Chính sách tín dụng nhân văn đối với người hoàn lương

25/10/2023
(VBSP News) Thực hiện Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về triển khai chính sách tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù (Quyết định 22) có hiệu lực, chi nhánh NHCSXH tỉnh Phú Yên đã giải ngân vốn chương trình này cho các đối tượng thụ hưởng có nhu cầu. Nguồn vốn tín dụng chính sách tạo điều kiện cho những người hoàn lương có cơ hội học nghề, sản xuất kinh doanh, tạo lập cuộc sống, hạn chế tình trạng vi phạm pháp luật, đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương.
vay-von

Cán bộ NHCSXH huyện Sơn Hòa (trái) thông tin cho vợ chồng anh Phạm Văn Ánh thôn Nguyên Xuân, xã Sơn Nguyên, huyện Sơn Hòa về chương trình tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù

Tu chí làm ăn
Đang làm thuê ở tỉnh Gia Lai, nghe thông tin gia đình mình được xét duyệt vay vốn chương trình tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù, anh Phạm Văn Ánh ở thôn Nguyên Xuân, xã Sơn Nguyên, huyện Sơn Hòa nghỉ vài ngày để về quê hoàn thành thủ tục. Người đứng tên vay vốn là vợ anh - chị Lê Thị Kim Dung. Ngày NHCSXH huyện Sơn Hòa giải ngân vốn, anh Ánh cùng chị Dung đến nhận tiền. Với 50 triệu đồng trong tay, vợ chồng anh dự định mua keo giống về trồng và mua phân bón mía.
Theo anh Ánh, cách đây mấy năm, vì một lần nông nổi, anh đã gây thương tích cho người khác và phải chịu án phạt tù 3 năm. Cải tạo tốt, anh được trả tự do sớm. “Trong thời gian tôi đi tù, vợ một mình nuôi con nhỏ, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Tôi không muốn cảnh này lặp lại nên quyết tâm tu chí làm ăn. Ngoài trồng mía, trồng keo, tôi còn cố gắng đi làm thuê kiếm tiền nuôi con. Giờ được Nhà nước cho vay vốn, chúng tôi sẽ không phải chật vật xoay tiền đầu tư chăm sóc cây trồng. Tôi hy vọng mía, keo phát triển tốt để gia đình có thu nhập, có tiền trả nợ ngân hàng”, anh Ánh chia sẻ.
Gia đình anh Lê Đình Hổ ở thôn Phú Sen Tây, xã Hòa Định Tây, huyện Phú Hòa cũng vừa được NHCSXH huyện Phú Hòa giải ngân 70 triệu đồng vốn vay từ chương trình tín dụng đối với chấp hành xong án phạt tù. Sau khi mãn hạn tù, anh Hổ đi làm thuê, vợ anh phải ở nhà nuôi 3 con nhỏ nên kinh tế gia đình khá chật vật. Chị Nguyễn Thị Thu Hằng - vợ anh Lê Đình Hổ cho biết: “Chồng tôi chấp hành xong án phạt tù, trở về địa phương vào cuối năm 2022. Mới đây, được Hội Nông dân xã tuyên truyền về chương trình cho vay theo Quyết định 22, vợ chồng bàn nhau vay vốn NHCSXH mua bò về nuôi. Mong muốn lớn nhất của gia đình là có vốn để sản xuất, bây giờ điều đó đã thành hiện thực. Nguồn vốn này lãi suất thấp nên rất hữu ích và thuận lợi cho chúng tôi”.
Phối hợp tuyên truyền đến các đối tượng thụ hưởng
Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Phú Yên Hồ Văn Thục cho biết: Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm giúp người chấp hành xong án phạt tù ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng. Tuy nhiên, một bộ phận người chấp hành xong án phạt tù vẫn còn nhiều khó khăn do họ không thể tìm được việc làm, không có vốn để tự sản xuất, kinh doanh. Đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng tái phạm tội. Vì vậy, chính sách tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù ra đời được đánh giá là một chính sách nhân văn, tạo điều kiện giúp gia đình có người mãn hạn tù tiếp cận nguồn vốn phục vụ học nghề, sản xuất, kinh doanh, có nguồn thu nhập để ổn định cuộc sống; qua đó góp phần làm giảm tỉ lệ tội phạm, đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội.
Toàn tỉnh hiện có gần 2.000 người chấp hành xong án phạt tù về cư trú trên địa bàn. Thực hiện Quyết định 22, văn bản hướng dẫn nghiệp vụ của NHCSXH Việt Nam và chỉ đạo của UBND tỉnh, chi nhánh NHCSXH tỉnh Phú Yên đã chủ động phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, chính quyền địa phương, công an cấp xã cùng ban quản lý tổ tiết kiệm và vay vốn tiến hành rà soát, xác định đối tượng đủ điều kiện thụ hưởng chính sách có nhu cầu vay vốn. Trong vòng 10 ngày sau khi chính sách này có hiệu lực (từ ngày 10/10/2023), chi nhánh đã giải ngân cho 4 trường hợp vay với tổng dư nợ 230 triệu đồng.
Thiếu tá Nguyễn Tấn Trực - Trưởng Công an xã Sơn Nguyên, huyện Sơn Hòa cho biết: “Ngay sau khi tham gia Hội nghị trực tuyến triển khai Quyết định 22 của Thủ tướng Chính phủ do Bộ Công an tổ chức, chúng tôi đã tổ chức quán triệt đến toàn thể cán bộ, chiến sĩ trong Công an xã; đồng thời mời các đối tượng chấp hành xong án phạt tù về sinh sống ở địa phương đến tuyên truyền, phổ biến chính sách này cho họ biết. Hàng tháng, Công an xã sẽ lập danh sách các hộ đủ điều kiện vay vốn gửi NHCSXH để thẩm định, xét duyệt hồ sơ cho vay”.
Thời gian tới, chi nhánh NHCSXH tỉnh Phú Yên sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với chính quyền địa phương, công an cấp xã rà soát đối tượng và xác nhận kịp thời các trường hợp người chấp hành xong án phạt tù đủ điều kiện vay vốn. Chi nhánh cũng phối hợp các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, Tổ tiết kiệm và vay vốn tổ chức tuyên truyền đến các đối tượng thụ hưởng, họp bình xét vay vốn công khai, hướng dẫn lập hồ sơ, thủ tục vay vốn đúng quy định.
Theo Quyết định 22, người chấp hành xong án phạt tù, cơ sở sản xuất kinh doanh có sử dụng lao động là người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn từ NHCSXH để đào tạo nghề và sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm. Mức cho vay để đào tạo nghề tối đa là 4 triệu đồng/tháng/người; mức cho vay để sản xuất kinh doanh, tạo việc làm tối đa là 100 triệu đồng/người, 2 tỉ đồng/dự án và không quá 100 triệu đồng/người lao động tại cơ sở. Lãi suất cho vay bằng lãi suất cho vay đối với hộ nghèo quy định theo từng thời kỳ (hiện nay là 6,6%/năm).

Bài và ảnh Lê Hảo

Các tin bài khác