Tín dụng chính sách đồng hành cùng đồng bào DTTS

10/10/2023
(VBSP News) Là xã vùng 3 với 4 thôn đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn, những năm qua, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân (Phú Yên) đã nỗ lực quản lý tốt nguồn vốn ủy thác từ NHCSXH nhằm giúp người dân trên địa bàn có điều kiện sản xuất, xây dựng nhà ở, cải thiện đời sống. Hiện đây là xã có dư nợ tín dụng chính sách cao nhất tỉnh.
vay-von

Anh Thanh Văn Lịch ở thôn Da Dù làm thủ tục nhận vốn tại Điểm giao dịch xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân

Hơn 50% hộ dân được tiếp cận vốn
Ngày 5/10 vừa qua, anh Thanh Văn Lịch ở thôn Da Dù đến Điểm giao dịch xã Xuân Lãnh nhận vốn hỗ trợ làm nhà ở thuộc chương trình cho vay phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi theo Nghị định 28/2022/NĐ-CP của Chính phủ. Cầm 40 triệu đồng tiền vay trên tay, anh Lịch mới thực sự tin rằng ước mơ của gia đình mình đã trở thành hiện thực.
Anh Lịch cho biết: “Gia đình tôi có 4 người, gồm vợ chồng và 2 con nhỏ, trước đây sống trong căn nhà sàn tạm bợ, xuống cấp. Từ khi biết Nhà nước cho vay hỗ trợ làm nhà ở, tôi đã đăng ký và được Tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn hướng dẫn làm hồ sơ vay. Với số tiền tiết kiệm lâu nay, cộng với vốn vay ngân hàng và tiền hỗ trợ của Nhà nước, chúng tôi đã xây được căn nhà kiên cố, rộng gần 50m², chi phí xây dựng hết 180 triệu đồng”.
Theo anh Lịch, gia đình anh thuộc diện hộ nghèo nên khi được hỗ trợ vay vốn làm nhà ở với lãi suất 3%/năm, cả nhà rất mừng. Hiện vợ chồng anh đang nuôi 2 con bò, trồng mấy sào keo và tranh thủ làm thuê kiếm thêm thu nhập. Cuộc sống ổn định rồi, chúng tôi sẽ chăm chỉ làm ăn để phát triển kinh tế, trả nợ đầy đủ cho ngân hàng.
Bà Mang Thị Phượng ở thôn Soi Nga, không vay vốn làm nhà ở mà vay vốn chương trình hộ cận nghèo để phát triển sản xuất. Cách đây 1 năm, với 60 triệu đồng tiền vay, bà đầu tư hết vào việc trồng và chăm sóc 3ha keo. Bà Phượng cho biết: “Keo từ lúc trồng đến khi khai thác mất 5 - 6 năm. Đến lúc đó, nếu thuận lợi, sau khi thu hoạch, trừ tiền trả nợ ngân hàng, tôi cũng kiếm được khoảng 140 triệu đồng, coi như tiền để dành. Còn hàng ngày, tôi buôn bán ở chợ kiếm đồng ra đồng vô trang trải chi phí sinh hoạt trong gia đình”.
Theo báo cáo của NHCSXH huyện Đồng Xuân, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã giải ngân 20,52 tỷ đồng cho 375 lượt hộ ở xã Xuân Lãnh vay vốn. Đến cuối tháng 9/2023, dư nợ trên địa bàn xã hơn 96,4 tỷ đồng với 1.573 hộ còn dư nợ. Trong khi đó, toàn xã Xuân Lãnh có gần 3.000 hộ dân với hơn 10.500 nhân khẩu. Như vậy, hơn 50% số hộ dân trong xã này đã được tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách, cao hơn tỉ lệ bình quân chung toàn huyện (45,2%).
Phối hợp tuyên truyền, giám sát hộ vay
Hiện xã Xuân Lãnh có 31 Tổ tiết kiệm và vay vốn, đây là những “cánh tay nối dài” đưa nguồn vốn tín dụng chính sách đến với người dân. Bà Nguyễn Thị Ái - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn ở thôn Hà Rai cho biết: “Một khi ngân hàng đã tin tưởng, ủy thác tổ chọn hộ để đề xuất cho vay thì tôi phải có trách nhiệm tìm hiểu kỹ hoàn cảnh, nhu cầu vốn của hộ vay. Sau khi họ nhận vốn, tôi thường xuyên kiểm tra, xem họ có sử dụng đúng mục đích hay không. Nếu họ chưa thì đôn đốc, nhắc nhở; còn nếu thấy họ dùng sai mục đích thì đề xuất thu hồi ngay, không để kéo dài, dẫn đến rủi ro về sau. Trước khi hộ vay gia nhập tổ, tôi cũng giải thích rõ quy định là phải tham gia sinh hoạt định kỳ, đóng tiết kiệm, nộp lãi đầy đủ… Trong quá trình vay vốn, hộ vay không tránh khỏi những lúc khó khăn, nộp lãi không đúng hạn, tôi sẽ trao đổi với họ trích một phần tiền tiết kiệm qua nộp lãi, nhờ vậy, tỉ lệ lãi tồn trong tổ rất thấp”.
Chủ tịch UBND xã Xuân Lãnh Trương Thái Hòa cho biết: Thời gian qua, nguồn vốn của NHCSXH đã giúp nhiều hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn có điều kiện trồng trọt, chăn nuôi, phát triển sản xuất kinh doanh. Nguồn vốn tín dụng chính sách còn giúp bà con xây dựng công trình nước sạch, vệ sinh, cho con đi học, xây dựng nhà ở… Hầu hết hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, đúng đối tượng, phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống.
Là xã đặc biệt khó khăn với 4/8 thôn đồng bào DTTS, thu nhập của người dân phần lớn đến từ nông nghiệp nên phụ thuộc nhiều vào giá cả thị trường, thiên tai dịch bệnh. Để hạn chế rủi ro, trong các cuộc họp giao ban với NHCSXH, lãnh đạo UBND xã chỉ đạo các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác và Ban quản lý các Tổ tiết kiệm và vay vốn phối hợp với NHCSXH làm tốt công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước đến với từng hộ dân; tăng cường theo dõi, giám sát, kiểm tra quá trình sử dụng vốn của hộ vay. Xã cũng phối hợp với các trung tâm khuyến nông, khuyến lâm tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn người dân cách trồng trọt, chăn nuôi, phát huy hiệu quả nguồn vốn.
Theo Giám đốc NHCSXH huyện Đồng Xuân Nguyễn Ngọc Hưng, mặc dù là xã đặc biệt khó khăn nhưng với sự vào cuộc đồng bộ của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự phối hợp của các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác và sự nỗ lực của Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn, chất lượng tín dụng chính sách trên địa bàn xã Xuân Lãnh rất ổn định. Toàn xã chỉ có 1 hộ nợ quá hạn với 15 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 0,02% tổng dư nợ.

Bài và ảnh Lê Hảo

Các tin bài khác