Vượt khó từ vốn vay giải quyết việc làm
Từ năm 2017, chị Đỗ Thị Thanh Huyền ở thị trấn Phước An, huyện Krông Pắc mở xưởng may Hải Diễm tại các huyện Cư Kuin, Krông Bông và Krông Pắc. Trước đây, khi chưa có dịch COVID-19, các xưởng may của chị hoạt động cơ bản ổn định, tạo việc làm và thu nhập tốt cho hàng chục công nhân may. Tuy nhiên sau dịch, chị Huyền phải giảm bớt số công nhân, số xưởng vì nguồn vốn bị đứt quãng, không còn vốn đầu tư nguyên liệu đầu vào cho xưởng may.
Đầu năm 2023, chị Huyền được Đoàn Thanh niên thị trấn Phước An giới thiệu để vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn hỗ trợ giải quyết việc làm của NHCSXH, giúp chị có thêm nguồn vốn để đầu tư, khôi phục lại các xưởng may. Đến nay, mỗi tháng xưởng may của chị Huyền xuất xưởng khoảng 15.000 sản phẩm là quần áo… Bên cạnh tạo việc làm cho hơn 50 công nhân tại xưởng may, chị Huyền cũng xây dựng một số tổ hợp may, giúp phụ nữ nhận máy và nguyên liệu để làm ngoài giờ lao động chính, từ đó nhiều chị em tại địa phương có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Chị Triệu Thị Hiệp ở thôn 2, xã Hòa Tiến, huyện Krông Pắc làm công nhân tại xưởng may của chị Huyền đến nay được gần một năm. Công việc gần nhà, thu nhập ổn định nên chị Hiệp có thêm điều kiện để chăm lo cho con cái và gia đình. Chị Hiệp chia sẻ: “Trước đây, tôi đi làm xa nên thường đi sớm, về muộn. Nay xưởng may mở tại xã nên tôi cũng dễ bề chăm sóc con cái. Tôi cũng nhận tăng ca, nhận nguyên liệu về nhà để hoàn thành sản phẩm nên thu nhập mỗi tháng cơ bản đều ổn định mà lại được gần nhà, tôi rất hài lòng”.
Gia đình ông Phạm Công Thắng ở thôn Xuân Long, xã Phú Xuân, huyện Krông Năng hiện có 4 nhân khẩu, nhưng chỉ có ông Thắng và vợ là lao động chính. Gia đình có 7 sào đất trồng cà phê và bắp, nhiều năm qua luôn nằm trong diện hộ nghèo của xã. Để giúp gia đình ông Thắng có vốn tăng gia sản xuất, từ năm 2021, Tổ tiết kiệm và vay vốn thuộc Hội Nông dân xã Phú Xuân đã giới thiệu để ông Thắng tiếp cận, vay vốn từ chương trình vốn vay giải quyết việc làm của NHCSXH. Sau khi vay 30 triệu đồng từ nguồn vốn trên, ông Thắng mạnh dạn mua 7 con dê giống để nuôi.
Ông Thắng cho biết: “Sau khi tham gia Tổ tiết kiệm và vay vốn, tôi chấp hành theo quy định của tổ, đóng lãi, tiết kiệm hằng tháng và trả nợ theo quy định. Nhờ 30 triệu đồng tiền vốn vay NHCSXH mà gia đình tôi mạnh dạn đầu tư, mua được dê giống để nuôi nên thu nhập của gia đình đã ổn định hơn trước nhiều. Tôi sẽ tiếp tục duy trì nuôi dê để có thêm thu nhập cũng như trả khoản tiền vốn trên”.
Cũng như ông Thắng, năm 2018, gia đình bà Phạm Thị Tiên ở thôn Xuân Long, xã Phú Xuân, huyện Krông Năng vay 50 triệu đồng từ NHCSXH để đầu tư nuôi dê và bò. Cuối năm 2022, gia đình bà Tiên đã thoát khỏi diện hộ cận nghèo và có nguồn thu nhập ổn định từ 60 con dê và 4 con bò. Hiện nay, bà Tiên tiếp tục vay vốn từ chương trình vốn vay giải quyết việc làm của NHCSXH để mua thêm 10 con dê và 2 con bò, tiếp tục phát triển kinh tế gia đình.
Có thể thấy, cùng với sự quan tâm, giúp đỡ của chính quyền địa phương, nguồn vốn tín dụng ưu đãi từ NHCSXH đã giúp người dân trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk vững tin, mạnh dạn đầu tư phát triển các mô hình kinh tế, mang lại thu nhập, cải thiện đời sống.
Đinh Hằng
Các tin bài khác
- » Tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù
- » Kịp thời “giải cứu” người phụ nữ bị lừa gần 50 triệu đồng
- » Vai trò của tín dụng chính sách xã hội trong củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam
- » Tín dụng chính sách xã hội góp phần quan trọng thực hiện các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng
- » VBSP SMART BANKING - thúc đẩy xã hội số vùng dân tộc miền núi biên giới Kỳ Sơn
- » Vốn tín dụng chính sách tiếp sức cho HSSV đến trường
- » Giúp thanh niên Quảng Trị khởi nghiệp
- » Tiếp vốn cho hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn
- » Nâng cao đời sống từ nguồn vốn chính sách
- » Góp phần phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn