Quảng Ngãi triển khai chính sách tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù
Theo nội dung công văn, chi nhánh NHCSXH tỉnh Quảng Ngãi chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan tuyên truyền, phổ biến rộng rãi chính sách tín dụng đến các cấp, các ngành và người dân biết để thực hiện và giám sát. Hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc các đơn vị trong việc triển khai thực hiện; trọng tâm là hướng dẫn về hồ sơ vay vốn, trình tự và thủ tục cho vay, kỳ hạn trả nợ, mức trả nợ, việc gia hạn nợ, chuyển nợ quá hạn đảm bảo đơn giản, rõ ràng, dễ thực hiện.
Đồng thời, tổng hợp nhu cầu vay vốn trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt, tổng hợp đề xuất lên NHCSXH giao chỉ tiêu vốn cho vay; tham mưu bố trí vốn ngân sách địa phương cho vay theo Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg; kịp thời đề xuất phân bổ nguồn vốn về UBND các huyện, thị xã, thành phố để tiếp tục phân bổ về địa phương cho vay theo nhu cầu khảo sát.
Quản lý, huy động và sử dụng nguồn vốn, thực hiện cho vay đúng đối tượng, điều kiện theo quy định của Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg. Tập trung tổ chức cho vay đảm bảo nhanh chóng, kịp thời; chủ động phối hợp với cơ quan có liên quan nắm bắt thông tin; tiếp cận, hướng dẫn người chấp hành xong án phạt tù hoàn thiện hồ sơ vay vốn để cho vay; xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc phát sinh.
Trong khi đó, công an tỉnh chỉ đạo các cơ sở giam giữ phạm nhân trên địa bàn tổ chức việc tuyên truyền, phổ biến chính sách tại Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg cho phạm nhân sắp chấp hành xong án phạt tù. Chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương phối hợp với các sở, ban, ngành và các đoàn thể liên quan tại địa phương tham mưu HĐND, UBND cùng cấp bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH để cho vay đối với người chấp hành xong án phạt tù. Phối hợp chặt chẽ với NHCSXH trong quá trình giám sát vốn vay và thu hồi nợ…
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng đề nghị Ủy ban MTTQVN tỉnh tăng cường công tác phối hợp, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù đến hội viên và nhân dân biết để thực hiện và giám sát. Tăng cường đôn đốc, kiểm tra, giám sát thực hiện tín dụng chính sách; phối hợp với NHCSXH tập huấn, tuyên truyền phổ biến nội dung Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg đến các đối tượng thụ hưởng, tránh lợi dụng, trục lợi chính sách.
UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các đơn vị, ban ngành liên quan và UBND các xã, phường, thị trấn theo chức năng, nhiệm vụ được giao phối hợp chặt chẽ với chi nhánh/phòng giao dịch NHCSXH trên địa bàn, nhận diện đối tượng và xác định nhu cầu vay vốn, phân bổ nguồn vốn phù hợp với nhu cầu để tổ chức thực hiện hiệu quả chương trình tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù theo Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg…
Được biết, theo Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ, quy định về mức vốn cho vay để đào tạo nghề tối đa là 4 triệu đồng/tháng/người chấp hành xong án phạt tù. Đối với vay vốn để sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, mức vốn cho vay tối đa là 100 triệu đồng/người chấp hành xong án phạt tù. Với cơ sở sản xuất kinh doanh, mức vốn cho vay tối đa là 2 tỷ đồng/dự án và không quá 100 triệu đồng/người lao động tại cơ sở sản xuất kinh doanh.
Nghi Lộc
Các tin bài khác
- » Vai trò của Công an cấp xã trong thực hiện TDCSXH góp phần bảo đảm an ninh trật tự
- » “Bệ đỡ” từ vốn vay chính sách ở thị xã Thái Hòa
- » Vốn chính sách góp sức xây dựng Nông thôn mới
- » NHCSXH chúc mừng Ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam
- » Đã có 145 người mãn hạn tù được vay vốn tín dụng chính sách
- » Vốn vay chính sách giúp người hoàn lương làm lại cuộc đời
- » Tín dụng với người hoàn lương: Điểm tựa tái hòa nhập cộng đồng
- » Đưa vốn chính sách đến với người hoàn lương vươn lên tái hòa nhập cộng đồng
- » Tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù
- » Tín dụng chính sách đồng hành cùng đồng bào DTTS