Đột phá từ một Chỉ thị (Bài 2: Những đồng vốn “quý như vàng”)

25/09/2023
(VBSP News) Nhờ nguồn vốn uỷ thác từ ngân sách địa phương sang NHCSXH đã giải quyết việc làm cho hàng nghìn hộ dân trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Mỗi đồng vốn chuyển sang là thêm một sự đồng hành, một cơ hội để có thêm những người lao động vượt lên khó khăn.
dt_2292023928_a3

Được vay vốn giải quyết việc làm từ NHCSXH, gia đình ông Đặng Văn Chín ở khu Thống Nhất, thị trấn Hàng Trạm, huyện Yên Thuỷ đầu tư vào vườn bưởi, giúp tăng thu nhập

Giúp người dân nâng cao thu nhập
Gia đình ông Đặng Văn Chín ở khu Thống Nhất, thị trấn Hàng Trạm, huyện Yên Thuỷ là một trong hơn 3,5 nghìn hộ dân trên địa bàn tỉnh đã có bước phát triển kinh tế gia đình, khi được vay vốn của NHCSXH từ nguồn vốn uỷ thác ngân sách chuyển sang. Đầu tư trồng bưởi nhiều năm nhưng chỉ 2 năm trở lại đây, hiệu quả kinh tế vườn bưởi đem lại mới được như kỳ vọng của ông Chín.
Đưa chúng tôi đi thăm vườn bưởi đỏ, bưởi Diễn, bưởi da xanh đan xen, ông Chín chia sẻ: Mặc dù xác định vườn bưởi là một trong những nguồn thu nhập chính nhưng thời gian đầu, do đồng vốn hạn hẹp nên chưa đầu tư bài bản được. Hai năm trước, được NHCSXH huyện cho vay 50 triệu đồng vốn vay giải quyết việc làm, gia đình đã chỉnh trang lại vườn, đầu tư phân bón. Nhờ đó, thu nhập tăng gấp đôi so với trước đây. Hiện, bình quân mỗi năm vườn bưởi cho thu nhập từ 80 triệu đồng.  
Nếu vốn chính sách giúp gia đình ông Chín nâng cao giá trị vườn bưởi thì với gia đình chị Bùi Thị Phước ở xóm Liên Hồng 1, xã Khoan Dụ, huyện Lạc Thuỷ, đồng vốn đã giúp họ khôi phục lại nghề chăn nuôi lợn. Gia đình chị Phước duy trì nghề chăn nuôi lợn hơn 10 năm. Mấy năm trước, dịch tả lợn châu Phi đã khiến đàn lợn hàng chục con nhiễm bệnh, buộc phải tiêu huỷ, bao nhiêu vốn liếng tích cóp theo đàn lợn đi mất. Tiếc nghề, khi dịch bệnh qua đi, gia đình chị Phước vẫn duy trì nuôi lợn nhưng ở mức độ cầm chừng.
“Sau khi bị thiệt hại do dịch bệnh, việc khôi phục lại chăn nuôi khó khăn. Rất may năm ngoái gia đình được vay 50 triệu đồng vốn vay giải quyết việc làm từ NHCSXH để tiếp tục chăn nuôi lợn. Hiện gia đình đang nuôi 4 con lợn nái và vài chục con lợn thịt. Với giá lợn tăng trở lại như hiện nay gia đình rất phấn khởi. Cảm ơn nguồn vốn vay của NHCSXH”, chị Phước tâm sự.
Qua trao đổi với lãnh đạo UBND thị trấn Hàng Trạm, huyện Yên Thuỷ và xã Khoan Dụ, huyện Lạc Thuỷ, điểm chung của 2 địa phương này đều là những vùng có điều kiện kinh tế - xã hội cao hơn so với mặt bằng chung. Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo đã giảm đáng kể nên việc tiếp cận các chương trình tín dụng của NHCSXH gặp khó khăn (do giảm đối tượng khách hàng vay vốn). Tuy nhiên, nhu cầu được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế của người dân còn rất lớn.
“Thị trấn Hàng Trạm có hơn 400 hộ vay vốn NHCSXH, dư nợ trên 14 tỷ đồng. Trong đó, cho vay giải quyết việc làm đã và đang là chương trình đem lại hiệu quả cao. Hiện, nhu cầu vay vốn của người dân còn rất lớn, mong tiếp tục được các cấp chính quyền, NHCSXH quan tâm, đáp ứng vốn vay cho bà con”, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Hàng Trạm Phạm Văn Di chia sẻ.
Nguồn vốn uỷ thác từ ngân sách địa phương không chỉ được NHCSXH cho vay giải quyết việc làm mà hiện đang chú trọng cho vay xuất khẩu lao động. Gia đình ông Hoàng Thái Hồ ở thị trấn Hàng Trạm là một trong những hộ đầu tiên được vay nguồn vốn này. Theo ông Hồ cho biết, con trai ông đi xuất khẩu lao động sang Nhật Bản với chi phí khoảng 300 triệu đồng. Tuy nhiên gia đình còn thiếu 60 triệu đồng. Số tiền này đã được NHCSXH cho vay từ nguồn ngân sách địa phương chuyển sang. “Với gia đình tôi, trong lúc gấp rút, việc lo đủ tiền cho con đi xuất khẩu lao động khó khăn. Do đó, đồng vốn NHCSXH cho vay rất quý. Sau vài tháng sang Nhật Bản, công việc của con tôi đã ổn định và gửi được tiền về cho gia đình”, ông Hồ chia sẻ.
