Góp phần phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn

12/09/2023
(VBSP News) Cùng với việc tăng cường cho vay hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt khó khăn, chương trình tín dụng chính sách xã hội những năm gần đây tập trung nguồn lực hỗ trợ cho vay phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.

Người dân xóm Pác Rằng, xã Phúc Sen đầu tư máy móc, nâng cao chất lượng các sản phẩm rèn, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng

Người dân xóm Pác Rằng, xã Phúc Sen đầu tư máy móc, nâng cao chất lượng các sản phẩm rèn, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng

Làng nghề rèn truyền thống xã Phúc Sen, huyện Quảng Hòa thu hút gần 300 lao động nông thôn của 4 xóm: Pác Rằng, Phja Chang, Tiến Minh, Đâư Cọ tham gia sản xuất với 140 lò rèn theo quy mô hộ gia đình, hợp tác xã. Trung bình mỗi năm nghề rèn mang lại doanh thu hơn 18 tỷ đồng; thu nhập bình quân đạt 5,4 triệu đồng/người/tháng. Để phát triển làng nghề, người dân mạnh dạn tiếp cận các nguồn vốn tín dụng mở rộng sản xuất, kinh doanh, đầu tư thiết bị máy móc, nhà xưởng, cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng. Đến nay, dư nợ tín dụng chính sách xã hội của xã trên 22 tỷ đồng với 335 hộ vay.

Anh Lương Văn Lưu, xóm Pác Rằng, xã Phúc Sen, huyện Quảng Hòa cho biết: Năm 2020, được tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách 100 triệu đồng, gia đình tôi đầu tư mua sắm máy cắt, máy dập, máy mài, máy hàn, giảm sức lao động, tăng số lượng sản phẩm, chất lượng được nâng cao. Trung mỗi ngày gia đình tôi sản xuất được 10 sản phẩm với giá bán từ 30 - 150 nghìn đồng/sản phẩm. Năm 2022, gia đình liên kết sản xuất và tiêu thụ trên 1.000 con dao chặt xương do phía Trung Quốc đặt hàng, cho thu nhập trên 20 triệu đồng/tháng.

Cùng với việc hỗ trợ phát triển làng nghề, nhiều ngành nghề truyền thống ở nông thôn, mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác cũng được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ các chương trình tín dụng chính sách xã hội. Điển hình như: nghề làm bún khô, miến dong, giấy bản, trồng nấm, dệt thổ cẩm, đan lát, làm ngói, chạm khắc bạc, chăn nuôi, trồng trọt và làm dịch vụ nông lâm nghiệp…

Sau nhiều năm tự mày mò nghiên cứu, tự xoay xở nguồn vốn, đến nay, cơ sở sản xuất Trúc Mai, xóm Hồng Quang 2, xã Hưng Đạo, TP Cao Bằng có hệ thống nhà xưởng quy mô và nuôi cấy thành công nấm hương, nấm sò 4 mùa đem lại hiệu quả kinh tế cao. Anh Đỗ Văn Viên, chủ cơ sở sản xuất Trúc Mai chia sẻ: Được vay vốn ưu đãi tín dụng chính sách xã hội cùng với các chương trình hỗ trợ của tỉnh, năm 2021, cơ sở đầu tư hơn 4 tỷ đồng xây nhà xưởng, mua sắm các thiết bị tiên tiến phục vụ sản xuất như máy nghiền mùn cưa, trộn nguyên liệu, đóng bịch, điều chỉnh nhiệt độ, hấp khử mùi, máy sấy, các khung giàn đựng nấm. Hiện nấm trái vụ không đủ cung cấp cho thị trường, do đó, cơ sở tiếp tục đầu tư thêm 2 nhà lạnh để tăng sản lượng nuôi cấy nấm hương, tạo việc làm thường xuyên cho 12 lao động nông thôn với thu nhập bình quân 5 - 6 triệu đồng/người/tháng.

Theo thống kê của Chi cục Phát triển nông thôn, toàn tỉnh hiện có 5 làng nghề truyền thống, gồm: làng nghề rèn Phúc Sen, đường phên Bó Tờ thị trấn Hòa Thuận, nghề làm hương xóm Đoàn Kết, nghề làm giấy bản xóm Dìa Trên, xã Phúc Sen (huyện Quảng Hòa), nghề làm hương thảo mộc xóm Nà Kéo, xã Trường (huyện Hà Quảng). Các làng nghề duy trì hoạt động tạo việc làm thường xuyên, thu nhập cho gần 1.000 lao động nông thôn.

Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh Nguyễn Thị Hương Điệp cho biết: Với sự nỗ lực của toàn hệ thống, những năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh tiếp tục được khơi thông, “chảy” mạnh về địa bàn nông thôn, tiếp sức cho người dân nghèo và các đối tượng chính sách ổn định sản xuất, kinh doanh, tăng thêm thu nhập, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội. Đồng thời, nguồn vốn là chất xúc tác quan trọng thúc đẩy phát triển làng nghề, ngành nghề và thực hiện hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh. Đến nay, tổng dư nợ 18 chương trình cho vay đạt 3.850 tỷ đồng với hơn 73.000 khách hàng dư nợ. Doanh số cho vay 8 tháng năm 2023 đạt gần 910 tỷ đồng.

Để phát triển ngành nghề, làng nghề nông thôn theo hướng ổn định và bền vững, góp phần tăng trưởng kinh tế nông nghiệp, nông dân, nông thôn và xây dựng nông thôn mới, thời gian tới, các cấp, ngành, tổ chức chính trị - xã hội nêu cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm trong việc quản lý triển khai các nguồn vốn tín dụng. Tích cực tham mưu xây dựng cơ chế chính sách phù hợp hỗ trợ, khuyến khích phát triển sản xuất, kinh doanh như: xây dựng nhà xưởng, đầu tư công nghệ chế biến, giới thiệu quảng bá tiêu thụ sản phẩm; khôi phục và phát triển các làng nghề, ngành nghề truyền thống gắn với du lịch cộng đồng; quan tâm đào tạo nghề cho lao động nông thôn; quy hoạch các vùng nguyên liệu cung cấp cho làng nghề, ngành nghề đảm bảo duy trì hoạt động thường xuyên; đẩy mạnh thương mại điện tử trong sản xuất, kinh doanh.

Thái Hà

Các tin bài khác