Vốn vay chính sách giúp người hoàn lương làm lại cuộc đời
Đơn cử tại tỉnh Bạc Liêu, nơi triển khai nhanh chính sách nhân văn này cho người hoàn lương. Bà Hữu Thị Thê ở ấp Biển Tây B, xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu có người con trai đã chấp hành xong án phạt tù, được thông báo đến NHCSXH để nhận tiền vay, bà rất vui mừng, phấn khởi vì đã có vốn để tiếp tục đầu tư cho mô hình sản xuất của gia đình.
“Với số vốn này, về nhà tôi sẽ cải tạo ao nuôi tôm để phát triển kinh tế gia đình”, bà Hữu Thị Thê tâm sự.
Để kịp thời giải ngân cho các trường hợp được vay vốn theo Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ, ngay trong ngày 10/10 khi Quyết định có hiệu lực, chi nhánh NHCSXH tỉnh Bạc Liêu đã tổ chức giải ngân đồng loạt cho các trường hợp đủ điều kiện ở tất cả các huyện, thị xã, thành phố cho 11 trường hợp được vay vốn, trong đó riêng thị xã Giá Rai có 3 trường hợp, các địa phương còn lại có từ 1 đến 2 trường hợp. Tổng số vốn giải ngân trong ngày là gần 600 triệu đồng.
Giám đốc NHCSXH tỉnh Bạc Liêu Trần Quang Sơn cho biết: Thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Công an tỉnh cũng đã chỉ đạo công an cấp huyện, cấp xã triển khai việc tiến hành rà soát, xác định danh sách người chấp hành xong án phạt tù có nhu cầu và đủ điều kiện vay vốn chuyển NHCSXH làm căn cứ cho vay theo đúng quy định.
Theo Đại tá Bùi Quốc Khởi - Phó Giám đốc Công an tỉnh Bạc Liêu, đây là một chính sách mang tính nhân văn rất cao của Đảng và Nhà nước, thể hiện rất rõ phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau” đặc biệt là đối với các đối tượng yếu thế nhất trong xã hội hiện nay, là những người chấp hành xong án phạt tù, đang khát khao được quay trở lại tái hòa nhập với cộng đồng, làm lại cuộc đời sau những sai lầm, vấp ngã trong quá khứ.
Còn Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phan Thanh Duy cho biết: “Để tuyên truyền vận động, nhất là đối với các đối tượng khó khăn, chúng tôi sẽ tiến hành làm tất cả các thủ tục để hỗ trợ cho các đối tượng này vay vốn để làm ăn, sớm hòa nhập với cộng đồng”.
Điều kiện vay vốn đối với người chấp hành xong án phạt tù là người có nhu cầu vay vốn; có tên trong danh sách người chấp hành xong án phạt tù về cư trú tại địa phương, chấp hành tốt các quy định của pháp luật, không tham gia các tệ nạn xã hội, do Công an cấp xã lập và được UBND cấp xã xác nhận. Thời gian kể từ khi chấp hành xong án phạt tù đến thời điểm vay vốn tối đa là 5 năm.
Có thể nói, đây là chủ trương mang đầy tính nhân văn này, không chỉ mang đến cho những người đã chấp hành xong án phạt tù hòa nhập cộng đồng ổn định cuộc sống, còn trao cho họ cơ hội được đóng góp cho sự phát triển của gia đình, xã hội và cộng đồng.
Việt Hải, Hùng Cường, Minh Hải
Các tin bài khác
- » Tín dụng với người hoàn lương: Điểm tựa tái hòa nhập cộng đồng
- » Đưa vốn chính sách đến với người hoàn lương vươn lên tái hòa nhập cộng đồng
- » Tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù
- » Tín dụng chính sách đồng hành cùng đồng bào DTTS
- » Nông dân Hương Sơn với nguồn vốn vay ưu đãi
- » Lý Sơn phát huy nguồn vốn cho vay ưu đãi
- » Dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt trên 4.942 tỷ đồng
- » Cảnh báo Trang Fanpage giả mạo Ngân hàng Chính sách xã hội
- » Nghiệm thu đề tài “Hoàn thiện phần mềm quản lý thông tin thi đua khen thưởng NHCSXH đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới”
- » “Chìa khóa” thoát nghèo cho vùng đồng bào DTTS