Chuyển động vùng đất ba zan Cam Lộ
Gặp Chủ tịch UBND xã Cam Tuyền Hoàng Liên Sơn, ông hồ hởi cho biết: “Những năm qua, công tác giảm nghèo ở vùng đất gò đồi Cam Tuyền được xã hội hóa, trở thành phong trào sâu rộng trong tất cả 12 thôn bản, huy động sức mạnh tổng hợp từ các ngành, các cấp và mọi người dân tham gia, trong đó đáng kể đến là các chương trình tín dụng ưu đãi của NHCSXH có tác dụng thiết thực, mở ra cơ hội cho người nghèo và các đối tượng chính sách trong toàn xã có vốn phát triển sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống”.
Để nguồn vốn tín dụng ưu đãi phát huy hiệu quả, Ban chỉ đạo giảm nghèo của xã đã phát huy tinh thần trách nhiệm, nêu cao vai trò trong việc phối hợp với NHCSXH, tổ chức điều tra xác định thực trạng hộ nghèo, tổng hợp và lập danh sách hộ nghèo một cách chính xác, công khai trước khi cấp giấy chứng nhận hộ nghèo. Đây là việc làm cần thiết được cập nhật thường xuyên, đầy đủ làm cơ sở cho việc xây dựng kế hoạch và thực hiện giải pháp giúp đỡ người dân tiếp cận với chính sách tín dụng ưu đãi tốt hơn.
Theo số liệu thống kê trên địa bàn xã Cam Tuyền cho thấy, mỗi năm bình quân có trên 200 hộ nghèo, hộ cận nghèo được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi kịp thời vào vụ SXKD. Tính đến nay, trong tổng dư nợ 18 tỷ đồng trên toàn xã thì số tiền được người vay đầu tư nhiều nhất vào trồng cây công nghiệp như hồ tiêu, cao su; bên cạnh đó phát triển thêm trồng rừng nguyên liệu như keo, mỡ, bạch đàn,…
“Chủ trương của xã là khuyến khích mỗi hộ đều có diện tích trồng cây cao su vài héc-ta để giảm nghèo. Mặc dù có những thời điểm giá cao su thấp hơn so với các năm trước, nhưng không có nghĩa là người dân không có lãi; bình quân mỗi ngày người trồng cao su thu nhập bình quân 200 nghìn đồng”, ông Trần Thọ Bình - Phó trưởng Ban giảm nghèo xã Cam Tuyền khẳng định.
Không chỉ có cây cao su, hồ tiêu, mô hình trồng rừng cũng đang được nhiều hộ dân vay vốn sử dụng hiệu quả trong phát triển kinh tế gia đình. Hiện Cam Tuyền có hơn 1.000ha keo mỡ các loại, hứa hẹn mang lại nguồn thu nhập lớn trong thời gian tới. Và keo là một trong ba loại cây trồng mà người dân vùng gò đồi nơi đây coi như 3 “mũi giáp công” đắc lực để “tấn công” trong cuộc chiến giảm nghèo.
Anh Lê Phước Hoàng ở thôn Lâm Lang, xã Cam Thủy là một trong những hộ nông dân tiêu biểu về sử dụng vốn vay ưu đãi. Được vay 50 triệu đồng từ NHCSXH chương trình hộ cận nghèo, ông khai phá đất hoang thành 7ha rừng keo xanh tốt, 6ha rừng cao su, nuôi đàn bò 9 con béo tốt và đạt danh hiệu nông dân SXKD giỏi.
Hay gia đình anh Thái An Khang ở thôn Bắc Bình, xã Cam Tuyền dẫn chúng tôi quanh khu vườn hồ tiêu, bưởi, cam, chanh đang vào mùa kết trái trĩu cành, anh Khang kể: “Trước năm 2010, từ thành cổ Quảng Trị lên Cam Lộ lập nghiệp, kinh tế gia đình khó khăn đủ bề, quanh năm đi làm thuê, lo ăn từng bữa. Năm 2010, anh gia nhập Tổ tiết kiệm và vay vốn của Đoàn Thanh niên, tại đây gia đình anh được bình xét và tiếp cận vốn ưu đãi qua chương trình hộ nghèo, vợ chồng anh bắt tay vào cải tạo vườn tạp, mua cây giống chọn lọc, xây trụ cho hồ tiêu leo. Bốn năm sau, vườn cây cho quả đầu mùa, bán được giá, anh xin vay vốn tiếp 50 triệu đồng đầu tư trồng bưởi giống da xanh và cam Vinh với diện tích 1ha. Đất chẳng phụ công người, nhờ có nguồn vốn vay từ NHCSXH làm điểm tựa cùng sự cần cù lao động, vườn cây của anh cho thu nhập trên 300 triệu đồng/năm, đồng thời tạo việc làm thường xuyên cho 05 lao động trong thôn với mức thu nhập từ 3,5 triệu đồng/người/tháng.
Phải khẳng định rằng, những mô hình kinh tế vườn đồi, cộng thêm việc chăn nuôi gia súc, gia cầm, cuộc sống người dân vùng gò đồi Cam Tuyền ngày càng tốt đẹp hơn. Cả xã có 989/1.210 hộ được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước, và tỷ lệ hộ nghèo đến nay chỉ còn 5,4%.
Bí thư Huyện uỷ huyện Cam Lộ Đào Mạnh Hùng cho biết: “Cấp uỷ, chính quyền các cấp trên địa bàn đánh giá cao ý nghĩa của nguồn vốn ưu đãi cũng như ý chí, tinh thần lao động của đồng bào các dân tộc trên địa bàn. Với dư nợ tín dụng chính sách trên địa bàn huyện đạt hơn 200 tỷ đồng; hầu hết người nghèo đã và đang biết cách sử dụng đồng vốn ưu đãi của Nhà nước một cách hợp lý, hiệu quả. NHCSXH đã đóng vai trò chủ lực trong việc hỗ trợ người nghèo vươn lên làm chủ cuộc sống và góp phần tích cực làm chuyển động toàn bộ kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới trên vùng đất lửa Quảng Trị”.
Bài và ảnh Xuân Dư
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Hội thi nghiệp vụ giỏi, tài năng văn nghệ NHCSXH khu vực II thành công tốt đẹp
- » NHCSXH tỉnh An Giang đạt giải Nhất Hội thi nghiệp vụ giỏi, tài năng văn nghệ khu vực XI
- » TP Cần Thơ đạt giải Nhất Hội thi nghiệp vụ giỏi, tài năng văn nghệ khu vực X
- » Hội thi nghiệp vụ giỏi, tài năng văn nghệ khu vực V thành công tốt đẹp
- » Tưng bừng Hội thi nghiệp vụ giỏi, tài năng văn nghệ khu vực IV
- » Ấn tượng Hội thi nghiệp vụ giỏi, tài năng văn nghệ khu vực IX
- » Có thêm cơ hội để nâng cao nghiệp vụ chuyên môn và giao lưu văn hóa, văn nghệ
- » Sôi nổi Hội thi nghiệp vụ giỏi, tài năng văn nghệ khu vực VIII
- » Hội thi nghiệp vụ giỏi, tài năng văn nghệ khu vực VII thành công tốt đẹp
- » Vĩnh Phúc giành giải Nhất Hội thi nghiệp vụ, tài năng văn nghệ khu vực III