Mang lại nụ cười cho những người từng lầm lỗi
Theo giới thiệu của NHCSXH huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ an, chúng tôi về xã Tam Quang, một trong những địa phương thực hiện tốt các chương trình tín dụng ưu đãi đối với người nghèo, tạo điều kiện cho những người đã từng lầm lỗi, cải tạo ở các trại giam trong và ngoài tỉnh trở về tiếp cận với nguồn vốn, giúp họ xóa bỏ rào cản của tự ti, tái hòa nhập với cộng đồng, trở thành những công dân có ích cho gia đình và xã hội.
Chúng tôi đến thăm nhà chị La Thị Vượng, bản Sơn Hà, xã Tam Quang, một trong những người hoàn lương biết chuộc lại lỗi lầm, vượt qua khó khăn trong cuộc sống nhờ sử dụng tốt nguồn vốn vay ưu đãi của NHCSXH để vươn lên làm giàu chính đáng trên chính nơi chị đã từng “vấp ngã”. Tiếp chúng tôi trong căn nhà tương đối khang trang, chị Vượng kể: “Trước đây do bị bạn bè rủ rê nên một phút hám lợi đã dẫn tôi vào con đường lầm lỗi, 9 năm tù giam cho tội mua bán chất ma túy là quãng thời gian để tôi chiêm nghiệm lại tội lỗi của mình. Sau thời gian cải tạo tôi trở về bản với 2 bàn tay trắng và bao ánh mắt dèm pha”.
Với quyết tâm của bản thân cùng sự giúp đỡ của xã và nhất là hội phụ nữ ở bản, ngoài động viên tinh thần còn tạo điều kiện giúp chị được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đã của NHCSXH huyện. Ban đầu chị Vượng được vay 20 triệu đồng về đầu tư mua lợn giống sinh sản, cùng chồng chăm chỉ làm ăn, chỉ sau một năm đàn lợn nhà chị đã có 20 con. Khi đã có lợn giống, chị đầu tư vào nuôi lợn thịt, cứ nuôi lớn được khoảng 50-60 kg chị lại tự làm thịt ra chợ xã bán. Do nuôi bán chăn thả, nên cả lợn giống và thịt lợn nhà chị đều được khách hàng ưa chuộng. Sau 3 năm chị đã trả được cả gốc và lãi, cất được ngôi nhà tương đối khang trang. Năm 2015, khi trả hết nợ cũ, chị nhận thấy điều kiện khí hậu, sức người và đất trống của gia đình còn có thể phát triển được, chị mạnh dạn xin đăng ký với tổ Tiết kiệm và vay vốn tại bản vay thêm 30 triệu đồng từ NHCSXH huyện để đầu tư vào trồng hơn 5ha keo lai và mua thêm trâu, bò. Hiện đàn trâu, bò nhà chị luôn duy trì từ 10-15 con, còn diện tích keo hơn 7.000 cây đang trên đà phát triển xanh tốt.
Cũng giống chị Vượng, sau cú vấp ngã, chị Pay Thị Huyền ở bản Bón, xã Yên Na, huyện Tương Dương, chủ trại gà từng nức tiếng những năm 2013 trở về trước đã phải trả cái giá đắt. Lãnh án 30 tháng tù giam cho tội danh “Buôn bán người”, lát cắt bất ngờ của cuộc đời ở tuổi cập kề 30 khiến chị Huyền gục ngã, buông xuôi. Sau 28 tháng thử thách, 28 tháng day dứt, Huyền được trở về nhưng chỉ mang theo 2 bàn tay trắng và ánh mắt dò xét của bao người. Cái “vết đen” từng là tù nhân đã thách thức chị phải đối mặt với khó khăn, vượt qua mặc cảm tâm lý bị người khác xa lánh, dè bỉu. Những tưởng sẽ không thể đứng dậy, nhưng khác với chị nghĩ, khi về đến nhà được anh em, hàng xóm giúp đỡ về tinh thần, chính quyền địa phương tạo điều kiện tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH, chị bắt tay vào khôi phục lại trại gà. Ban đầu cũng gặp không ít khó khăn, do mất lòng tin, chủ cung cấp giống và nguồn thức ăn yêu cầu phải làm hợp đồng trả trước mới cho nhận. Chỉ với 20 triệu được vay từ NHCSXH huyện Tương Dương thông qua Hội phụ nữ xã, chị dồn hết vào mua giống và thức ăn ban đầu, còn chuồng, trại chị tự làm. Với kinh nghiệm tích lũy vốn có, chỉ sau một thời gian nguồn vốn đã sinh lãi, giúp chị mở rộng thêm trại gà và ổn định cuộc sống.
Giám đốc NHCSXH huyện Tương Dương, Ông Nguyễn Việt Nam, cho biết: “Để giúp cho người lầm lỡ quay về hòa nhập nhanh với cộng đồng, chúng tôi đã mạnh dạn phối hợp với chính quyền và tổ chức chính trị xã hội tại địa phương các xã rà soát nhu cầu cũng như động viên những công dân này tiếp cận nguồn vốn vay. Hiện nay, NHCSXH huyện đang cho vay hơn 10 hộ là những người đã từng lầm lỗi trở về và họ đều đang làm kinh tế rất tốt, trả nợ, trả lãi đầy đủ”.
Để thực hiện tốt vai trò là điểm tựa cho người nghèo và các đối tượng chính sách, đặc biệt là những người lầm lỗi, cùng với sự vận dụng linh hoạt nguồn vốn từ Trung ương phân bổ, nguồn vốn nhận ủy thác từ tỉnh đến huyện, NHCSXH Tương Dương cũng tích cực huy động tiết kiệm từ các tổ viên Tổ tiết kiệm và vay vốn để đảm bảo cung ứng đủ nguồn vốn cho người vay. Ngoài ra Ngân hàng còn chú trọng công tác đào tạo, tập huấn nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ, thực hiện tốt việc xã hội hóa hoạt động tín dụng chính sách cho vay theo phương thức trực tiếp có ủy thác một số nội dung công việc cho các tổ chức hội, đoàn thể. Đồng thời để quản lý và giám sát nguồn vốn vay đúng mục đích và mang lại hiệu quả, ngân hàng đã phối hợp chặt chẽ với xã, tổ tiết kiệm và vay vốn, kiên quyết xử lý những đối tượng sử dụng sai mục đích. Nhờ đó, suốt những năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách đã luôn phát huy được hiệu quả cao, không chỉ góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện miền núi Tương Dương mà còn giúp những người đã từng “sa chân vào con đường lầm lỗi” xóa bỏ mọi định kiến trong xã hội, giúp họ vươn lên, có cuộc sống ổn định, làm giàu chính đáng tại nơi chính nơi họ từng “vấp ngã”.
Bài và ảnh May Huyền
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Hành trình 15 năm đồng hành cùng người nghèo Tuyên Quang
- » Các chính sách tín dụng ưu đãi đã thực sự đi vào cuộc sống
- » Chắp cánh giấc mơ miền biển
- » Gần 65 nghìn hộ ở Long An vay vốn chính sách thoát nghèo
- » Tọa đàm trực tuyến về Hoạt động ủy thác vốn tín dụng chính sách - Cánh tay nối dài trong hành trình đưa vốn đến với người nghèo
- » Bản Vịn “đuổi nghèo”
- » An cư từ những đồng vốn nghĩa tình
- » Giúp thanh niên Chư Sê lập nghiệp
- » Dân chủ và công khai trong tín dụng chính sách ở Quỳnh Phụ
- » Đô Lương tập trung nguồn lực đầu tư thoát nghèo bền vững