Tăng vốn uỷ thác ngân sách địa phương
Đến nay có thể khẳng định, nguồn vốn uỷ thác từ ngân sách địa phương sang NHCSXH đang đem lại hiệu quả thiết thực trong giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn tỉnh. Thống kê của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, năm 2022, tổng nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm của tỉnh là 150 tỷ đồng, đã hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho 2.992 lao động. Trong 8 tháng năm 2023, tổng nguồn vốn giải ngân cho vay giải quyết việc làm đạt gần 148 tỷ đồng, tạo việc làm cho 3.344 lao động. Tuy nhiên thực tế hiện nay, nhu cầu được tiếp cận nguồn vốn này còn lớn, nhất là ở các huyện, xã đã được công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới.
Lạc Thuỷ đã được công nhận huyện đạt chuẩn Nông thôn mới năm 2020. Giám đốc NHCSXH huyện Nguyễn Thu Hường cho biết: Những năm qua, huyện quan tâm chuyển vốn từ ngân sách địa phương sang NHCSXH. Đặc biệt 2 năm (2021 - 2022), số vốn chuyển sang tăng từ 500 triệu đồng lên 2 tỷ đồng/năm. Riêng năm 2023, con số này là 2,2 tỷ đồng, qua đó đã giúp khoảng 300 lao động trên địa bàn có vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh. Hiện nhu cầu được vay vốn của các hộ không thuộc diện nghèo, cận nghèo còn rất lớn. Do đó, việc tiếp tục chuyển thêm vốn từ ngân sách địa phương sang NHCSXH sẽ góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động.
Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Bùi Mạnh Cường cho biết: Nguồn vốn uỷ thác từ ngân sách địa phương chuyển sang NHCSXH thực hiện cho vay giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động đã có nhiều khởi sắc. Sau khi được vay vốn, hầu hết người lao động có kinh tế ổn định, cuộc sống được cải thiện. Đối với chương trình cho vay xuất khẩu lao động, đây là hướng đi quan trọng trong quá trình triển khai thực hiện mục tiêu giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững, góp phần tăng thu nguồn ngoại tệ về nước. Năm 2022, toàn tỉnh có 139 lao động vay vốn đi lao động có thời hạn ở nước ngoài, tổng số tiền giải ngân hơn 9,4 tỷ đồng. 8 tháng năm 2023, có 58 lao động vay vốn đi lao động có thời hạn ở nước ngoài, tổng số tiền giải ngân gần 5 tỷ đồng.
Công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được lãnh đạo tỉnh quan tâm, xác định đây là một trong những kênh quan trọng góp phần giải quyết việc làm, thoát nghèo bền vững. Ngày 9/12/2022, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 216/2022/NQ-HĐND về chính sách hỗ trợ vay vốn đối với người lao động trên địa bàn tỉnh đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, giai đoạn 2023 - 2026. Thời gian tới, dự kiến nhu cầu tăng trưởng dư nợ chương trình cho vay tín dụng chính sách hằng năm gần 400 tỷ đồng. Việc tiếp tục bổ sung nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH sẽ đáp ứng tốt hơn nhu cầu vay vốn chính sách của người dân.
Theo đó, ngày 5/9/2023, UBND tỉnh có văn bản giao Sở Lao động, Thương binh và xã hội chủ trì, phối hợp chi nhánh NHCSXH tỉnh Hòa Bình và các đơn vị có liên quan xây dựng chương trình, kế hoạch đề xuất bổ sung nguồn vốn. Với những kết quả đã đạt được và định hướng sắp tới của tỉnh về bổ sung nguồn vốn ngân sách địa phương sang NHCSXH đã khẳng định, Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư đã thực sự đi vào cuộc sống và lan toả mạnh mẽ. Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị đã nâng cao hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội. Qua đó tiếp tục củng cố sự vững chắc của trụ cột trong hệ thống các chính sách giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, vì mục tiêu “Không để ai bị bỏ lại phía sau”.  

Viết Đào

Các tin bài khác