Bản Vịn “đuổi nghèo”

31/08/2017
(VBSP News) Từ thị trấn Thường Xuân (Thanh Hóa) phải đi 60km mới đến được trung tâm Bát Mọt - xã biên giới xa xôi và khó khăn nhất của huyện. Bản Vịn còn cách đó chừng hơn 20km đường rừng...

Tín dụng chính sách đã và đang giúp người nghèo ở bản Vịn nói riêng và toàn tỉnh Thanh Hóa nói chung vươn lên thoát nghèo

Tín dụng chính sách đã và đang giúp người nghèo ở bản Vịn nói riêng và toàn tỉnh Thanh Hóa nói chung vươn lên thoát nghèo

Những “con bò chính sách”

Trời đã quá trưa, nắng như đổ lửa kèm thêm chút gió Lào khiến thời tiết càng thêm khắc nghiệt. Đường đến bản Vịn lúc ghồ ghề sỏi đá, khi dốc đứng cheo leo, chỗ lại như những rãnh cày - dấu tích của trận mưa đêm. Phải mất hơn 2h đồng hồ, vừa đi vừa đẩy chiếc xe máy cà tàng, chúng tôi mới có mặt tại bản. Trưởng bản Vịn, Lang Hồng Tuyên vừa nhìn thấy chúng tôi đã nói: “Đến được bản Vịn mới coi như đến Bát Mọt”.

Mồ hôi chưa kịp ráo, chúng tôi theo chân Trưởng bản băng qua một quả đồi để lên thăm trang trại của gia đình ông Lang Văn Thắng. Trên đường đi, ông Tuyên chỉ cho chúng tôi một khu đất rộng đã được quy hoạch làm nơi chăn thả gia súc tập trung của cả bản. Bản Vịn bây giờ có nhiều trâu, bò, ông Tuyên nhẩm tính, khoảng hơn 800 con và đang tăng không ngừng. Từ khi được thụ hưởng chính sách hỗ trợ nguồn vốn vay để phát triển sản xuất cho các hộ nghèo, vùng DTTS, hàng chục hộ dân ở bản Vịn đã mạnh dạn vay vốn mua 1 - 2 con bò, bây giờ phát triển đàn từ hơn chục con trở lên. Cũng từ đó, số hộ nghèo ở bản Vịn giảm đáng kể, hiện chỉ còn chưa đến 30/174 hộ nghèo.

Câu chuyện về những “con bò chính sách” như khiến quãng đường đến nhà ông Lang Văn Thắng gần hơn. Ngoài căn nhà sàn kiên cố đầy đủ tiện nghi ở sát khu vực nhà văn hóa của bản, thì nơi chúng tôi đến được xem như ngôi nhà thứ hai của gia đình ông. Thực chất, đây là nơi làm kinh tế của ông kể từ sau khi vay vốn NHCSXH. Chỉ tay về phía đàn bò đang thong dong gặm cỏ, ông Thắng kể: “Nhờ 10 triệu đồng vay của NHCSXH, tôi mua được một con bò, nay đàn bò của tôi đã có 10 con. Hết hạn, tôi trả được tiền cho ngân hàng sau đó vay tiếp 50 triệu đồng, cùng số vốn tích lũy được, tôi mua thêm trâu, gà từ bên Lào. Giờ đàn gà của tôi hàng trăm con, trâu bò cũng được 20 con rồi”.

Không chỉ chăn thả gia súc, số tiền lợi nhuận hàng năm ông Thắng còn dùng để đầu tư đào ao thả cá, làm đường ống dẫn nước để canh tác lúa trên nương, trồng thêm chuối lấy thức ăn chăn nuôi và cung cấp lương thực cho gia đình. Giờ đây, gia đình ông Thắng đã có cuộc sống no đủ, thu nhập hơn trăm triệu đồng/năm. “Đảng, Nhà nước quan tâm cho chính sách vay vốn để bà con người Thái ở bản Vịn chúng tôi sản xuất, làm cho đồng tiền sinh lợi chứ không phụ thuộc vào cứu trợ như ngày xưa nữa. Vợ chồng tôi mong muốn được vay nhiều hơn để mở rộng sản xuất, có nhiều hàng hóa để bán. Khi đường lên bản Vịn được đầu tư, tôi sẽ sắm “xe bốn bánh” để chở hàng về xuôi”, ông Thắng nói.

