Bảo đảm nguồn vốn thông suốt cho người nghèo trong mùa dịch

27/08/2021
(VBSP News) Không để dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng đến phục vụ khách hàng, đảm bảo hoạt động ngân hàng được an toàn, thông suốt, khơi thông và gia tăng các nguồn vốn của địa phương cũng như các nguồn vốn khác, hỗ trợ giải ngân giúp người nghèo, đối tượng chính sách khác đang chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 để tạo việc làm, mở rộng sản xuất là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà chi nhánh NHCSXH tỉnh Đắk Nông đã được xác định ngay từ những tháng đầu năm 2021.
dak nong

Các phiên giao dịch định kỳ của NHCSXH tỉnh Đắk Nông vẫn được tổ chức đều đặn, đảm bảo an toàn

Phao cứu sinh trong mùa đại dịch
Dù là trong mùa dịch bệnh nhưng các phiên giao dịch định kỳ tại các Điểm giao dịch xã phường ở các huyện, thành phố của chi nhánh NHCSXH tỉnh Đắk Nông vẫn được tổ chức đều đặn với sự tham gia của các hộ vay, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn, tổ chức chính trị - xã hội nhận uỷ thác… Hoạt động phiên giao dịch rất trật tự khi cán bộ ngân hàng hướng dẫn kỹ lưỡng từng người tham gia quy định phòng, chống dịch,  chấp hành nghiêm túc 5K của Bộ Y tế như: đo nhiệt độ, sát khuẩn tay, khai báo y tế và ngồi giãn cách 2m.
Chị Nguyễn Thị Minh ở thôn 8, xã Thuận Hạnh, huyện Đắk Song là một trong những người đến sớm nhất. Hơn ai hết, chị nóng lòng chờ đến lượt được vay vốn bởi đây là “cứu cánh” cho gia đình chị tiếp bước tương lai. Nguồn thu nhập chủ yếu của hai vợ chồng chị phụ thuộc vào 2ha bắp cải đang đến vụ thu hoạch nhưng dịch bệnh COVID-19 bùng phát mạnh ở TP Hồ Chí Minh, các chợ đầu mối đóng cửa làm vườn rau của gia đình chị không thể thu hoạch để đưa đi tiêu thụ ở thị trường lớn nhất cả nước này.
Khó khăn chồng chất khó khăn khi cần thêm nguồn vốn để đầu tư cho các vụ sau, và phân bón cho vườn cà phê sắp đến kỳ thu hoạch. Khi được Hội Nông dân xã Thuận Hạnh tư vấn về cho vay giải quyết việc làm của NHCSXH, chị biết là gia đình mình lại có thêm cơ hội thoát khỏi cảnh khó khăn. Cầm trên tay 50 triệu đồng vừa được vay, vợ chồng chị tính toán để kịp đầu tư cho một mùa vụ mới, không chỉ vượt qua đại dịch, xa hơn là có nguồn thu nhập ổn định trong tương lai.
Hay như ông Nguyễn Văn Hùng ở xã Trường Xuân, từng là hộ nghèo, nhưng được NHCSXH hỗ trợ vay vốn đã giúp ông từng bước vươn lên mở cửa hàng kinh doanh phân bón. 5 năm qua, nguồn lực tài chính của gia đình đủ tích lũy cho buôn bán mà không phải vay vốn chính sách. Nhưng ông đâu có biết, dịch bệnh COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, nguồn hàng bị tồn đọng, người dân không tiêu thụ được nông sản đã nợ lại tiền phân bón; một lần nữa ông lại “nương tựa” vào NHCSXH từ chương trình cho vay hộ SXKD tại vùng khó khăn để có dòng tiền xoay vòng trong thời điểm dịch bệnh. Đó chỉ là hai trong nhiều minh chứng cho hiệu quả của đồng vốn chính sách đã và đang chảy đều, tạo việc làm ổn định, bảo đảm an sinh xã hội.
Doanh số cho vay 7 tháng đầu năm của chi nhánh NHCSXH tỉnh Đắk Nông đạt 720 tỉ đồng; qua đó giúp cho trên 19.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác có việc làm, phát triển kinh tế. Tổng dư nợ 17 chương trình cho vay đến nay đạt 3.128 tỉ đồng, với trên 70 nghìn khách hàng vay vốn, tăng 8,2% so với đầu năm. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh diễn ra từ năm 2020 thì ngoài nguồn vốn chủ lực của Trung ương thì có sự hỗ trợ thêm nguồn vốn từ ngân sách địa phương chuyển qua để NHCSXH cho người dân vay. Đến tháng 7.2021, nguồn vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương tăng 36 tỉ đồng, đưa tổng nguồn vốn nhận uỷ thác tại NHCSXH tỉnh đến nay đạt 197 tỉ đồng.
