Tín dụng chính sách tiếp sức hộ nghèo

21/09/2023
(VBSP News) Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực vươn lên của người dân, công tác giảm nghèo ở huyện Bù Đăng (Bình Phước) thời gian qua đã đạt những kết quả tích cực. Trong đó, nguồn vốn tín dụng chính sách được xem là “đòn bẩy” quan trọng giúp người nghèo và các đối tượng chính sách khác có điều kiện phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững.
t4_hhhhhhh_14505919092023

Chị Chung Thị Nhâm (giữa) ở thôn 2, xã Đăng Hà, huyện Bù Đăng thoát nghèo bền vững nhờ được vay vốn tín dụng chính sách đầu tư chăn nuôi bò

Thay đổi cuộc sống
8 tháng năm 2023, nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã giúp 2.627 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn huyện được vay vốn, góp phần thu hút, tạo việc làm cho 110 lao động; xây dựng 4.068 công trình cung cấp nước sạch, nhà vệ sinh ở nông thôn.
Nhờ chủ động phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác và triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của các đối tượng chính sách; tích cực giải ngân các chương trình tín dụng; triển khai huy động nguồn vốn của các tổ chức, cá nhân nên tổng dư nợ đến hết tháng 8/2023 của NHCSXH huyện Bù Đăng đạt 480.037 triệu đồng, tăng 43.298 triệu đồng, tỷ lệ tăng trưởng 9,9%.
Nhờ được tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách mà gia đình chị Chung Thị Nhâm ở thôn 2, xã Đăng Hà, huyện Bù Đăng đã vươn lên thoát nghèo bền vững. Chị Nhâm cho biết: Trước đây, gia đình thuộc diện khó khăn nhất, nhì trong thôn, nguyên nhân là do không có đất sản xuất và việc làm ổn định. Năm 2019, được tiếp cận nguồn vốn của NHCSXH huyện, chị Nhâm đầu tư nuôi bò. Từ 2 con bò ban đầu dần phát triển lên 6 con. Năm 2022, thu nhập từ nuôi bò và tiền công làm thuê của hai vợ chồng, gia đình chị Nhâm mua thêm mảnh đất trị giá gần 100 triệu đồng và chính thức thoát khỏi danh sách hộ nghèo của xã.
Cũng nhờ tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách mà nhiều hộ đồng bào DTTS ở xã Đăng Hà đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển cây ăn trái có giá trị kinh tế cao như: sầu riêng, bưởi da xanh. Đơn cử như gia đình ông Lương Văn Phòng ở thôn 2, vào năm 2021, sau khi được vay 100 triệu đồng từ NHCSXH huyện, đã chuyển đổi 5 sào điều già cỗi sang trồng sầu riêng. Nhờ được tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc, bón phân kịp thời vụ nên vườn sầu riêng hơn 2 năm tuổi của gia đình ông phát triển tốt. Theo Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn 2 Lương Thị Mai, thôn hiện có 10 hộ vay vốn để đầu tư phát triển cây ăn trái. Tuy nhiên, chi phí đầu tư loại cây trồng này tương đối cao nên người dân mong muốn được vay số tiền nhiều hơn.
Chủ tịch UBND xã Đăng Hà Vũ Ngọc Đỉnh cho biết: Là xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS, đời sống người dân còn nhiều khó khăn nên việc tạo điều kiện để các hộ tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách là ưu tiên hàng đầu của cấp ủy, chính quyền địa phương. Với sự vào cuộc đầy trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền từ xã đến thôn trong công tác rà soát nhu cầu vay vốn của người dân, đặc biệt là hộ DTTS, đến nay đã có hơn 600 hộ dân được vay 32,2 tỷ đồng. Năm 2022, nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần giúp xã Đăng Hà giảm 82 hộ nghèo, vượt chỉ tiêu nghị quyết đề ra.
Nhiều chính sách tín dụng mới được triển khai
Giám đốc NHCSXH huyện Bù Đăng Hạp Tiến Khoa cho biết: Ngoài nguồn vốn tín dụng chính sách cho vay đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo theo chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, năm 2023, huyện Bù Đăng triển khai cho vay nguồn vốn tín dụng ưu đãi thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I (2021-2025). Cụ thể, 5 chương trình gồm: cho vay hỗ trợ đất ở, hỗ trợ nhà ở; cho vay hỗ trợ đất sản xuất, chuyển đổi nghề; cho vay đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý; cho vay hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị.
Gia đình chị Phạm Thị Lộc ở thôn 4, xã Đăng Hà là một trong bốn gia đình được vay vốn xây dựng nhà ở theo Nghị định số 28 của Chính phủ. Chị Lộc cho biết: Chị là giáo viên tiểu học của xã, anh công tác trong quân đội. Lấy nhau hơn 10 năm nhưng kinh tế hai bên gia đình đều khó khăn nên anh chị phải ở trong căn nhà tạm, chật hẹp. Nay được NHCSXH huyện duyệt cho vay 500 triệu đồng, thời hạn 25 năm, lãi suất 4,8%/năm để xây dựng nhà ở, gia đình chị rất vui. Nhờ vốn vay của NHCSXH và vốn tích góp của hai vợ chồng hơn chục năm nay, gia đình mới xây được căn nhà khang trang, kiên cố.
Trưởng phòng Lao động - Thương binh và xã hội huyện Bù Đăng Nguyễn Thị Hồng Thắm cho biết: 100% đối tượng thuộc diện đủ điều kiện vay vốn đều được tiếp cận nguồn vốn vay để phát triển sản xuất, tạo sinh kế vươn lên thoát nghèo bền vững. Năm 2022, huyện Bù Đăng giảm 510 hộ nghèo, đạt 111,8% kế hoạch. Năm 2023, huyện Bù Đăng đề ra mục tiêu giảm 409 hộ nghèo, tổng kinh phí dự kiến hỗ trợ khoảng 45 tỷ đồng; trong đó số hộ DTTS đăng ký giảm nghèo trong năm 2023 là 323, chiếm 58,5% số hộ nghèo DTTS hiện có, với tổng kinh phí cần hỗ trợ khoảng 38 tỷ đồng. Đến nay, nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã giúp 399 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo vay vốn với tổng hơn 30 tỷ đồng.
Chủ tịch UBND huyện Bù Đăng Nguyễn Văn Lưu chia sẻ: Nguồn vốn tín dụng chính sách triển khai trên địa bàn huyện thời gian qua đã góp phần phát triển sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Đức Hiến

Các tin bài khác