Những giá trị nhân văn của tín dụng chính sách xã hội
Hướng về người nghèo để không ai bị bỏ lại phía sau
Sau hơn 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện, nâng cao; cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc gia được khẳng định. Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đạt được là những khó khăn, thách thức, như khoảng cách giàu nghèo còn lớn; mức chênh lệch trong tiếp cận, thụ hưởng văn hóa của người dân giữa các vùng miền, giai tầng chậm được thu hẹp, đặc biệt là tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.
Về tỷ lệ hộ nghèo ở nước ta hiện nay, theo số liệu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2022 theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025 trên phạm vi toàn quốc vào tháng 1/2023, tỷ lệ nghèo đa chiều (gồm tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo) chung toàn quốc là 7,52%. Tổng số hộ nghèo và hộ cận nghèo đa chiều là 1.972.767 hộ. Trong các vùng miền thì Trung du và miền núi phía Bắc là vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất cả nước (12,1%).
Về mức chênh lệch giàu nghèo, theo kết quả điều tra của Tổng cục Thống kê, thì nhóm hộ giàu nhất (nhóm gồm 20% dân số giàu nhất) có thu nhập bình quân 1 người 1 tháng đạt 10,23 triệu đồng, cao gấp 7,6 lần so với nhóm hộ nghèo nhất (nhóm gồm 20% dân số nghèo nhất).
Nhằm khắc phục khoảng cách giàu nghèo và sự chênh lệch mức sống giữa các vùng miền, tộc người, các quyết sách, chương trình lớn của Đảng, Nhà nước như Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Chương trình giảm nghèo bền vững và Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và niền núi đã được xây dựng, ban hành. Cùng với đó, các chính sách về hỗ trợ cho vay tín dụng đối với người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, gia đình chính sách; thương bệnh binh và người có công với cách mạng; học sinh, sinh viên và nhóm người yếu thế trong xã hội đã được ra đời, được thực hiện thông qua NHCSXH trong thời gian qua đã cho thấy sự quan tâm lớn của Đảng, Nhà nước trong việc ưu tiên bố trí nguồn vốn cần thiết để kịp thời hỗ trợ người dân vượt qua hoàn cảnh khó khăn, sớm thoát nghèo và vươn lên xây dựng cuộc sống no ấm, hạnh phúc và an vui.
Tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách xã hội đến hết năm 2022 đạt 283.000 tỷ đồng với hơn 6,5 triệu khách hàng còn dư nợ. Trong đó, dư nợ cho vay tại vùng dân tộc thiểu số và miền núi đạt 101.000 tỷ đồng, chiếm 36%/tổng dư nợ, với trên 2 triệu khách hàng còn dư nợ. Dư nợ đối với khách hàng là hộ đồng bào dân tộc thiểu số là 70.000 tỷ đồng, với hơn 1,4 triệu khách hàng còn dư nợ, chiếm 25%/tổng dư nợ; mức dư nợ bình quân 49 triệu đồng/hộ. Dư nợ cho vay tại khu vực nông thôn góp phần thực hiện chương trình mục tiệu quốc gia xây dựng nông thôn mới đạt 255.000 tỷ đồng, chiếm gần 90% tổng dư nợ. Dư nợ cho vay đối tượng là hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững đạt 12.000 tỷ đồng, chiếm 43% tổng dư nợ, với hơn 2,9 triệu hộ đang còn dư nợ.
Đặc biệt, dư nợ cho vay tại các huyện nghèo đạt gần 31.000 tỷ đồng, chiếm 11% tổng dư nợ, với hơn 593.000 hộ đang còn dư nợ. Tổng doanh số cho vay trong 2 năm 2021 - 2022 đạt 184.316 tỷ đồng với trên 4,4 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn. Nguồn vốn này góp phần giúp gần 160.000 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; tạo việc làm cho hơn 1,5 triệu lao động; hơn 107.000 lượt học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập, giúp mua gần 86.000 máy tính, thiết bị học tập trực tuyến; xây dựng trên 2,8 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường; trên 20.000 căn nhà ở cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác; gần 2.000 người sử dụng lao động bị ảnh hưởng do dịch COVID-19 được vay vốn để trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất cho hơn 1,2 triệu lượt người lao động.
Tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc
Nguồn vốn cho vay của tín dụng chính sách xã hội chủ yếu có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước; vốn do NHCSXH huy động. Bên cạnh đó là một phần vốn đóng góp tự nguyện không hoàn trả của các cá nhân, các tổ chức kinh tế, tổ chức tài chính, tín dụng và các tổ chức chính trị - xã hội, các hiệp hội, các hội, các tổ chức phi Chính phủ trong và ngoài nước; vốn nhận ủy thác cho vay ưu đãi của chính quyền địa phương, các tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị - xã hội, các hiệp hội, các hội, các tổ chức phi Chính phủ, các cá nhân trong và ngoài nước, và các nguồn vốn khác.
Thông qua hoạt động không vì mục đích lợi nhuận để tạo ra những “lợi nhuận”, giá trị mới cho cộng đồng xã hội đó là sự quan tâm, chia sẻ, hỗ trợ kịp thời của Đảng, Nhà nước, và các cấp chính quyền, các tổ chức, đoàn thể, cộng đồng doanh nghiệp trong việc đảm bảo sự bình đẳng, công bằng trong xã hội; sự phát triển hài hòa, cân bằng và phát triển bao trùm, bền vững ở nước ta hiện nay.
Sự quan tâm, đóng góp của các tổ chức, cá nhân, các đoàn thể chính trị - xã hội qua nguồn vốn tín dụng thể hiện tinh thần trách nhiệm cao cả với cộng đồng, thể hiện truyền thống, đạo lý tốt đẹp của văn hóa truyền thống “lá lành đùm lá rách”… Qua đó, thắt chặt tinh thần đại đoàn kết toàn dân trong việc cùng chung sức, đồng lòng hỗ trợ người nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng cuộc sống mới ngày càng giàu đẹp, nhân văn.
Thực thi tín dụng chính sách xã hội được xác định là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị với sự vào cuộc, tham gia tích cực, có trách nhiệm từ các cấp, các ngành, nhất là sự lãnh đạo toàn diện của Đảng và cấp ủy các cấp. Qua đó, củng cố và thắt chặt mối quan hệ, gắn bó máu thịt giữa Đảng với nhân dân, thể hiện tính ưu việt của chế độ và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta.
Khơi dậy khát vọng phát triển
Một trong những đối tượng lớn mà tín dụng chính sách xã hội hướng đến là tầng lớp học sinh, sinh viên (HSSV) nhất là những học sinh thuộc gia đình hộ nghèo, người dân tộc thiểu số nhằm hỗ trợ chi phí, giảm gánh nặng khó khăn về tài chính để không một HSSV nào phải bỏ học vì không có tiền đóng học phí và trang trải cuộc sống khi xa nhà. Tín dụng chính sách xã hội không chỉ tạo chỗ dựa, niềm tin cho những gia đình, HSSV nghèo mà sâu xa hơn là thắp sáng ước mơ, khát vọng và những hoài bão, lý tưởng cao đẹp của những chủ nhân tương lai của đất nước.
Năm 2002, Chính phủ ban hành Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 4/10/2002 về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, trong đó xác định: “Học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn đang học đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và học nghề” là một trong những đối tượng được thụ hưởng ưu đãi của chính sách này. Tiếp đó, năm 2007, Chính phủ ban hành Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg ngày 27/9/2007 về tín dụng đối với HSSV nhằm hỗ trợ cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn góp phần trang trải chi phí cho việc học tập, sinh hoạt của học sinh, sinh viên trong thời gian theo học tại trường bao gồm: tiền học phí; chi phí mua sắm sách vở, phương tiện học tập, chi phí ăn, ở, đi lại.
Mức vay thời điểm năm 2007 là 800.000 đồng/HSSV, tại thời điểm đó, mức tiền này đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu của HSSV. Năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1656/QĐ-TTg ngày 19/11/2019 điều chỉnh mức vay đối với HSSV từ mức 1,5 triệu/tháng/HSSV lên mức 2,5 triệu/tháng/HSSV, mức này có thể đáp ứng được 50% nhu cầu của HSSV, năm 2022, Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 05/2022/QĐ-TTg ngày 23/03/2022 điều chỉnh mức vay đối với HSSV từ mức 2,5 triệu/tháng/HSSV lên mức 4,0 triệu/tháng/HSSV, mức này có thể đáp ứng được 60% nhu cầu của HSSV. Ngày 04/4/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 09/2022/QĐ-TTg về tín dụng đối với học sinh, sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn để mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến.
Theo thống kê của NHCSXH cho thấy, trong 10 năm (2007 - 2017) tổng doanh số tín dụng cho sinh viên vay học tập đã chạm ngưỡng gần 60.000 tỉ đồng với hơn 3,5 triệu HSSV được vay vốn cho chi phí học tập. Bên cạnh đó, cùng với nguồn vốn vay tín dụng, các cơ sở đào tạo cũng đã chủ động xây dựng các giải pháp hỗ trợ sinh viên; đặc biệt là các sinh viên thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác còn được hưởng các chính sách hỗ trợ khác của nhà nước như học bổng chính sách, hỗ trợ chi phí học tập, trợ cấp xã hội (mỗi sinh viên nghèo được hưởng 100.000 đồng/tháng nếu là dân tộc Kinh và 140.000 đồng/ tháng nếu là người dân tộc thiểu số).
Với chính sách hỗ trợ kịp thời cho đối tượng HSSV là con em hộ nghèo, gia đình chính sách và người dân tộc thiểu số đã chia sẻ, động viên và tiếp thêm niềm tin, sức mạnh để các em vượt qua những khó khăn, thực hiện được ước mơ, hoài bão, từ đó có nhiều đóng góp, cống hiến lớn cho xã hội. Và cũng chính những giá trị nhân văn và ưu việt của tín dụng chính sách có tác dụng lớn trong việc giáo dục, hình thành những đức tính, phẩm chất và nhân cách tốt đẹp cho HSSV.
Góp phần giảm thiểu những vấn nạn xã hội
Trong bối cảnh giao lưu hội nhập toàn cầu, nền kinh tế thị trường, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, bên cạnh những điều kiện thuận lợi là những khó khăn, thách thức đang đặt ra, tác động đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, đến cuộc sống và sự phát triển toàn diện của mỗi cá nhân. Mặt trái của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa; những diễn biến phức tạp trên không gian mạng xã hội, internet cũng đã và đang gây ra những hệ lụy cho xã hội, nhất là ở vùng nông thôn với tình trạng “lũng đoạn” của nạn tín dụng đen (một hình thức tín dụng phi chính thức, có nhiều biến tướng, gây những hệ lụy xấu trong xã hội); nạn cho vay nặng lãi, huy động tiền bất hợp pháp dưới danh nghĩa của chơi phường, họ, hụi, xuất hiện dày đặc trên các trang điện tử, tài khoản cá nhân và các tờ rơi, quảng cáo rao vặt ở các không gian công cộng.
Trước thực trạng đó, việc thực thi hiệu quả tín dụng chính sách xã hội tại nhiều tỉnh, thành phố đã góp phần gia tăng cơ hội được tiếp cận, vay vốn của người lao động có hoàn cảnh khó khăn. Với những chính sách ưu đãi về lãi suất, thời hạn cho vay, thủ tục đơn giản, mạng lưới Tổ tiết kiệm và vay vốn phân bố rộng khắp đến các thôn, ấp, bản, làng trên cả nước đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân về tín dụng, ngân hàng; giúp người dân nhận diện và thấy được những hậu quả khôn lường của nạn tín dụng đen, từ đó cùng với các cấp chính quyền địa phương cùng chung tay gìn giữ môi trường, hoạt động tín dụng chính sách xã hội luôn trong sạch, lành mạnh, dân chủ, công khai, tận tâm, vì nhân dân phục vụ. Việc tiếp cận được với nguồn vốn của tín dụng chính sách xã hội sẽ tạo niềm tin, sự yên tâm của người dân, giúp họ vơi đi những lo âu trước mắt, ổn định cuộc sống và tìm sinh kế mới.
Hơn 20 năm xây dựng và phát triển, NHCSXH đã trở thành địa chỉ tin cậy của người nghèo và những đối tượng chính sách. Việc trao gửi những đồng tiền vốn với hy vọng mang lại “những cần câu mới” để người dân có điểm tựa, sức mạnh, niềm tin, từ đó không ngừng lao động, sáng tạo, hướng đến cuộc sống mới ngày càng đủ đầy, no ấm, được các thế hệ cán bộ NHCSXH kiên trì thực hiện với giá trị cốt lõi: Điểm tựa tin cậy, chung tay giảm nghèo/Thủ tục đơn giản, dân chủ, công khai/Ủy thác từng phần, an toàn, hiệu quả/Đoàn kết, hợp tác, trách nhiệm xã hội. Cùng khẩu hiệu hành động “Thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ”.
TS. Nguyễn Huy Phòng
Các tin bài khác
- » Tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù
- » Đột phá từ một Chỉ thị (Bài 1: Trụ cột giảm nghèo bền vững)
- » Nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương góp phần quan trọng để thực hiện TDCSXH trên địa bàn Hà Nội
- » Hỗ trợ đoàn viên thanh niên phát triển kinh tế gia đình
- » Tín dụng chính sách tiếp sức hộ nghèo
- » Đồng hành cùng sinh viên trên giảng đường đại học
- » Tiếp sức cho HSSV nghèo tại huyện miền núi Hương Sơn
- » Nguồn vốn tín dụng chính sách nâng bước HSSV nghèo đến trường
- » Tín dụng chính sách xã hội là cầu nối thiết thực, hiệu quả, đảm bảo an sinh xã hội
- » Vốn chính sách trao cơ hội thoát nghèo cho đồng bào DTTS miền núi