Để thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 về hỗ trợ người sử dụng lao động ngừng việc và người lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 của Chính phủ nhanh chóng đi vào cuộc sống, chi nhánh NHCSXH tỉnh Đắk Nông đã chủ động, tích cực phối hợp với các Sở, ngành liên quan, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác tăng cường công tác phối hợp, tuyên truyền về chủ trương, chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất đến các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp, hội viên và nhân dân biết, tổ chức thực hiện.
Đồng thời, phân công cán bộ chủ động tiếp cận, làm việc với người sử dụng lao động để rà soát các đối tượng bị ảnh hưởng, hướng dẫn người sử dụng lao động lập hồ sơ, hoàn thiện các thủ tục cần thiết để giải ngân vốn một cách nhanh nhất. Với tinh thần triển khai nguồn vốn tín dụng chính sách cho vay nhanh chóng và hiệu quả, chi nhánh NHCSXH tỉnh Đắk Nông đã thực hiện giải ngân nguồn vốn cho vay trả lương ngừng việc, lương phục hồi sản xuất cho người lao động theo Nghị quyết 68 cho 03 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh với số tiền 520 triệu đồng để trả lương ngừng việc cho 58 lao động.
Thách thức lớn cần chung tay tháo gỡ
Có thể nói, chi nhánh NHCSXH tỉnh Đắk Nông đang nỗ lực thực hiện mục tiêu của Chính phủ giao: Vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế. Giám đốc chi nhánh Đào Thái Hoà cho biết, NHCSXH thường xuyên được Trung ương tổ chức các cuộc họp trực tuyến để chỉ đạo và triển khai công tác phòng, chống dịch dịch COVID-19, coi đây là nhiệm vụ cấp bách, hàng đầu, nghiêm túc thực hiện quy tắc “5K“, có các biện pháp đảm bảo an toàn đối với cả cán bộ ngân hàng cũng như khách hàng đến giao dịch, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để làm việc.
Chi nhánh cũng đã chỉ đạo các Phòng giao dịch NHCSXH cấp huyện chủ động xây dựng phương án, kịch bản ứng phó phòng, chống dịch bệnh COVID-19 để đảm bảo hoạt động thông suốt, an toàn ở những địa bàn không bị cách ly. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội theo dõi, nắm bắt những thiệt hại bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 từ đó có biện pháp hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn giúp khách hàng khôi phục SXKD. Đối với các xã bị khoanh vùng, cách ly, để phòng chống dịch, NHCSXH ngay lập tức áp dụng biện pháp tạm dừng thu nợ gốc, thu lãi cho đến khi có thể tổ chức hoạt động giao dịch bình thường.
Mặc dù tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến các hoạt động SXKD, đặc biệt là các hộ gia đình chính sách như hộ nghèo, hộ cận nghèo… NHCSXH tỉnh Đắk nông luôn trách nhiệm cao trong công tác phòng chống dịch , đồng thời nỗ lực, tạo mọi điều kiện cho người dân, doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn vay để phục hồi sản xuất, giảm bớt khó khăn, tạo công ăn việc làm, góp phần thành công trong chương trình mục quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Bài và ảnh Quỳnh Chi

Các tin bài khác