà màng cho hiệu quả kinh tế cao, năm 2021, thông qua giới thiệu của Đoàn Thanh niên phường, anh Thành đã mạnh dạn vay vốn NHCSXH với số tiền 100 triệu đồng. Có đồng vốn trong tay cùng số tiền vay mượn thêm từ chỗ bạn bè, người thân anh đầu tư thuê hơn 1.000m² đất tại địa phương để xây dựng mô hình trồng dưa lưới bằng nhà màng.
Nhờ sự hiểu biết và chăm chỉ, sau hơn 2 năm khởi nghiệp, vườn dưa lưới của anh đã cho những thành quả “ngọt”, thu lãi hơn 200 triệu đồng/năm. Việc được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi giải quyết việc làm được anh Thành ví như cơn mưa rào giữa những ngày nắng hạn. Từ nguồn vốn ấy đã tiếp thêm sức mạnh, động lực để anh mạnh dạn thực hiện ước mơ làm giàu của mình.
Bí thư Thị đoàn Ba Đồn Nguyễn Vĩnh Quý cho biết: Hiện nay, Thị đoàn Ba Đồn đang quản lý nguồn vốn tín chấp từ NHCSXH với dư nợ 107 tỷ đồng cho 2.100 lượt thanh niên vay vốn. Để giúp đoàn viên thanh niên trên địa bàn tiếp cận được nguồn vốn để phát triển kinh tế, thời gian qua, Thị đoàn Ba Đồn đã tích cực tuyên truyền, định hướng việc sử dụng vốn vay, thường xuyên kiểm tra, giám sát quá trình sử dụng vốn vay đảm bảo nguồn vốn sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả.
Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Thị đoàn cũng thường xuyên về cơ sở, khảo sát thực tế tại những mô hình hay, cách làm sáng tạo trong phát triển kinh tế của thanh niên ở địa phương để tạo điều kiện hỗ trợ nguồn vốn giúp các thanh niên mạnh dạn khởi nghiệp, mở rộng sản xuất kinh doanh, mang lại thu nhập cao.
Có thể thấy, từ nguồn vốn vay ưu đãi của NHCSXH ủy thác qua tổ chức Đoàn Thanh niên đã giúp cho hàng trăm đoàn viên thanh niên của thị xã Ba Đồn thoát nghèo, vươn lên làm giàu, góp phần tích cực vào công cuộc giảm nghèo ở địa phương.

Hầu Tỷ

Các tin bài khác