Kịp thời gỡ khó cho doanh nghiệp và người lao động
Là doanh nghiệp đầu tiên trên địa bàn tỉnh được hỗ trợ theo Nghị quyết 68, vừa qua, Công ty TNHH sản xuất y học cổ truyền và đông dược Thế Gia có trụ sở tại thị trấn Sơn Thịnh, huyện Văn Chấn đã ký kết hợp đồng tín dụng và giải ngân trực tiếp với Phòng giao dịch NHCSXH huyện Văn Chấn với gói tín dụng 144 triệu đồng để trả lương cho người lao động phải nghỉ việc trong tháng 5, 6 và 7.2021.
Công ty TNHH sản xuất y học cổ truyền và đông dược Thế Gia đi vào hoạt động từ cuối năm 2019, Công ty sản xuất các loại sản phẩm từ quả sơn tra như: mứt, viên kẹo C, sirô sơn tra và các loại thuốc đông dược… cung cấp ra thị trường cả nước. Tuy nhiên, từ đầu năm 2021 đến nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, việc cung cấp các sản phẩm ra thị trường gặp nhiều khó khăn bởi các sản phẩm chủ yếu phục vụ khách du lịch tại thị trường nội địa…
Ông Bùi Văn Dũng - Giám đốc Nhà máy của Công ty TNHH sản xuất y học cổ truyền và đông dược Thế Gia cho biết: “Thời điểm này, công ty gặp nhiều khó khăn, các đơn hàng giảm 60% so với trước, toàn bộ thị trường các tỉnh miền nam bị dừng lại. Vừa qua, nhận được gói hỗ trợ của NHCSXH theo Nghị quyết 68, chúng tôi rất mừng. Số vốn được vay còn nhỏ nhưng đã phần nào giúp doanh nghiệp trả được lương cho công nhân. Nghị quyết 68 là chính sách có ý nghĩa thiết thực, cần thiết, góp phần động viên doanh nghiệp vượt qua thời điểm khó khăn”.
Theo báo cáo của chi nhánh NHCSXH tỉnh Yên Bái, đến nay, trên địa bàn tỉnh đã rà soát được 635 người sử dụng lao động, trong đó số người sử dụng lao động đủ điều kiện, có nhu cầu vay vốn là 9 đơn vị với 201 lao động, nhu cầu vốn là hơn 2,1 tỉ đồng. Hiện, Phòng giao dịch NHCSXH các huyện, thị, thành phố đã giải ngân cho 3 doanh nghiệp được vay để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất ở TP Yên Bái và 2 huyện Văn Chấn, Văn Yên.
Ông Nguyễn Thanh Hải - Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Yên Bái cho biết: Thời gian tới, chi nhánh coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của đơn vị. Ngân hàng sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan truyền thông, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, ban quản lý các khu công nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh…, tăng cường công tác tuyên truyền về chính sách đến các đối tượng thụ hưởng và nhân dân trên địa bàn tỉnh. Nhất quán quan điểm “không để ai bị bỏ lại phía sau”, chính sách hỗ trợ lần này được Chính phủ ban hành kịp thời sẽ góp phần phục hồi, giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch, góp phần ổn định SXKD, bảo đảm đời sống cho người lao động.
Bài và ảnh Nguyễn Hồng
Các tin bài khác
- » Hỗ trợ kịp thời phòng, chống dịch COVID-19
- » Quảng Ngãi cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất
- » Khánh Hòa cho vay vốn trả lương ngừng việc và phục hồi sản xuất
- » “Chìa khóa” giúp nông dân thoát nghèo ngoạn mục
- » Hỗ trợ doanh nghiệp Sơn La vượt qua khó khăn, khôi phục sản xuất (VNews - 25.8.2021)
- » Hiệu quả từ một chương trình tín dụng chính sách
- » Giải ngân gói hỗ trợ cho vay doanh nghiệp trả lương ngừng việc trong tâm dịch
- » Đồng hành cùng người sử dụng lao động vượt qua khó khăn
- » Kịp thời triển khai gói vay trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất
- » “Phao cứu sinh” cho doanh nghiệp và người lao động