Đô Lương tập trung nguồn lực đầu tư thoát nghèo bền vững

29/08/2017
(VBSP News) Đô Lương là huyện nằm ở trung tâm của tỉnh Nghệ An có lợi thế phát triển nông, lâm, công nghiệp. Chính vì vậy, một trong những giải pháp được cấp uỷ, chính quyền nơi đây đẩy mạnh việc đầu tư nguồn lực, kỹ thuật, trong đó chú trọng việc cho vay vốn, hướng dẫn người dân sử dụng vốn tín dụng chính sách hiệu quả nhằm tạo sự chuyển biến tích cực trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển mô hình kinh tế trang trại, gia trại đảm bảo ổn định đời sống nhân dân.
Người nghèo ở xã Thịnh Sơn, huyện Đô Lương nhận vốn vay ngay tại Điểm giao dịch xã

Người nghèo ở xã Thịnh Sơn, huyện Đô Lương nhận vốn vay ngay tại Điểm giao dịch xã

Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là hộ nghèo được tiếp cận kịp thời, thuận lợi các dịch vụ của NHCSXH nên sản xuất nông, lâm nghiệp trên địa bàn Đô Lương phát triển toàn diện; từng bước thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới đạt hiệu quả, thu nhập bình quân đầu người năm 2016 tăng 1,58% lần so với năm 2011. Đến nay tất cả 33 đơn vị hành chính cấp xã trong huyện có 549 mô hình sinh kế như mô hình chăn nuôi dê, chăn nuôi trâu bò sinh sản, mô hình kinh tế đồi rừng, vườn rừng, mô hình ngành nghề thủ công như sản xuất gạch táp lô, xưởng rèn mộc, trồng nấm, mây tre đan…

Thông qua nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã có hàng nghìn hộ dân trên địa bàn huyện Đô Lương có điều kiện chủ động phát triển SXKD, vươn lên thoát nghèo. Tính đến nay tổng dư nợ của NHCSXH huyện Đô Lương đạt trên 355 tỷ đồng, tăng 8,6 tỷ đồng so với đầu năm, tốc độ tăng 2,5%; nợ quá hạn chỉ còn 374 triệu đồng, 18/33 xã không có nợ quá hạn.

Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2017, doanh số cho vay của NHCSXH huyện Đô Lương đạt 86 tỷ đồng. Các chương trình cho vay được ngân hàng tập trung vào hộ nghèo, hộ cận nghèo và nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, đồng vốn ưu đãi đã nhanh chóng đến được các đối tượng và được sử dụng đúng mục đích, đạt hiệu quả rõ rệt thông qua mạng lưới 33 Điểm giao dịch xã cùng hệ thống 406 Tổ tiết kiệm và vay vốn ở thôn, xóm, cụm dân cư.

Chị Tạ Thị Hải ở xã Tịnh Sơn vay 50 triệu đồng mua máy móc và nguyên vật liệu sản xuất gạch

Chị Tạ Thị Hải ở xã Thịnh Sơn vay 50 triệu đồng mua máy móc và nguyên vật liệu sản xuất gạch

Đơn cử như gia đình chị Tạ Thị Hải ở thôn 14, xã Thịnh Sơn sử dụng 50 triệu đồng vay từ nguồn vốn hộ cận nghèo về đầu tư mở xưởng làm gạch không nung. Hiện tại cơ sở sản xuất của chị tạo công ăn việc làm cho 5 lao động, bình quân mỗi tháng cung ứng cho nhu cầu xây dựng trong xã khoảng 10 nghìn viên gạch.

Còn gia đình ông Hoàng Hữu Vân ở xóm 3, giáo xứ Đà Sơn, huyện Đô Lương được nhiều người biết đến bởi gia đình ông là một trong những hộ giáo dân nghèo sử dụng đồng vốn ưu đãi nuôi gà giống, gà thịt và chăm lo con cái học giỏi, thành đạt. Cả 4 cô con gái đều đỗ vào các trường đại học, hiện 3 người đã ra trường và có việc làm ổn định, người con út đang học năm thứ 2 Học viện Tài chính Hà Nội. Được biết thời gian qua, gia đình ông đã vay vốn ưu đãi chương trình hộ nghèo và HSSV với tổng số tiền là 155 triệu đồng. Cách đây hơn một tháng, gia đình ông đã hoàn trả hết nợ. Theo bà Nguyễn Thị Hải, vợ ông Vân nếu Nhà nước không cho vay, gia đình tôi không biết xoay sở ra sao bởi hoàn cảnh rất khó khăn, lấy đâu tiền nuôi 4 đứa con học đại học.

Ông Hoàng Hữu Vân đang giới thiệu thành tích học tập của con mình

Ông Hoàng Hữu Vân đang giới thiệu thành tích học tập của con mình

Rõ ràng, việc vay và sử dụng đồng vốn ưu đãi của bà con nhân dân huyện Đô Lương nói chung, đồng bào công giáo nói riêng đã góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo, từng bước ổn định, nâng cao cuộc sống.

Bên cạnh việc tổ chức thực hiện hiệu quả các chương trình cho vay ưu đãi, NHCSXH huyện Đô Lương đã tích cực huy động sự vào cuộc tích cực của các cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể các cấp từ huyện đến xã trên địa bàn để bổ sung nguồn vốn hoạt động và thực hiện giải ngân nhanh chóng. Theo đó, UBND huyện đã ưu tiên 500 triệu đồng ngân sách địa phương để bổ sung vào nguồn vốn cho vay người nghèo và giải quyết việc làm. Từ đầu năm 2017 đến nay, còn 9 đơn vị ký hợp đồng quy chế phối hợp và chuyển về ngân hàng 171 triệu đồng, nâng tổng số tiền huy động từ ngân sách huyện và xã lên 671 triệu đồng. Việc làm này mang một ý nghĩa sâu sắc, lớn lao cả về mặt chính trị và kinh tế, thể hiện sự ủng hộ quan tâm công tác giảm nghèo của địa phương, còn ý nghĩa về mặt chính trị, xã hội là thể hiện trách nhiệm của các cấp ngành cùng chung tay vì người nghèo.

Có thể khẳng định, nhờ nguồn vốn ưu đãi từ NHCSXH cùng sự đầu tư đúng hướng nên các hộ nghèo, các đối tượng chính sách của huyện Đô Lương đã phát huy tác dụng nguồn vốn vay, vươn lên phát triển kinh tế, góp phần giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới.

Bài và ảnh Ngọc Đông

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác