Tín dụng ưu đãi ở vùng giáp ranh đô thị

29/08/2017
(VBSP News) Huyện Văn Lâm nằm ở phía bắc của tỉnh Hưng Yên, giáp ranh với thủ đô Hà Nội, chỉ có 11 đơn vị hành chính cấp xã, diện tích nhỏ, 74,4km2, nhưng dân số đông tới 96.900 người, nhưng NHCSXH nơi đây đã tìm ra cách đi riêng biệt, phù hợp để vừa huy động tạo lập được nguồn vốn khá lớn, vừa tổ chức thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng ưu đãi của Nhà nước, phục vụ đắc lực chương trình giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát huy lợi thế về kinh tế nông, công nghiệp, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống nhân dân.
Gia đình anh Đào Minh Chuyên ở thôn Như Xuyên, thị trấn Như Quỳnh với vườn nhãn giống mới năm nay dự tính thu được tới cả trăm triệu đồng

Gia đình anh Đào Minh Chuyên ở thôn Như Xuyên, thị trấn Như Quỳnh với vườn nhãn giống mới năm nay dự tính thu được tới cả trăm triệu đồng

Cụ thể, tổng nguồn vốn hoạt động hiện nay ở huyện Văn Lâm đã tăng từ 22 tỷ đồng vào thời điểm 15 năm trước, lên 212 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn huy động tại chỗ đạt 27,5 tỷ đồng, huy động tiết kiệm thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn và Điểm giao dịch xã là 19,8 tỷ đồng, đặc biệt toàn huyện đã có quá một nửa số xã liên tục 5 năm qua không có nợ quá hạn.

Theo ông Chu Văn Chiến - Giám đốc NHCSXH Văn Lâm, kết quả hoạt động tốt của đơn vị có được là do thường xuyên bám sát các văn bản chỉ đạo của ngân hàng cấp trên, tranh thủ sự quan tâm giúp đỡ của cấp uỷ, chính quyền địa phương, chú trọng khâu phối hợp công tác với các ngành, đoàn thể, chủ động triển khai các biện pháp huy động nguồn vốn, kịp thời chuyển tải nguồn vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng. Đơn cử như vốn ưu đãi dư nợ uỷ thác qua 4 tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn đạt 190 tỷ đồng, chiếm 99,4% tổng dư nợ. Cùng với đó, việc củng cố kiện toàn chất lượng hoạt động của mạng lưới 266 Tổ tiết kiệm và vay vốn và duy trì đều đặn lịch giao dịch của NHCSXH với khách hàng ở tất cả hệ thống Điểm giao dịch xã đã giúp mang tín dụng chính sách đến các làng quê, các hộ dân một cách kịp thời để người dân chủ động SXKD, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi khôi phục mở rộng làng nghề truyền thống, tạo thêm việc làm, xây mới các công trình nước sạch, nhà vệ sinh hợp chuẩn, nâng cao cuộc sống nơi “đất chật người đông”.

Điển hình là người dân tại xã Chỉ Đạo đã sử dụng hiệu quả 22,7 tỷ đồng vay của NHCSXH huyện Văn Lâm để cải tạo thành công hơn 20ha đất trũng, đồng lúa năng suất thấp sang trồng nghệ, cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, giúp  giảm số hộ nghèo từ 10,6% năm 2012 xuống còn 5,29% tính đến tháng 6/2017. Vốn chính sách cũng giúp nâng tỷ lệ người dân có nước sạch sử dụng trong xã đạt 82% và di dời các cơ sở chế biến chì, kim loại ra khu công nghiệp, làng nghề tập trung để đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn.

Gia đình ông Đặng Văn Trản ở thôn Cát Lư là một trong những hộ thoát nghèo thành công với sự hỗ trợ của tín dụng chính sách. Bắt đầu từ khoản vay 20 triệu đồng mua giống, đầu tư trồng 1 mẫu thanh long và ao nuôi cá bống tượng, để sau 3 năm thoát hẳn nghèo, hoàn trả vốn vay cho ngân hàng. Tương tự, gia đình ông Đào Minh Chuyên ở thôn Như Xuyên, thị trấn Như Quỳnh đã nhờ nguồn vốn ưu đãi tiếp sức thâm canh vườn cây ăn quả đặc sản đạt mức thu nhập hơn 300 triệu đồng/năm.

Để nguồn vốn ưu đãi phát huy hiệu quả, ông Chu Văn Chiến cho biết, NHCSXH huyện Văn Lâm tiếp tục thực hiện cho vay uỷ thác thông qua các hội, đoàn thể, duy trì nâng cao chất lượng hoạt động các Điểm giao dịch xã, các Tổ tiết kiệm và vay vốn, lồng ghép với các chương trình dự án khuyến nông, khuyến công, chuyển giao tiến bộ KHKT, phấn đấu tăng trưởng dư nợ, giảm tỷ lệ nợ quá hạn, phục vụ đắc lực chương trình xóa nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nhân dân.

Bài và ảnh Việt Dư

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác