Hiệu quả từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ tại Phú Yên
Chương trình đã phát huy công cụ đòn bẩy kinh tế của Nhà nước giúp hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng có điều kiện tiếp cận vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện điều kiện sống, vươn lên thoát nghèo. Bà H’Diêm, dân tộc Chăm H’Roi ở thôn Suối Bạc, xã Suối Bạc, huyện Sơn Hòa, là một trong nhiều người được vay vốn chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP. Càng vui hơn khi gia đình bà cũng vừa được xét duyệt hỗ trợ 50 triệu đồng để xây nhà mới thay cho nhà ở tạm.
Hỏi thăm chuyện làm ăn của gia đình, bà H’Diêm tâm sự, cuối năm 2022, được NHCSXH huyện Sơn Hòa thông qua tổ vay vốn địa phương giải ngân cho vay 60 triệu đồng. Nguồn vốn này giúp bà mua 6 con bò sinh sản để nuôi. Đến nay, bò đã lớn, đẻ ra bò con, cả đàn bò trị giá hơn 120 triệu đồng. “Ngoài nuôi bò, gia đình còn trồng mấy sào mía, cũng đủ trả lãi cho ngân hàng, cho con cái ăn học,…”, Bà H’Diêm chia sẻ.
Ông Lê Trọng Khoan - Giám đốc NHCSXH huyện Sơn Hòa cho biết, cuối năm 2022, toàn huyện Sơn Hòa có 16.754 hộ, trong đó hộ nghèo 2.427 hộ, chiếm tỷ lệ 14,49%, hộ cận nghèo 1.557 hộ, chiếm tỷ lệ 9,29%. Tổng dư nợ cho vay của NHCSXH huyện đến 31/ 8/2023 trên 489 tỷ đồng, tương ứng 9.614 hộ vay vốn, chiếm tỷ lệ 57,4% tổng số hộ toàn huyện. Trong đó, cho vay các chương trình tín dụng chính sách theo Nghị quyết 11 gần 50 tỷ đồng; cho vay thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP là gần 20 tỷ đồng với 386 khách hàng vay.
“Nhờ chính sách kịp thời của Đảng, Nhà nước; sự khẩn trương thực hiện giải ngân của Ngân hàng Chính sách xã hội, nguồn vốn cho vay đã góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, phát triển sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt; mua máy tính cho học sinh, sinh viên; cải tạo, sửa chữa nâng cấp các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập; xây dựng nhà ở… Đặc biệt, giúp hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số có vốn mua bò, sản xuất, từng bước vượt qua khó khăn thoát nghèo…”, Bí thư Huyện ủy Sơn Hòa Nay Y Blung đánh giá.
Giám đốc NHCSXH tỉnh Phú Yên Hồ Văn Thục cho biết, sau đại dịch COVID-19, tỷ lệ công nhân, người lao động mất việc làm khá lớn, đặc biệt là lao động từ Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam về lại địa phương không tìm được việc làm. Nghị quyết số 11 đã tháo gỡ cơ bản khó khăn cho công nhân lao động các tỉnh về lại quê nhà, người dân địa phương, nhất là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng yếu thế khác.
Theo ông Hồ Văn Thục, Chi nhánh đã chỉ đạo các phòng giao dịch tham mưu Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố ban hành văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện kịp thời tại địa phương. Đồng thời, phối hợp Sở Giáo dục Đào tạo, Sở Xây dựng, Ban Dân tộc tỉnh tiếp tục khảo sát nhu cầu vay vốn của các chương trình cho vay nhà ở xã hội; học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn để mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến; cho vay đối với các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 và cho vay phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP ngày 26/4/2022 của Chính phủ. Phối hợp các cơ quan báo, đài tại địa phương và Trung ương tuyên truyền đầy đủ, kịp thời các chính sách tín dụng ưu đãi, chính sách hỗ trợ lãi suất theo Nghị quyết số 11/NQ-CP. Ngoài ra, thực hiện tuyên truyền bằng nhiều hình thức: phát hành tờ rơi, tạo nhóm Zalo, công khai tại trụ sở Ủy ban nhân dân xã, trụ sở thôn, buôn. Cán bộ Ngân hàng, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn, tổ chức chính trị - xã hội, chính quyền địa phương phát huy hình thức tuyên truyền miệng, chủ động liên hệ trực tiếp đến người vay vốn để tuyên truyền, cung cấp thông tin, hướng dẫn quy trình thủ tục vay vốn đến nhân dân.
Kết quả đến ngày 31/7/2023, NHCSXH tỉnh Phú Yên đã thực hiện cho vay đến 7.989 khách hàng, với tổng số tiền 366 tỷ đồng, hoàn thành 93% kế hoạch vốn của 5 chương trình cho vay; tổng số tiền hỗ trợ lãi suất năm 2022 và 7 tháng đầu năm 2023 là 32.511 triệu đồng, với 55.263 lượt khách hàng vay vốn.
Thời gian tới, Chi nhánh tiếp tục phối hợp với các ban, ngành, chính quyền địa phương tiếp tục rà soát, tổng hợp nhu cầu vay vốn trong năm 2023 đối với các đối tượng là 360 tỷ đồng; đồng thời tiếp tục phối hợp Ban Dân tộc tỉnh triển khai đến đơn vị trực thuộc các huyện rà soát nhu cầu vốn của các đối tượng thụ hưởng thuộc chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP của Chính phủ, chủ yếu cho vay hỗ trợ nhà ở, chuyển đổi nghề, cải tạo đất sản xuất (xã EaLâm, huyện Sông Hinh) nhằm giúp đối tượng thụ hưởng phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống.
Đẩy mạnh giải ngân các chương trình cho vay theo Nghị quyết số 11/NQ-CP và kịp thời hỗ trợ lãi suất theo quy định, công khai, minh bạch, đúng đối tượng thụ hưởng; đồng thời, phối hợp hội, đoàn thể nhận ủy thác kiểm tra việc sử dụng vốn, nâng cao chất lượng hiệu quả sử dụng vốn. Tăng cường kiểm tra, giám sát trước, trong và sau cho vay việc triển khai thực hiện các chương trình tín dụng theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ…
Trình Kế
Các tin bài khác
- » Tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù
- » Tín dụng ưu đãi trên miền gió cát
- » Vốn ưu đãi giúp đồng bào DTTS vượt khó
- » Tín dụng chính sách góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế vùng DTTS
- » Tín dụng chính sách với người nghèo ở đô thị
- » “Cầu nối” để thanh niên khởi nghiệp
- » Thành quả từ tín dụng chính sách
- » Hiệu quả tín dụng ưu đãi tại miền biên giới Tây Ninh
- » Giúp đồng bào DTTS vượt khó, thoát nghèo
- » Điểm tựa của người yếu thế