Tiếp vốn cho hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn
Gia đình ông Bùi Văn Chiền, xóm Bợ, xã Thạch Yên, huyện Cao Phong là một trong những hộ tiêu biểu trong sử dụng vốn vay ưu đãi từ NHCSXH để phát triển kinh tế. Với tiềm năng có đất đồi rừng rộng, từ lâu gia đình ông Chiền và đa số bà con ở xóm Bợ đã chú trọng chăn nuôi gia súc dưới tán rừng. Với đồi keo rộng 3ha, nhiều năm nay, việc kết hợp trồng keo với chăn nuôi trâu, bò giúp kinh tế của gia đình ông Chiền ngày càng khá giả. Năm 2019, ông Chiền được vay 50 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ gia đình SXKD tại vùng khó khăn của NHCSXH. Số vốn này được sử dụng để mua thêm trâu, bò giống và đầu tư trồng rừng.
Hiện nay, gia đình ông Chiền nuôi 9 con bò, 4 con trâu. Từ chăn nuôi, mỗi năm gia đình ông thu khoảng 100 triệu đồng. Hai năm trước, gia đình ông Chiền đã xây dựng được căn nhà mới khang trang. “Ở vùng cao còn nhiều khó khăn, để phát triển kinh tế thì cái khó nhất là vốn. Như gia đình tôi, mặc dù đã chăn nuôi nhiều năm nhưng chỉ khi được tiếp cận vốn cho vay hộ gia đình SXKD tại vùng khó khăn của NHCSXH, gia đình mới có vốn để tăng số lượng đàn, cũng như đầu tư thêm thức ăn để trâu, bò phát triển tốt hơn. Qua đó nâng cao hiệu quả kinh tế, cải thiện thu nhập”, ông Chiền tâm sự.
Gia đình ông Bùi Văn Đơn, xóm Trại Sào, xã Tân Lập, huyện Lạc Sơn cũng là hộ đã có bước phát triển kinh tế nhanh khi được tiếp cận các kênh vốn của NHCSXH. Xuất phát điểm là hộ nghèo, nhưng từ khi được tiếp cận vốn chính sách, gia đình ông Đơn đã đầu tư nuôi bò sinh sản. Dần dần kinh tế khá hơn, gia đình ông thoát khỏi diện hộ nghèo và tiếp tục được vay thêm vốn cho vay hộ cận nghèo, gần đây nhất là vốn cho vay hộ SXKD vùng khó khăn. Ông Đơn chia sẻ: “Mỗi lần được vay vốn, gia đình lại đầu tư mở rộng chuồng trại, tăng số lượng bò. Hiện, gia đình nuôi bò sinh sản, kết hợp nuôi bò thịt vỗ béo với số lượng trên 10 con. Nhờ đó hiệu quả kinh tế đem lại ngày một cao hơn”.
Có thể nói, những năm qua, chương trình cho vay hộ gia đình SXKD tại vùng khó khăn của NHCSXH có ý nghĩa rất quan trọng trong thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu kinh tế ở vùng nông thôn. Đây cũng là một trong những chương trình mà người dân có nhu cầu vay vốn lớn. Theo NHCSXH tỉnh Hòa Bình, từ khi triển khai chương trình cho vay hộ gia đình SXKD tại vùng khó khăn đến nay, toàn chi nhánh đã cho vay gần 100 nghìn lượt khách hàng với doanh số cho vay trên 2 nghìn tỷ đồng. Trong 8 tháng qua, doanh số cho vay của chương trình tín dụng này đạt 68,4 tỷ đồng/1.544 lượt khách hàng vay vốn. Tổng dư nợ đến hết tháng 8/2023 hơn 672 tỷ đồng với trên 17,3 nghìn khách hàng còn dư nợ.
Nhằm đáp ứng vốn phù hợp với nhu cầu thực tế của người dân, từ ngày 08/8/2023, mức cho vay tín dụng ưu đãi đối với hộ gia đình SXKD tại vùng khó khăn được nâng lên tối đa 100 triệu đồng, với lãi suất chỉ còn 9%/năm. Điều này giúp các hộ vùng miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn có thêm nguồn lực SXKD, cải thiện đời sống, góp phần phát triển KT-XH địa phương.
Viết Đào
Các tin bài khác
- » Tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù
- » Nâng cao đời sống từ nguồn vốn chính sách
- » Góp phần phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn
- » Vốn chính sách tiếp sức đến trường
- » Vai trò của tín dụng chính sách xã hội trong việc giữ vững định hướng XHCN của việc phát triển kinh tế thị trường ở Việt Nam
- » Tiếp thêm nghị lực cho HSSV vùng khó khăn
- » Hiệu quả từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ tại Phú Yên
- » Tín dụng ưu đãi trên miền gió cát
- » Vốn ưu đãi giúp đồng bào DTTS vượt khó
- » Tín dụng chính sách góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế vùng DTTS