Diện mạo mới ở vùng quê cao nguyên Đắk Lắk

29/08/2017
(VBSP News) Phường Bình Tân, thị xã Buôn Hồ (Đắk Lắk) có đến gần 90% gia đình đồng bào theo đạo thiên chúa giáo từ các nơi đến lập nghiệp sau ngày giải phóng miền Nam, cùng một số hộ dân tộc bản địa Tây Nguyên trước đây vốn gặp nhiều khó khăn về kinh tế, nay đã có sự thay đổi nhanh chóng hứa hẹn một cuộc sống no đủ, phát triển trên mảnh đất này.
Những trụ tiêu xanh mướt của bà con thị xã Buôn Hồ luôn có sự đồng hành của đồng vốn chính sách

Những trụ tiêu xanh mướt của bà con thị xã Buôn Hồ luôn có sự đồng hành của đồng vốn chính sách

Ông Nguyễn Thanh Hải - Chủ tịch UBND phường Bình Tân cho biết: “Trước đây, bà con quê tôi chỉ trông vào buôn bán nhỏ và cấy lúa nương, củ sắn đồi, lại thiếu cả vốn liếng với kiến thức làm ăn nên cuộc sống nghèo khó lắm, nhưng từ khi triển khai dự án vay vốn chính sách, mở cuộc tiến công lên đồi phát triển cây công nghiệp như chè, cà phê, hồ tiêu, dâu tằm thì phố xá buôn làng mới khởi sắc để đến ngày nay có một diện mạo mới mẻ hoàn toàn”.

Theo ông Hải, trong tổng dư nợ 8,7 tỷ đồng của phường Bình Tân với NHCSXH thị xã Buôn Hồ thì phần lớn số tiền vay được các hộ nghèo và các gia đình đồng bào dân tộc thiểu số tập trung đầu tư lập vườn, mở đồi trồng cà phê giống mới với tổng diện tích gần 400ha. Nhờ vay vốn thuận lợi, kịp thời nên cây cà phê giống mới catimo nhanh chóng được phát triển, đem lại giá trị kinh tế cao góp phần nâng thu nhập bình quân đầu người trong phường đạt 25 triệu đồng/năm.

Bà Đoàn Thị Kim Sơn ở cụm dân cư số 2 vừa được tôn vinh là nông dân SXKD giỏi cấp tỉnh với khu đồi cà phê được trồng theo tiêu chuẩn Viet GAP vui vẻ kể: “Trước năm 2000, từ vùng biển Kim Sơn, Ninh Bình vào Tây Nguyên làm ăn, kinh tế gia đình tôi rất khó khăn, thiếu thốn trăm bề quanh năm tỉa bắp, gieo lúa nương để lo từng bữa ăn. Đến năm 2008, tôi xin gia nhập Tổ tiết kiệm và vay vốn của Hội Phụ nữ được bình xét vay 25 triệu đồng vốn ưu đãi và trồng được 0,5ha cà phê giống catimo. Ba năm sau, vườn cà phê phát triển tốt lắm, tôi lại vay thêm để trồng 2ha nữa. Đến giờ thì hết khó khăn rồi”. Được biết, hiện tại gia đình bà Sơn đã phát triển đồi cà phê lên đến 8ha, đạt thu nhập gần 300 triệu đồng/năm, giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương với mức lương khá, trang trải được cuộc sống hàng ngày và các thành viên trong gia đình.

Một ví dụ khác là gia đình anh H’Bang MLô, người dân tộc Ê Đê ở Buôn En KgoKB, một trong những hộ có hoàn cảnh khó khăn nhất phường Bình Tân, nhờ có số vốn vay 35 triệu đồng của NHCSXH, gia đình anh đã phát triển được vườn cà phê giống mới và 80 trụ hồ tiêu. Trừ chi phí, bình quân mỗi năm anh thu được một khoản lãi khá, không chỉ giúp trang trải cuộc sống, hoàn trả vốn, lãi cho ngân hàng mà còn tích luỹ để tiếp tục đầu tư chăm sóc vườn cà phê, hồ tiêu, thoát nghèo bền vững, nâng cao cuộc sống.

Chủ tịch UBND phường Bình Tân Nguyễn Thanh Hải khẳng định: Nhờ có vốn vay của NHCSXH mà nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn đã vươn lên thoát nghèo bền vững; sản phẩm cà phê giống mới nơi đây đã có thương hiệu, được khách hàng trong, ngoài nước ưa chuộng, đặc biệt góp phần đẩy nhanh việc thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh trên cao nguyên Đắk Lắk.

Bài và ảnh Thanh An

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác