Tọa đàm trực tuyến về Hoạt động ủy thác vốn tín dụng chính sách - Cánh tay nối dài trong hành trình đưa vốn đến với người nghèo
Trong suốt cuộc hành trình 15 năm hoạt động tín dụng chính sách, phương thức ủy thác một số nội dung công việc qua các hội, đoàn thể đã góp phần thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng ưu đãi của Chính phủ, nguồn vốn tín dụng chính sách được giải ngân nhanh chóng, kịp thời, đến đúng đối tượng thụ hưởng; giúp hàng triệu người nghèo và các đối tượng chính sách có vốn SXKD, tạo thêm được việc làm, tăng thêm thu nhập, cải thiện và dần ổn định cuộc sống. Thông qua việc thực hiện dịch vụ ủy thác, các hội, đoàn thể có điều kiện củng cố tổ chức và thu hút hội viên; tham gia giám sát đảm bảo chính sách tín dụng được thực hiện công khai, minh bạch, nâng cao hiệu quả trong sử dụng nguồn lực của Nhà nước cho mục tiêu giảm nghèo…
Tính đến hết tháng 7/2017, 4 tổ chức chính trị - xã hội đang quản lý trên 187.151 Tổ tiết kiệm và vay vốn với tổng dư nợ nhận ủy thác của NHCSXH đạt trên 163.986 tỷ đồng.
Bên cạnh việc phối hợp tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng, tổ chức chính trị - xã hội đã động viên hội viên dành dụm chi tiêu, hăng hái thực hành tiết kiệm được 6.107 tỷ đồng để bổ sung nguồn vốn cho vay tại NHCSXH. Đồng thời, thường xuyên củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động Tổ tiết kiệm và vay vốn với số tổ có chất lượng hoạt động khá, tốt chiếm trên 96%.
Nhìn lại chặng đường 15 năm hoạt động ủy thác vốn tín dụng chính sách, NHCSXH vừa phối hợp với Báo Thanh niên tổ chức buổi tọa đàm trực tuyến: “Hoạt động ủy thác vốn tín dụng chính sách - Cánh tay nối dài trong hành trình đưa vốn đến với người nghèo”. Các khách mời tham gia buổi tọa đàm trực tuyến gồm có ông Nguyễn Xuân Thắng - Trưởng Ban điều hành Quỹ Hỗ trợ nông dân, TW Hội Nông dân Việt Nam; bà Hồ Lan Hương - Phó Giám đốc Ban Tín dụng Người nghèo NHCSXH; ông Lê Ngọc Khánh - Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển thanh niên nông thôn,TW Đoàn TNCS HCM và bà Bùi Lan Anh - Trưởng phòng Giảm nghèo Ban Kinh tế - TW Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.
Sau đây là nội dung buổi tọa đàm trực tuyến được phóng viên VBSP ghi lại:
Bạn đọc Thanh Thảo (Tuyên Quang) hỏi: 15 năm qua, nguồn vốn vay ưu đãi đã giúp cho hàng triệu lượt người nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn sản xuất có thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo bền vững. Xin ông/bà đại diện các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác vốn tín dụng chính sách cho biết kết quả nổi bật của sự phối hợp giữa NHCSXH với các hội, đoàn thể?
Trưởng Ban điều hành Quỹ Hỗ trợ nông dân - TW Hội Nông dân Việt Nam, Nguyễn Xuân Thắng: 15 năm qua, các cấp Hội Nông dân luôn sát cánh cùng NHCSXH, có nhiều nỗ lực, lãnh đạo, chỉ đạo, đưa ra các giải pháp thiết thực nhằm hiện tốt các yêu cầu, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước tin tưởng giao phó. Cụ thể về một số mặt như sau:
Về dư nợ cho vay, liên tục tăng về khối lượng tín dụng và các chương trình tín dụng. Đến hết tháng 7, Hội Nông dân đang quản lý 60.633 Tổ tiết kiệm và vay vốn, với trên 2,1 triệu hội viên nông dân. Dư nợ của 23 chương trình tín dụng, chính sách ủy thác qua hội đạt 52.850 tỉ đồng, tăng hơn 12 lần so với tháng cuối năm 2003, chiếm tỷ trọng gần 33% dư nợ của NHCSXH ủy thác cho các tổ chức chính trị xã hội.
Về huy động tiền gửi tiết kiệm của các thành viên Tổ tiết kiệm và vay vốn, đến nay, tỷ lệ thành viên tham gia gửi tiết kiệm do hội quản lý đạt hơn 99%, so với số dư tiền gửi tiết kiệm tự nguyện đạt hơn 1.800 tỉ đồng, bình quân số dư tiền gửi tiết kiệm của mỗi tổ đạt gần 30 triệu đồng.
Nợ quá hạn tại thời điểm cuối năm 2004 chiếm đến hơn 13% tổng dư nợ, nhưng đến nay, tỷ lệ nợ quá hạn chỉ còn 0,38% tổng dư nợ. Tỷ lệ thu lãi đạt trên 90%. Đây là những con số nhiều ngân hàng mơ ước, phản ánh chất lượng tín dụng ủy thác qua hội tốt.
Về hoạt động Tổ tiết kiệm và vay vốn, các cấp hội thường xuyên coi trọng công tác xây dựng, củng cố và kiện toàn tổ chức, hoạt động tổ. Vì vậy, chất lượng hoạt động của các tổ do hội quản lý ngày một nâng lên. Đến hết tháng 7, số Tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động tốt và khá đạt tỷ lệ trên 95%.
Ngoài ra, một số kết quả về các nội dung khác như tuyên truyền, tập huấn, công tác kiểm tra, giám sát, hàng năm các cấp hội luôn chú trọng thực hiện để phổ biến tuyên truyền các chủ trương, chính sách mới đến cán bộ, hội viên, thành viên vay vốn, tập huấn cho trên 300.000 lượt hội cán bộ các cấp và ban quản lý tổ; thực hiện hàng chục nghìn cuộc kiểm tra, giám sát về hoạt động ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển thanh niên nông thôn TW Đoàn, Lê Ngọc Khánh: Đánh giá trong 15 năm qua, TW Đoàn và NHCSXH đã phối hợp tổ chức thực hiện chương trình liên tịch đã ký kết, nhằm giúp người nghèo, đối tượng chính sách, trong đó có thanh niên nghèo, được vay vốn từ NHCSXH. Đến nay, dư nợ đã đạt 20.721 tỉ đồng.
Theo số liệu thống kê, các hộ dưới 30 tuổi (thanh niên) chiếm dư nợ khoảng 34.000 - 35.000 tỉ đồng, chiếm khoảng 20% tỷ lệ dư nợ trong toàn hệ thống.
Có thể nói, hoạt động phối hợp giữa hai bên đã chuyển tải nguồn vốn ưu đãi giúp thanh niên nghèo, hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác thoát nghèo, xây dựng các công trình hỗ trợ cho cuộc sống của người nghèo tốt hơn. Ngoài ra, còn giúp hàng ngàn thanh niên có việc làm, có thêm thu nhập và tạo thêm việc làm cho các đối tượng khác, góp phần hỗ trợ giảm nghèo theo Chương trình Quốc gia giảm nghèo của Chính phủ.
Thông qua chương trình hoạt động liên tịch, thanh niên có thêm kiến thức về quản lý kinh tế, kiến thức về hướng dẫn người nghèo cách làm ăn, vay vốn qua hoạt động của Tổ Tiết kiệm và vay vốn; đồng thời, tổ chức Đoàn các cấp cũng có thêm kinh phí cho hoạt động (từ nguồn phí ủy thác).
Trưởng phòng Giảm nghèo Ban Kinh tế TW Hội LHPN Việt Nam, Bùi Lan Anh cho biết: Là một trong những tổ chức chính trị - xã hội được Chính phủ giao nhiệm vụ đồng hành sát cánh cùng NHCSXH, 15 năm qua, thông qua hoạt động ủy thác với NHCSXH, TW Hội LHPN Việt Nam đã tạo ra phương thức kết hợp giữa đoàn thể chính trị - xã hội với ngân hàng được quốc tế đánh giá cao, phát huy lợi thế, sức mạnh của từng cơ quan, nên phụ nữ nghèo được tiếp cận với vốn của nhà nước thuận tiện, giảm tình trạng nợ cho vay nặng lãi, bảo toàn nguồn vốn của nhà nước ở mức độ cao, đóng góp tích cực vào chủ trương tăng trưởng kinh tế gắn với tiến bộ và công bằng xã hội của Đảng.
Hoạt động ủy thác của hội đã có kết quả đáng ghi nhận, với số dư nợ cao, tăng trưởng hàng năm. Tính đến 30/6, dư nợ đạt gần 65.000 tỉ đồng cho hơn 2,6 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn tại trên 71.000 Tổ tiết kiệm và vay vốn; tỷ trọng dư nợ luôn đứng ở vị trí dẫn đầu trong các tổ chức đoàn thể, nợ quá hạn luôn ở mức thấp nhất (0,33%).
Ngoài ra, các cấp hội đã huy động trên 2.000 tỉ đồng tiết kiệm từ các Tổ tiết kiệm và vay vốn do hội quản lý; chất lượng Tổ tiết kiệm và vay vốn đạt kết quả khá tốt, với 97% tổ tốt.
Bạn đọc Huy Hoàng (Nghệ An) hỏi: Đạt được những kết quả trên là do có nhiều nguyên nhân đem lại. Thưa ông Nguyễn Xuân Thắng, Trưởng Ban điều hành Quỹ Hỗ trợ nông dân, TW Hội Nông dân Việt Nam cho biết vai trò chính trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của tổ chức hội là gì?
Trưởng Ban điều hành Quỹ Hỗ trợ Nông dân TW Hội Nông dân Việt Nam, Nguyễn Xuân Thắng: Các đoàn thể chính trị - xã hội có vai trò hết sức quan trọng trong thực hiện tín dụng chính sách bởi vì: Chính các hộ vay vốn tín dụng chính sách đều là hội viên, đoàn viên sinh hoạt trong tổ chức của họ, do đó công tác lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động ủy thác được tổ chức hết sức chặt chẽ theo hệ thống từ Trung ương đến cơ sở và đến từng tổ, đội, thôn, ấp, bản làng… có sự thống nhất, nhất quán trong các cấp hội đến tận cơ sở, chi, tổ hội. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong chức năng bảo vệ, chăm lo, hỗ trợ tuyên truyền và lợi ích chính đáng của hội viên theo đặc điểm của tổ chức hội và là một trong những nội dung thi đua mạnh mẽ trong hội. Vì vậy, Ban thường vụ Hội Nông dân các cấp đã tích cực lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện tốt công tác ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác bằng việc: Xây dựng kế hoạch, giao chỉ tiêu tăng trưởng dư nợ, giảm nợ quá hạn cho các cấp hội; Thường nhật ban hành văn bản chỉ đạo về nâng cao chất lượng ủy thác cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách; Tổ chức kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động ủy thác đối với các cấp hội địa phương; Phối hợp với các cấp hội tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ hội cơ sở, cán bộ Tổ tiết kiệm và vay vốn những chính sách mới về tín dụng ưu đãi của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn mới về nghiệp vụ ủy thác của NHCSXH… chính đây là nhân tố quan trọng để có được kết quả trên đây.
Bạn đọc Thúy An ( Thái Bình) hỏi : Là một trong những đơn vị thực hiện ủy thác vốn vay ưu đãi từ NHCSXH, thời gian qua TW Hội LHPN Việt Nam đã có những giải pháp nào để nâng cao chất lượng ủy thác vốn vay?
Trưởng phòng Giảm nghèo Ban Kinh tế TW Hội LHPN Việt Nam, Bùi Lan Anh: Để góp phần cùng NHCSXH thực hiện các chính sách tín dụng mới và nâng cao chất lượng hoạt động ủy thác của các cấp hội, TW Hội LHPN Việt Nam chỉ đạo các cấp hội đẩy mạnh 5 hoạt động:
Một là, tiếp tục bám sát định hướng và các nguyên tắc trong chỉ đạo và triển khai hoạt động; chú trọng nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ hội và người vay vốn, đảm bảo thực hiện tốt các nội dung công việc được ủy thác, nâng cao chất lượng hoạt động Tổ tiết kiệm và vay vốn.
Hai là, tăng cường đầu tư các mô hình gắn kết đồng bộ giữa hỗ trợ tiếp cận tín dụng với dạy nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật, tư vấn giới thiệu việc làm, tiêu thụ sản phẩm để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn và giá trị sản phẩm, tăng thu nhập.
Ba là, duy trì phân công, bố trí cán bộ hội chuyên trách theo dõi hoạt động ủy thác ổn định ở các cấp. Nâng cao năng lực cán bộ và hiệu quả của bộ máy quản lý hoạt động ủy thác. Tiếp tục tập trung chỉ đạo, hỗ trợ các vùng khó khăn, chất lượng tín dụng yếu kém, năng lực cán bộ hạn chế.
Bốn là, tăng cường phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, cụ thể giữa các cấp Hội Phụ nữ với ngân hàng, chính quyền và các ban, ngành liên quan.
Năm là, tăng cường thực hiện chức năng giám sát phản biện xã hội của các tổ chức chính trị - xã hội, góp phần đảm bảo các chính sách an sinh xã hội của Nhà nước thực sự hỗ trợ được người nghèo và các đối tượng chính sách.
Bạn Ngọc Sương (Bình Định) hỏi: Thưa ông Nguyễn Xuân Thắng, nguồn vốn ưu đãi có ý nghĩa như thế nào trong việc giúp hội viên nông dân thoát nghèo, xây dựng cuộc sống mới ở các vùng miền trong cả nước?
Trưởng Ban điều hành Quỹ Hỗ trợ nông dân - TW Hội Nông dân Việt Nam, Nguyễn Xuân Thắng: Thực tế 15 năm qua đã khẳng định nguồn vốn ưu đãi có ý nghĩa to lớn trong việc giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác thoát nghèo, xây dựng cuộc sống mới. Bởi vì, như các bạn biết, muốn thoát nghèo, xây dựng cuộc sống mới thì yếu tố quan trọng là phải có thu nhập, mà muốn có thu nhập thì phải thực hiện SXKD, hoặc có việc làm. SXKD (trồng trọt, chăn nuôi, dịch vụ) đều phải mua giống, phân bón, thức ăn, các vật tư khác… đều cần đến tiền cả. Nếu không có sự hỗ trợ từ nhà nước, từ các đoàn thể, họ buộc phải đi vay nặng lãi, dẫn đến nhiều trường hợp trở thành bi kịch, lại càng nghèo thêm, nhất là khi gặp phải thất bát…
Hội Nông dân đã có những chương trình hỗ trợ này, từ mua phân bón, vật tư đầu vào trả chậm, hoạt động hỗ trợ vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân. Nhưng nguồn lớn nhất, quan trọng nhất, tác động to lớn nhất, hỗ trợ các hộ nghèo, hộ chính sách vẫn là nguồn vốn từ NHCSXH.
Nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH hiện nay với tổng dư nợ hơn 163.000 tỉ đồng, có mức lãi suất thấp, đang giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác khắp các vùng miền trên cả nước tiếp cận nhanh chóng, đến đúng đối tượng thụ hưởng.
Đây không chỉ là nguồn lực, mà còn là niềm tin và là động lực mạnh mẽ giúp họ vươn lên thoát nghèo… Nguồn vốn này cũng đã góp phần rất tích cực đẩy lùi bớt nạn cho vay nặng lãi ở nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số.
Bạn đọc Tuấn Khoa (Bắc Giang) hỏi: Đề nghị ông (bà) chia sẻ về công tác quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn trong việc giúp hội viên của mình sử dụng đồng vốn vay hiệu quả, đúng mục đích, thoát được nghèo?
Trưởng phòng Giảm nghèo Ban Kinh tế TW Hội LHPN Việt Nam, Bùi Lan Anh: Để quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn cũng như giúp hội viên Hội Phụ nữ sử dụng đồng vốn có hiệu quả, bên cạnh phối hợp chặt chẽ với NHCSXH trong đánh giá, xếp loại, củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn, bên cạnh đó hội còn chỉ đạo các cấp hội, đặc biệt là Hội Phụ nữ cấp xã, cử cán bộ chuyên trách theo dõi và thực hiện hoạt động ủy thác cho vay, đồng thời phải có sổ sách theo dõi, giám sát quá trình sử dụng vốn vay của từng thành viên, đôn đốc trả nợ lãi đúng hạn.
Các cấp hội thực hiện nghiêm túc việc thực hiện, kiểm tra giám sát, có kế hoạch kiểm tra định kỳ hàng năm và kiểm tra đột xuất khi cần thiết. Đặc biệt là tổ chức đối chiếu đến từng hộ vay, kết hợp với các cơ quan khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư… hướng dẫn hộ vay sử dụng vốn vay có hiệu quả và thực hiện lồng ghép các chương trình dự án tạo thêm việc làm tăng thu nhập giúp hộ vay giảm nghèo.
Tổ tiết kiệm và vay vốn duy trì sinh hoạt định kỳ theo tháng, hoặc theo quý. Nội dung sinh hoạt tập trung vào tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, các chính sách tín dụng ưu đãi, các quy định mới về quản lý và sử dụng nguồn vốn của NHCSXH, các nội dung hoạt động của hội, trao đổi kinh nghiệm làm ăn, phổ biến khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm quản lý vốn, tiết kiệm qua Tổ tiết kiệm và vay vốn; thu lãi vay các khoản vay và phương pháp giáo dục con em trong gia đình…
Kết quả, đến nay, toàn quốc có 61.819 tổ xếp loại tốt; 7.145 tổ xếp loại khá; 1.208 tổ xếp loại trung bình; 1.100 tổ xếp loại yếu. Điển hình là các tỉnh Bắc Giang, Hưng Yên, Thừa Thiên - Huế (không có tổ trung bình, yếu; tổ xếp loại tốt chiếm trên 90%).
Bạn đọc Kiều Duyên (Thừa Thiên Huế) hỏi : Để tăng cường trách nhiệm quản lý và sử dụng hiệu quả của vốn vay, tôi cho rằng NHCSXH nên có quy định trách nhiệm của tổ chức nhận uỷ thác, người vay vốn về phương án sử dụng đồng vốn, có vai trò liên kết, kết nối của tổ chức được uỷ thác đối với các Trung tâm khuyến nông, khuyến ngư hoặc các đơn vị chuyển giao KHKT để hỗ trợ tốt nhất cho người vay thay chỉ khuyến khích như hiện nay? Quan điểm của ông (bà) về vấn đề này?