Sẽ là bản đầu tiên về đích nông thôn mới

Ông Thắng vừa dứt lời thì tiếng cười của những người có mặt vang lên giòn giã. Trưởng bản Lang Hồng Tuyên tranh thủ khoe thêm một số hộ dân đã thoát nghèo nhờ sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả. Đó là gia đình các ông Vi Hồng Khanh, Vi Đình Huyến, Lang Thanh Sơn… hiện sở hữu đàn gia súc từ 15 - 20 con với mức thu nhập mỗi năm đạt từ 70 - 80 triệu đồng. Bởi thế, bản Vịn bây giờ khác xưa nhiều, đời sống người dân được nâng lên rõ rệt.

Tiếng mõ đã lác đác đâu đó, đàn gia súc từ trên rừng đang thong thả trở về. Chúng chia tay ông Thắng, lại băng rừng gần 1h đồng hồ, về đến đầu bản trời cũng nhá nhem. Từ xa, ánh điện đã bắt đầu sáng lên trong những căn nhà sàn kiên cố, có cả tiếng ti vi, tiếng reo hò của lũ trẻ. Từ khi được Nhà nước đầu tư lưới điện, dân bản Vịn được nắm bắt thông tin, hiểu về tình hình chính trị trong nước và thế giới, thêm hiểu và tin tưởng vào đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Không chỉ vậy, trên ti vi có nhiều chương trình khuyến nông, dạy nông dân cách làm ăn, giới thiệu những mô hình sản xuất hiệu quả để bà con học tập.

Tối đó, chúng tôi ở lại nhà Trưởng bản, được nghe ông kể rất nhiều chuyện về những tháng ngày gian khó của gia đình và người dân ở nơi vốn là “thâm sơn cùng cốc”. Cứ hết ngày là cả bản chìm trong bóng đêm mù mịt. Nhà nào có đèn dầu cũng thi thoảng mới dám thắp, vì muốn mua được dầu phải đi bộ xuống trung tâm xã mất cả ngày đường. Nhà không có đèn dầu thì đi rừng kiếm sáp ong về nặn làm nến. Số người biết chữ chỉ đếm trên đầu ngón tay. Dân bản nghèo đến mức cơm không có để ăn chứ nói gì đến chuyện học.

Ngày bản Vịn được đầu tư lưới điện, điện kéo về nhà ông Trưởng bản đầu tiên, ông mổ hẳn một con bò để khao làng và cả mấy chú thợ điện. Những năm sau đó, nhờ có điện, trình độ dân trí ngày một được nâng cao. Các công trình thiết yếu như đường sá, điểm trường, điểm khám chữa bệnh, công trình nước sạch… được đầu tư. Con trẻ trong bản được đến trường, người dân hiểu biết hơn và biết sử dụng nguồn vốn vay của NHCSXH để phát triển chăn nuôi, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. Bản Vịn tới đây sẽ là bản đầu tiên về đích nông thôn mới của xã Bát Mọt.

Thực hiện chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững theo tinh thần Nghị quyết 09 của BCH Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo nhanh và bền vững ở các huyện miền núi đến năm 2020”, huyện Thường Xuân đã lồng ghép hiệu quả nhiều chương trình, dự án lớn về giảm nghèo như 135, Nghị quyết 30a… Nghèo đói đã dần được đẩy lùi, đời sống người dân ngày càng được nâng lên.

Trưởng bản Vịn Lang Hồng Tuyên cho biết, trước đây, bản Vịn luôn trong tình trạng thiếu đói. Mỗi năm không biết bao nhiêu lượt gạo cứu trợ của Nhà nước nhưng đói vẫn hoàn đói. Từ khi Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, lưới điện và hỗ trợ vốn vay, dân bản Vịn đã có cuộc sống no đủ, biết tự làm ăn, không phải trông chờ vào cứu trợ của Nhà nước nữa.

Bài và ảnh Thái Bình

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác