Lý Sơn phát huy nguồn vốn cho vay ưu đãi

10/10/2023
(VBSP News) Từ nguồn vốn chương trình cho vay hộ gia đình sản xuất, kinh doanh (SXKD) vùng khó khăn theo Quyết định số 31, Quyết định số 17/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã đầu tư SXKD, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập...
tl1_20231005090809

Từ nguồn vốn vay ưu đãi, bà Ngô Thị Nhiều ở thôn Tây, xã An Vĩnh, huyện Lý Sơn có điều kiện mở rộng buôn bán, nâng cao thu nhập

Tiếp sức cho người dân
Năm 2020, huyện Lý Sơn xóa bỏ đơn vị hành chính cấp xã, chỉ còn cấp huyện, nên bị cắt các ưu đãi do không thể áp dụng quy định cũ, bao gồm chính sách tín dụng ưu đãi cho vay SXKD dành cho vùng khó khăn. Điều này trở thành lực cản rất lớn trong việc hỗ trợ nguồn vốn cho người dân phát triển kinh tế. Đầu năm 2022, huyện Lý Sơn được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào vùng ven biển, hải đảo đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021 - 2025.
Sau một thời gian bị cắt vốn, bắt đầu từ tháng 8/2023, người dân huyện Lý Sơn đã được NHCSXH giải ngân cho vay vốn dành cho hộ SXKD vùng khó khăn theo Quyết định số 17 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, rất nhiều hộ SXKD ở huyện đã được vay tối đa 100 triệu đồng để đầu tư làm ăn, phát triển kinh tế.
Như gia đình bà Ngô Thị Nhiều ở thôn Tây An Vĩnh đã vay 100 triệu đồng để kinh doanh cửa hàng tạp hóa. Bà Nhiều chia sẻ: “Tôi đã kinh doanh hàng tạp hóa được mấy năm rồi nhưng vì không có nhiều vốn nên chỉ buôn bán nhỏ lẻ. Vậy nên khi nghe NHCSXH triển khai cho vay hộ SXKD vùng khó khăn, tôi đã nhanh chóng làm hồ sơ xin vay. Nhờ có nguồn vốn này mà tôi mới có điều kiện mua thêm hàng hóa, mở rộng kinh doanh, nâng cao thu nhập”.
Thông qua các kênh tuyên truyền của NHCSXH huyện Lý Sơn, chị Lê Vũ Quỳnh Thảo ở thôn Đông An Vĩnh đã tìm hiểu và quyết định làm hồ sơ vay 100 triệu đồng để kinh doanh ăn uống. “Đối với những người làm nghề kinh doanh ăn uống như chúng tôi luôn cần nguồn vốn để trang trải chi phí, nhất là thời điểm khách du lịch đông. Vì vậy khi nghe NHCSXH triển khai cho vay là tôi tiếp cận ngay. Tôi thấy đây là chương trình cho vay rất ý nghĩa và phù hợp với điều kiện phát triển du lịch ở huyện Lý Sơn”, chị Thảo tâm sự.
Bên cạnh cho vay phát triển kinh doanh, buôn bán, rất nhiều hộ dân trên đảo cũng đã được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để đầu tư trồng trọt, chăn nuôi, mua sắm ngư lưới cụ phục vụ đánh bắt thủy hải sản. Thuận lợi của vay vốn NHCSXH là được vay tín chấp với lãi suất thấp, hồ sơ thủ tục được giải quyết nhanh chóng. Việc thu lãi hằng tháng cũng đã có Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn đến tận nhà để thu nên không lo việc trễ hẹn.
Đáp ứng nhu cầu vốn của người dân
Hiện nay, NHCSXH huyện Lý Sơn đang thực hiện cho vay 9 chương trình tín dụng chính sách bao gồm: Cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, cho vay giải quyết việc làm, cho vay NS&VSMTNT, cho vay hộ nghèo về nhà ở, cho vay hộ gia đình SXKD tại vùng khó khăn theo Quyết định số 31, Quyết định số 17 của Thủ tướng Chính phủ và cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định số 100 của Chính phủ. Tính đến 30/9/2023, tổng dư nợ các chương trình đạt 130,5 tỷ đồng, với 1.253 hộ còn dư nợ.
Những năm gần đây, du lịch ở Lý Sơn ngày càng phát triển. Theo đó, nhiều hộ dân trên đảo đã mở hàng quán, nhà nghỉ, dịch vụ homestay để kinh doanh nhằm đáp ứng nhu cầu của khách du lịch. Vì vậy, nguồn vốn cho vay dành cho hộ SXKD vùng khó khăn đã trở thành “bà đỡ” cho rất nhiều người dân trên đảo.
Giám đốc NHCSXH huyện Lý Sơn Trần Văn Nam cho biết: Dư nợ chương trình cho vay hộ gia đình SXKD tại vùng khó khăn tính đến ngày 31/7/2023 đạt trên 11 tỷ đồng. Thực hiện Quyết định số 17/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, từ ngày 8/8/2023 đến nay tăng trưởng được 3,2 tỷ đồng. Hiện tổng dư nợ của chương trình này đạt hơn 14,2 tỷ đồng.
Để nguồn vốn tiếp tục phát huy hiệu quả, trong thời gian tới, NHCSXH huyện Lý Sơn sẽ tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện tốt hơn Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Đồng thời, tham mưu HĐND, UBND huyện phân bổ thêm nguồn vốn từ ngân sách địa phương để giải quyết nhu cầu vay vốn giải quyết việc làm và đầu tư sản xuất; tập trung cho vay đối với các hộ SXKD, góp phần phát triển kinh tế địa phương.

Bài và ảnh Hồng Hoa

Các tin bài khác