Trưởng phòng Giảm nghèo Ban Kinh tế Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Bùi Lan Anh:Tôi hoàn toàn nhất trí với quan điểm trên. Hiện nay đã có quy định trách nhiệm của tổ chức nhận ủy thác thông qua văn bản thỏa thuận với NHCSXH, trong đó quy định cụ thể các nhiệm vụ của tổ chức nhận ủy thác, các mức phí nhận ủy thác khi hoàn thành nhiệm vụ, quy định trách nhiệm của từng cá nhân đối với nhiệm vụ mà mình thực hiện. Điều này căn cứ vào hợp đồng ủy thác ký kết giữa NHCSXH và từng cá nhân.
Còn trách nhiệm với người vay vốn về phương án sử dụng đồng vốn hiện cũng đã có quy định cụ thể trong hợp đồng vay vốn. Nếu người vay vốn sử dụng vốn sai mục đích phải chịu lãi suất phạt. Trong trường hợp người vay cố tình không trả nợ, chây ì, thì ngân hàng sẽ khởi kiện…
Hiện, Hội Phụ nữ bên cạnh hỗ trợ người vay vốn tiếp cận vốn tín dụng, cũng đã thực hiện kết nối với các trung tâm khuyến nông, khuyến ngư và các đơn vị khác nhằm hỗ trợ người vay vốn sử dụng nguồn vốn có hiệu quả.
Bạn đọc Huy Minh (Tây Ninh) hỏi : Hoạt động ủy thác một số công đoạn qua các tổ chức chính trị - xã hội, để nâng cao hoạt động ủy thác cho cán bộ hội ở cơ sở kiêm nhiệm làm nhiệm vụ ủy thác vay vốn, bên cạnh việc tích cực tuyên truyền về các chính sách, NHCSXH đã có những giải pháp gì để nâng cao năng lực cho cán bộ để góp phần nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách?
Phó Giám đốc Ban Tín dụng Người nghèo NHCSXH,Hồ Lan Hương: Quy trình quản lý tín dụng theo mô hình tổ Tiết kiệm và vay vốn và ủy thác một số nội dung công việc cho các tổ chức chính trị - xã hội phù hợp với đặc thù của việc cấp tín dụng chính sách. Đây là cách làm mới, cách làm sáng tạo, chưa có tiền lệ ở Việt Nam. Do đó, bên cạnh việc tích cực thông tin, tuyên truyền về các chính sách, NHCSXH đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác tham mưu cho các tổ chức Hội trong việc chỉ đạo hệ thống hội đẩy mạnh thực hiện và nâng cao chất lượng ủy thác thông qua công tác giao ban hàng tháng giữa NHCSXH và Hội cấp xã; hội cấp huyện là 2 tháng/ lần; cấp tỉnh là 3 tháng/ lần và cấp trung ương là 6 tháng / lần.
Ngoài ra, NHCSXH thường xuyên phối hợp với hội các cấp tổ chức nhiều lớp tập huấn, đào tạo nghiệp vụ ủy thác cho cán bộ Hội, đồng thời tổ chức nhiều hội thảo theo nhóm tỉnh, khu vực về chất lượng ủy thác của Hội để tìm giải pháp đẩy mạnh và nâng cao chất lượng tín dụng.
Bạn đọc Thu Thủy (Yên Bái) hỏi: Khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ là địa bàn có tỷ lệ nợ quá hạn cao hơn so với các khu vực khác trong cả nước. NHCSXH có những giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng chính sách ở các khu vực này?
Phó Giám đốc Ban Tín dụng Người nghèo NHCSXH,Hồ Lan Hương: Cảm ơn bạn đã quan tâm và đặt câu hỏi. Để nâng cao chất lượng tín dụng chính sách ở các khu vực Tây bắc, Tây nguyên, Tây Nam bộ, NHCSXH phối hợp cùng các hội, đoàn thể, chính quyền địa phương các cấp cùng xây dựng phương án, đề án củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách tại các khu vực này.
Đối với những địa bàn có tỷ lệ nợ quá hạn cao, NHCSXH xây dựng Tổ Chỉ đạo củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng để làm mẫu, làm điểm cho các địa phương khác học tập kinh nghiệm; thường xuyên quan tâm đến công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ cho các đơn vị…
Cũng xin chia sẻ thêm với bạn, trong 5 năm qua, NHCSXH T.Ư đã tăng cường, luân chuyển 66 lượt cán bộ giữ các chức danh lãnh đạo cấp tỉnh, cấp huyện hỗ trợ cho các đơn vị khu vực Tây Nam bộ. Dưới sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo các khu vực, NHCSXH phối hợp cùng các hội, đoàn thể nhận ủy thác tổ chức hội nghị sơ kết 3 năm, tổng kết 5 năm thực hiện Đề án củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách.
Theo đó, hội nghị đánh giá những kết quả, tồn tại, hạn chế về hoạt động tín dụng tại các khu vực còn yếu kém và đưa ra định hướng hoạt động, giải pháp thực hiện tín dụng chính sách xã hội trong thời gian tiếp theo.
Bạn đọc Thu Thủy (Yên Bái) hỏi: Khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ là địa bàn có tỷ lệ nợ quá hạn cao hơn so với các khu vực khác trong cả nước. NHCSXH có những giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng chính sách ở các khu vực này. Vậy vai trò của các hội, đoàn thể trong việc giảm tỷ lệ nợ quá hạn ở các khu vực này ra sao?
Trưởng Ban điều hành Quỹ Hỗ trợ nông dân Hội Nông dân Việt Nam, Nguyễn Xuân Thắng, cũng cho biết: Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ TW Hội Nông dân Việt Nam, sự phối hợp chặt chẽ của NHCSXH, sự vào cuộc mạnh mẽ của cấp ủy, chính quyền địa phương, các cấp hội nông dân vùng Tây Nam bộ, Tây bắc, Tây nguyên đã tích cực triển khai các giải pháp để củng cố nâng cao chất lượng ủy thác. Nhờ đó, những năm gần đây, tỷ lệ nợ quá hạn có những bước chuyển biến mạnh mẽ cả về chất và lượng. Cụ thể:
Thứ nhất, Ban Thường vụ TW Hội đã thành lập ban chỉ đạo, củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng ủy thác tại các tỉnh, thành hội vùng Tây Nam bộ, Tây bắc và Tây nguyên, do Phó chủ tịch Ban chấp hành TW Hội làm trưởng ban. Xây dựng kế hoạch củng cố, nâng cao chất lượng ủy thác, cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, các tỉnh, thành hội vùng Tây Nam bộ, Tây bắc và Tây nguyên giai đoạn 2012 - 2014. Tổ chức hội nghị sơ tổng kết, đánh giá chất lượng tín dụng ủy thác và thống nhất các giải pháp củng cố, nâng cao chất lượng ủy thác, cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Thứ hai, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến những chủ trương, chính sách mới của Đảng, Nhà nước về các chương trình tín dụng ưu đãi, các văn bản về nghiệp vụ đến hội viên, nông dân, làm rõ nhận thức về quyền lợi, trách nhiệm, nghĩa vụ của người vay và trả nợ cho các đối tượng được hưởng chính sách tín dụng ưu đãi của nhà nước; tuyên truyền, hướng dẫn, khuyến khích tổ viên Tổ Tiết kiệm và vay vốn tích cực tham gia gửi tiền tiết kiệm tự nguyện.
Thứ ba, chỉ đạo Hội Nông dân các cấp, nhất là cấp cơ sở, thực hiện tốt các nội dung trong văn bản thỏa thuận giữa NHCSXH với 4 tổ chức đoàn thể; nâng cao chất lượng hoạt động của Tổ Tiết kiệm và vây vốn, gia tăng dư nợ gắn với chất lượng tín dụng. Trong đó, tập trung củng cố, kiện toàn hoạt động của tổ này và Ban Quản lý tổ, theo quyết định số 15 năm 2013 của Hội đồng quản trị NHCSXH và hướng dẫn của Tổng giám đốc NHCSXH về quy chế tổ chức hoạt động của tổ Tiết kiệm và vây vốn; tổ chức đánh giá, phân loại chất lượng hoạt động; đôn đốc Tổ Tiết kiệm và vây vốn thực hiện tốt quy ước hoạt động của tổ, phân công rõ trách nhiệm thành viên trong Ban Quản lý tổ. Đồng thời, phối hợp với phòng giao dịch của NHCSXH cấp huyện chú trọng công tác bình xét, lựa chọn hộ vay vốn, bảo đảm dân chủ, công khai, đúng đối tượng. Tổ chức thực hiện, đối chiếu, phân tích, đánh giá nợ xấu, nợ lãi tồn đọng của từng hộ vay để phân loại xử lý.
Thứ tư, tăng cường kiểm tra giám sát, thực hiện ủy thác ở cơ sở, đặc biệt quan tâm đến công tác kiểm tra, giám sát hoạt động cảu Tổ Tiết kiệm và vây vốn, các hộ sử dụng vốn vay; rà soát kỹ đội ngũ tổ trưởng, Ban Quản lý tổ, kiện toàn củng cố, thay thế tổ trưởng yếu, không để xảy ra tình trạng cán bộ hội, cán bộ tổ lợi dụng nhiệm vụ chiếm dụng, xâm tiêu tiền gốc và lãi. Tích cực cùng với ngân hàng đôn đốc thu hồi nợ quá hạn và kịp thời hoàn thiện hồ sơ, đề nghị xử lý rủi ro (nếu có). Tổ chức đánh giá, phân loại chất lượng hoạt động của Tổ Tiết kiệm và vây vốn theo tiêu chí chấm điểm của NHCSXH.
Thứ năm, đẩy mạnh tập huấn cán bộ hội, cán bộ Tổ Tiết kiệm và vây vốn, gắn với tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, dạy nghề, dịch vụ tư vấn cho nông dân và cán bộ các cấp hội đang thực hiện công tác ủy thác, để giúp người nghèo và các đối tượng chính sách khác sử dụng vốn hiệu quả.
Bạn đọc Quốc Bảo (Đồng Nai) hỏi : Ngoài hiệu quả kinh tế, kênh tín dụng ưu đãi đã đóng góp gì cho phong trào tổ chức hội, thưa ông (bà)?
Trưởng Ban điều hành Quỹ Hỗ trợ nông dân Hội Nông dân Việt Nam, Nguyễn Xuân Thắng: Đối với hoạt động của tổ chức hội, kênh tín dụng ưu đãi đã mang lại hiệu quả thiết thực cho hội viên nông dân và tổ chức hội. Hội Nông dân các cấp có nguồn lực đáng kể để tổ chức các hoạt động và đi sâu, đi sát cơ sở, thiết thực chăm lo tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên, nông dân nghèo. Từ đó tạo điều kiện để tập hợp, thu hút đông đảo nông dân tham gia tổ chức hội và tuyên truyền các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các hoạt động khác của hội, góp phần củng cổ, phát triển tổ chức hội vững mạnh. Đồng thời, phát huy vai trò, trách nhiệm của hội là trung tâm và nòng cốt trong các phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới, xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam có vai trò là chủ thể trong phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thông mới.
Bạn đọc Hữu Phước (Quảng Nam) hỏi: Để nâng cao hoạt động ủy thác cho cán bộ hội ở cơ sở kiêm nhiệm làm nhiệm vụ ủy thác vay vốn, bên cạnh tích cực tuyên truyền chính sách, NHCSXH đã có những giải pháp gì để nâng cao năng lực cho cán bộ, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách?
Phó Giám đốc Ban Tín dụng Người nghèo NHCSXH,Hồ Lan Hương: Quy trình quản lý tín dụng theo mô hình Tổ Tiết kiệm và vay vốn và ủy thác một số nội dung công việc cho các tổ chức chính trị - xã hội phù hợp với đặc thù của việc cấp tín dụng chính sách. Đây là cách làm mới, cách làm sáng tạo, chưa từng có tiền lệ ở Việt Nam và trên thế giới.
Do đó, bên cạnh việc tích cực thông tin, tuyên truyền về các chính sách, NHCSXH đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội trong tham mưu cho các tổ chức hội trong việc chỉ đạo hệ thống hội đẩy mạnh thực hiện và nâng cao chất lượng ủy thác, thông qua công tác giao ban hàng tháng giữa NHCSXH và hội cấp xã; hội cấp huyện là 2 tháng/lần; cấp tỉnh là 3 tháng/lần và cấp T.Ư là 6 tháng/lần.
Ngoài ra, NHCSXH thường xuyên phối hợp với hội các cấp tổ chức nhiều lớp tập huấn, đào tạo nghiệp vụ ủy thác cho cán bộ hội, đồng thời tổ chức nhiều hội thảo theo nhóm tỉnh, khu vực về chất lượng ủy thác của hội để tìm giải pháp đẩy mạnh và nâng cao chất lượng tín dụng.
Bạn đọc Giang Quân (Vĩnh Phúc) hỏi: Trong cơ cấu nguồn vốn của NHCSXH, nguồn vốn do tiết kiệm của người nghèo và các đối tượng chính sách khác thông qua Tổ Tiết kiệm và vay vốn chiếm một phần không nhỏ. Theo tôi, số vốn này càng lớn có nghĩa là người nghèo và các đối tượng chính sách làm ăn thực sự hiệu quả, vì làm ăn hiệu quả thì mới có tiền gửi tiết kiệm. Vậy, ý nghĩa của sản phẩm giúp người nghèo là gì thưa ông (bà)?. Sự vào cuộc của các tổ chức hội như thế nào?.
Phó Giám đốc Ban Tín dụng Người nghèo NHCSXH,Hồ Lan Hương: Ý nghĩa của sản phẩm tiền gửi từ tiết kiệm của người nghèo và các đối tượng chính sách là giúp người nghèo và các đối tượng chính sách thực hành tiết kiệm hàng ngày, tạo thói quen thường xuyên để gửi hàng tháng, nhằm tích cóp, tạo nguồn hỗ trợ cho việc trả lãi, trả nợ NHCSXH và tạo lập dần vốn tự có.
Việc NHCSXH tổ chức nhận tiền gửi của tổ viên Tổ Tiết kiệm và vay vốn là một dịch vụ của NHCSXH phục vụ cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Việc làm này của NHCSXH đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ cao của cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức hội, Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn và người vay.
Tổ chức hội đã thường xuyên tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn hội viên các cách thức thực hành tiết kiệm để hàng tháng gửi những món tiền nhỏ, ban đầu chỉ là 10.000 đồng - 20.000 đồng/tháng, nay đã lên 50.000 - 60.000 đồng/tháng.
Bạn đọc Hoàng Thái (Quảng Bình) hỏi: Thưa bà Bùi Lan Anh, xin bà chia sẻ về công tác quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn trong việc giúp hội viên của mình sử dụng đồng vốn vay hiệu quả, đúng mục đích, thoát được nghèo?
Trưởng phòng Giảm nghèo Ban Kinh tế - TW Hội LHPN Việt Nam, Bùi Lan Anh: Để quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn cũng như giúp hội viên Hội Phụ nữ sử dụng đồng vốn có hiệu quả, bên cạnh phối hợp chặt chẽ với NHCSXH trong đánh giá, xếp loại, củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn theo Quyết định 15/QĐ-HĐQT, hội còn chỉ đạo các cấp hội, đặc biệt là Hội LHPN cấp xã, cử cán bộ chuyên trách theo dõi và thực hiện hoạt động ủy thác cho vay, đồng thời phải có sổ sách theo dõi, giám sát quá trình sử dụng vốn vay của từng thành viên, đôn đốc trả nợ lãi đúng hạn.
Các cấp hội thực hiện nghiêm túc việc thực hiện, kiểm tra giám sát, có kế hoạch kiểm tra định kỳ hàng năm và kiểm tra đột xuất khi cần thiết. Đặc biệt là tổ chức đối chiếu đến từng hộ vay, kết hợp với các cơ quan khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư… hướng dẫn hộ vay sử dụng vốn vay có hiệu quả và thực hiện lồng ghép các chương trình dự án tạo thêm việc làm tăng thu nhập giúp hộ vay giảm nghèo.
Tổ tiết kiệm và vay vốn duy trì sinh hoạt định kỳ theo tháng, hoặc theo quý. Nội dung sinh hoạt tập trung vào tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, các chính sách tín dụng ưu đãi, các quy định mới về quản lý và sử dụng nguồn vốn của NHCSXH, các nội dung hoạt động của hội, trao đổi kinh nghiệm làm ăn, phổ biến khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm quản lý vốn, tiết kiệm qua Tổ tiết kiệm và vay vốn; thu hồi vốn, lãi, phương pháp giáo dục con em trong gia đình…
Kết quả, 6 tháng đầu năm 2017, toàn quốc có 61.819 tổ xếp loại tốt; 7.145 tổ xếp loại khá; 1.208 tổ xếp loại trung bình; 1.100 tổ xếp loại yếu. Điển hình là các tỉnh Bắc Giang, Hưng Yên, Thừa Thiên - Huế (không có tổ trung bình, yếu; tổ xếp loại tốt chiếm trên 90%).
Bạn đọc Dương Hiền (Hải Dương) hỏi: Xin hỏi ông Nguyễn Xuân Thắng, qua kết quả của hoạt động qua giám sát của Hội, ông (bà) đánh giá tác động của tín dụng chính sách đối với công cuộc giảm nghèo bền vững trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn như thế nào?
Trưởng Ban điều hành Quỹ Hỗ trợ nông dân Hội Nông dân Việt Nam, Nguyễn Xuân Thắng: Phải khẳng định rằng, tác động của tín dụng chính sách đối với công cuộc giảm nghèo bền vững trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong hơn 10 năm qua là hết sức khả quan. Nhờ có nguồn vốn tín dụng chính sách kịp thời, các hộ nghèo nói chung, hội viên Hội Nông dân nghèo nói riêng có điều kiện để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống. Đây là nhân tố tích cực nhất góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo cả nước từ 22% năm 2005 xuống còn dưới 10% năm 2016. Có lẽ kỳ tích giảm nghèo của Việt Nam thời gian qua là nhờ giải pháp riêng có này. Đặc biệt đối với vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, việc triển khai hoạt động tín dụng chính sách còn có tác động quan trọng trong việc góp phần ổn định an ninh trật tự ở nông thôn, gìn giữ đất đai, làng, bản, biên cương, biển đảo của Tổ quốc.
Bạn đọc Quốc Thắng (Quảng Nam) hỏi : Hiện nay, Đoàn Thanh niên vẫn còn những xã trắng về Tổ tiết kiệm và vay vốn, đề nghị ông (bà) cho biết giải pháp thực hiện tới đây là gì để xóa tình trạng xã trắng về hoạt động của các Tổ tiết kiệm và vay vốn?
Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển thanh niên nông thôn TW Đoàn, Lê Ngọc Khánh: Hiện nay, Đoàn Thanh niên có 3.456 xã trắng Tổ tiết kiệm và vay vốn, Ban Bí thư Trung ương Đoàn đã có văn bản chỉ đạo từ năm 2016, yêu cầu các tỉnh, thành Đoàn đẩy mạnh hoạt động phối hợp với NHCSXH giảm xã trắng do Đoàn Thanh niên quản lý.
Đề nghị các cấp bộ Đoàn phối hợp tốt với chính quyền địa phương, NHCSXH và các hội khác khắc phục tình trạng này.
Tăng cường năng lực của cán bộ các cấp thực hiện tốt chương trình liên tục, nhằm xây dựng lòng tin đối với lãnh đạo cơ sở để được tin tưởng giao địa bàn quản lý làm giảm số xã trắng.
Bạn đọc Kỳ Duyên (Cần Thơ) hỏi : Phải khẳng định rằng công tác phối kết hợp giữa NHCSXH với các tổ chức chính trị - xã hội đạt hiệu quả trong việc dẫn vốn giúp người nghèo và các đối tượng chính sách khác có vốn để SXKD. Tuy nhiên, có nơi (số này không nhiều) xảy ra tình trạng xâm tiêu, chiếm dụng vốn ở Tổ tiết kiệm và vay vốn. Vậy theo ông (bà) đã có những giải pháp cụ thể nào để hạn chế hay xử lý hiện tượng trên như thế nào?
Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển thanh niên nông thôn TW Đoàn, Lê Ngọc Khánh: Ban Bí thư Trung ương Đoàn và Thường trực Chương trình (Trung tâm Hỗ trợ phát triển thanh niên nông thôn) đã chỉ đạo:
Thứ nhất, kiên quyết chỉ đạo, nắm bắt thông tin, khắc phục kịp thời.
Thứ hai, phối hợp với NHCSXH, chính quyền địa phương và các tổ chức hội khác, tuyên truyền, vận động người xâm tiêu khắc phục hậu quả.
Thứ ba, Thường trực chương trình (Trung tâm Hỗ trợ phát triển thanh niên nông thôn) đã luôn bám sát, hỗ trợ với NHCSXH để nắm bắt kịp thời các hiện tượng xâm tiêu và có các giải pháp chỉ đạo khắc phục, thậm chí trực tiếp đi giải quyết khắc phục tại địa phương có hiện tượng xâm tiêu, chiếm dụng.
Bạn đọc Hương Linh (Lạng Sơn) hỏi: Có một số ý kiến cho rằng, ở một số địa phương việc bình xét cho vay vốn còn qua loa, thiếu tính minh bạch, ông (bà) có thể cho biết việc bình xét được tiến hành như thế nào để đảm bảo nguồn vốn ưu đãi đến đúng đối tượng? Trong trường hợp dưới cơ sở bình xét sai đối tượng sẽ bị xử lý như thế nào?
Phó Giám đốc Ban Tín dụng Người nghèo NHCSXH,Hồ Lan Hương: Công tác bình xét cho vay được NHCSXH qui định rất chặt chẽ, công khai, dân chủ có sự giám sát của chính quyền cấp cơ sở (cụ thể Trưởng thôn và Đại diện tổ chức Hội, đoàn thể cấp xã nhận ủy thác tham gia vào công tác bình xét hộ vốn)
Qui trình bình xét: Người dân khi có nhu cầu vay vốn thì đề nghị với Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn (Tổ TK&VV) tại nơi mình đang sinh sống. Ban quản lý Tổ TK&VV tổ chức họp Tổ để bình xét cho vay. Cuộc họp phải được ít nhất 2/3 số tổ viên dự họp và có ít nhất 2/3 số tổ viên có mặt tại cuộc họp biểu quyết tán thành mới có giá trị thực hiện. Cuộc họp bắt buộc phải có sự tham gia của Trưởng thôn và Đại diện Tổ chức Hội cấp xã. Kết quả cuộc họp bình xét cho vay phải được lập thành Biên bản có xác nhận của Trưởng thôn và Đại diện tổ chức Hội, đoàn thể cấp xã nhận ủy thác.
Trong trường hợp dưới cơ sở bình xét sai đối tượng (rất ít xảy ra), khi phát hiện sẽ xử lý không giải ngân cho vay; trong trường hợp đã giải ngân thì thực hiện thu hồi vốn ngay.
Bạn đọc Hồng Vân (Thanh Hóa) hỏi: Tôi thấy số hộ gia đình được vay vốn ưu đãi so với nhu cầu thực tế tại địa phương còn ít và không đủ đáp ứng. Thời gian tới, NHCSXH có đề nghị Chính phủ nâng mức cho vay để bà con có thêm vốn dồi dào phát triển SXKD?
Phó Giám đốc Ban Tín dụng Người nghèo NHCSXH,Hồ Lan Hương: Cảm ơn bạn Hồng Vân đã gửi câu hỏi đến chương trình.Tín dụng chính sách xã hội đang là một cấu phần quan trọng trong Chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững. Tính đến 31/7/2017, NHCSXH đang triển khai 23 chương trình tín dụng chính sách theo chỉ định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và một số chương trình, dự án khác từ nguồn vốn ủy thác của địa phương và các tổ chức nước ngoài. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách tại NHCSXH đạt gần 166.433 tỷ đồng với hơn 6,7 triệu khách hàng còn dư nợ. Riêng chương trình cho vay hộ nghèo đạt gần 39.330 tỷ đồng (chiếm 23,63% tổng dư nợ các chương trình) với hơn 1,5 triệu khách hàng còn dư nợ. Mức dư nợ bình quân của một khách hàng đang vay vốn là 25,8 triệu đồng so với mức cho vay tối đa 50 triệu đồng/hộ mới chỉ đạt một nửa. Nguyện vọng của bạn là chính đáng, NHCSXH sẽ kiến nghị với các bộ, ngành đề nghị lên Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Bạn đọc Lê Văn Hoàng (Tuyên Quang) hỏi : Hiện nay, TW Đoàn đang triển khai chương trình Quốc gia khởi nghiệp, hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, vậy TW Đoàn có thể đứng ra là cầu nối giúp thanh niên vay vốn khởi nghiệp từ NHCSXH được không?
Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển thanh niên nông thôn TW Đoàn, Lê Ngọc Khánh: Năm 2016 là năm Quốc gia khởi nghiệp, Trung ương Đoàn đã có nhiều hoạt động hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, quan kênh của Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam và các hoạt động truyền thông.
Về nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, Chính phủ đã có Nghị định 61/2015/NĐ-CP quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm, trong đó có mục hỗ trợ thanh niên lập nghiệp, khởi nghiệp, khởi sự doanh nghiệp.
Điều 18 của Nghị định 61/2015/NĐ-CP ngày 9.7.2015 của Chính phủ đã ghi rõ: Việc hỗ trợ thanh niên lập nghiệp: Đối tượng hỗ trợ là học sinh các trường trung học phổ thông; thanh niên đang học tại các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp; thanh niên đã tốt nghiệp cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Nội dung hỗ trợ gồm: Hoạt động định hướng nghề nghiệp; cung cấp thông tin về việc làm nghề nghiệp; đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng tìm việc và làm việc; tham gia chương trình làm việc thực tập tại doanh nghiệp, tổ chức; cho vay ưu đãi từ Quỹ quốc gia về việc làm theo quy định pháp luật.
Theo điều 19 của Nghị định 61/2015/NĐ-CP ngày 9.7.2015 của Chính phủ đã ghi rõ: Đối tượng hỗ trợ bao gồm: Thanh niên có nhu cầu khởi sự doanh nghiệp và thanh niên đã khởi sự doanh nghiệp.
Về nội dung hỗ trợ: Cung cấp kiến thức pháp luật quản trị doanh nghiệp, đào tạo kiến thức khởi sự doanh nghiệp, cho vay ưu đãi từ Quỹ quốc gia về việc làm theo quy định của pháp luật. Nguồn vốn này từ Ngân hàng Chính sách xã hội.
Bạn đọc Minh Phúc (Quảng Trị) hỏi: Thanh niên ở vùng nông thôn, miền núi hiện vẫn còn tình trạng chưa được tiếp cận nhiều thông tin để tư vấn vay và sử dụng vốn hiệu quả, vậy TW Đoàn sẽ có giải pháp gì để giúp thanh niên ở khu vực này vay vốn, phát triển kinh tế ?
Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển thanh niên nông thôn TW Đoàn, Lê Ngọc Khánh:Về câu hỏi của bạn, tôi xin trả lời như sau:
Một là, về công tác chỉ đạo: Ban Bí thư Trung ương Đoàn có văn bản chỉ đạo 9015/CV/TWĐTN-SDC ngày 2.3.2017 chỉ đạo các tỉnh, thành đoàn và đặc biệt các địa phương có tỷ lệ nợ quá hạn cao….
Hai là, nghiêm túc thực hiện chỉ thị 40 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường công tác lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động tín dụng chính sách.
Ba là, đôn đốc yêu cầu các tỉnh, thành Đoàn phối hợp với chính quyền địa phương, cơ sở, NHCSXH và các hội khác tổ chức khắc phục.
Bốn là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; đưa vào chỉ tiêu thi đua hàng năm.
Năm là, hướng dẫn, hỗ trợ thanh niên nghèo cách làm ăn thông qua hoạt động truyền thông; xây dựng mô hình phát triển kinh tế, hợp tác xã… để thanh niên có thêm việc làm, có thu nhập để trả nợ cho NHCSXH.
Sáu là, chỉ đạo nâng cao chất lượng của Tổ Tiết kiệm và vay vốn.
Bạn đọc Hoàng Thị Ngọc (Bình Thuận) hỏi : Hưởng ứng chương trình Quốc gia khởi nghiệp, nhiều ngân hàng thương mại đã có gói cho thanh niên vay vốn đầu tư vào dự án khởi nghiệp, nhưng lãi suất còn cao. Xin cho biết, với hoạt động hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, NHCSXH đang có những gói vay nào để chúng tôi có thể tiếp cận?
Phó Giám đốc Ban Tín dụng Người nghèo NHCSXH,Hồ Lan Hương: Các chương trình cho vay của NHCSXH đều thực hiện theo các nghị định của Chính phủ, các quyết định của Chính phủ và Thủ tướng. Hiện nay, NHCSXH chưa có chương trình riêng để cho vay hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp. Nếu gia đình bạn thuộc đối tượng của các chương trình sau, có thể được vay từ:
- Chương trình cho vay hộ nghèo thiếu vốn sản xuất kinh doanh
- Chương trình cho vay hộ cận nghèo;
- Chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo;
- Chương trình cho vay sản xuất kinh doanh vùng khó khăn;
- Chương trình cho vay theo Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09/7/2015 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm.
Hiện chúng tôi cũng rất mong muốn và hy vọng sẽ sớm có chương trình dành riêng cho thanh niên có thể vay vốn để khởi nghiệp. Trong khi chờ đợi, nếu gia đình bạn thuộc các đối tượng trong quy định hiện hành thì có thể vay vốn theo các chương trình nói trên.
Chúc bạn thành công!
Lương Xuân thực hiện
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Gần 65 nghìn hộ ở Long An vay vốn chính sách thoát nghèo
- » Bản Vịn “đuổi nghèo”
- » An cư từ những đồng vốn nghĩa tình
- » Giúp thanh niên Chư Sê lập nghiệp
- » Thành công từ bánh sữa
- » Dân chủ và công khai trong tín dụng chính sách ở Quỳnh Phụ
- » Đô Lương tập trung nguồn lực đầu tư thoát nghèo bền vững
- » Nguồn vốn nhỏ, ý nghĩa lớn
- » Giáo dân làm giàu từ đồng vốn ngân hàng
- » Chuyển động vùng đất ba zan Cam Lộ