Phát huy vai trò tín dụng ưu đãi trong giảm nghèo

05/10/2023
(VBSP News) Với dư nợ tín dụng hơn 6.300 tỷ đồng, nguồn vốn ưu đãi của chi nhánh NHCSXH tỉnh Bắc Giang đã giúp cho trên 14 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn vay vốn phát triển SXKD.
bac giang

Người dân nhận nguồn vốn giải ngân trực tiếp tại Điểm giao dịch xã

Nhiều mô hình sản xuất hiệu quả
Theo Sở Lao động - Thương binh và xã hội tỉnh Bắc Giang, năm 2022, toàn tỉnh còn hơn 17,9 nghìn hộ nghèo, chiếm 3,81%, giảm 1,46% so với năm 2021; 10/10 huyện, thành phố đều hoàn thành kế hoạch giảm nghèo; riêng huyện Sơn Động, tỷ lệ hộ nghèo còn 20,8%, giảm 4,98% so với năm trước, vượt mục tiêu đề ra. Kết quả này thể hiện sự quyết tâm, nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh trong công tác giảm nghèo. Khi triển khai các văn bản chỉ đạo, kế hoạch của Trung ương, của tỉnh về giảm nghèo, Sở chủ động quán triệt, hướng dẫn, phối hợp với các ngành, địa phương nhấn mạnh phương châm “Xóa dần hình thức hỗ trợ cho không, chuyển sang trợ giúp một phần, có đối ứng”. Với chủ trương, định hướng trên, bám sát các mục tiêu giảm nghèo của tỉnh, các chương trình tín dụng ưu đãi của NHCSXH tỉnh Bắc Giang đã phát huy hiệu quả rõ rệt.
Từ nguồn vốn ưu đãi của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP (Nghị định 28) đang được NHCSXH triển khai đã giúp người dân tại địa bàn khó khăn của tỉnh Bắc Giang có thêm nguồn lực phát triển kinh tế, tạo động lực thoát nghèo bền vững.
Trước đây anh Nguyễn Văn Việt, dân tộc Tày, ở thị trấn An Châu, huyện Sơn Động phải đi làm thuê đủ nghề, song vẫn không thoát được nghèo. Cuộc sống vốn đã khó khăn lại càng chật vật khi các con ngày càng lớn, chi phí học hành, sinh hoạt tăng. Khảo sát ở khu vực dân cư gần nhà vẫn còn ít các cửa hàng cắt tóc, gội đầu nên vợ chồng anh đã đi học nghề này để quyết tâm thoát nghèo. Sau khi học nghề, vợ chồng anh Việt tiếp tục được hướng dẫn hoàn tất các thủ tục để vay 100 triệu đồng theo Nghị định 28 tại NHCSXH huyện Sơn Động. Từ nguồn vốn vay và sự hỗ trợ của người thân, anh đầu tư 180 triệu đồng thuê nhà, mua sắm vật dụng, thiết bị để mở cơ sở kinh doanh dịch vụ cắt tóc, gội đầu tại thị trấn An Châu.
Cơ sở kinh doanh của vợ chồng anh Việt ngày một đông khách, mang lại thu nhập ổn định cho anh chị, trừ chi phí, mỗi tháng vợ chồng anh thu về khoảng 15 triệu đồng. “Thu nhập ổn định nên việc trả nợ của vợ chồng tôi cũng không quá khó khăn, yên tâm làm việc, chăm lo cho hai con. Đến nay, ngoài cắt tóc, vợ chồng tôi đã mở thêm một số dịch vụ chăm sóc sắc đẹp”, anh Việt chia sẻ.
Cũng là hộ đồng bào DTTS, gia đình chị Bàn Thị Huệ, đồng bào Dao, ở thôn Đồng Đinh, xã Bình Sơn, huyện Lục Nam thuộc diện hộ nghèo lâu năm của xã. Cuộc sống chỉ thay đổi khi năm 2016, gia đình chị được NHCSXH huyện Lục Nam cho vay 40 triệu đồng để làm chuồng trại chắc chắn, nuôi trâu bò sinh sản kết hợp với khai hoang cải tạo đất đồi hoang hóa thành vườn tược trồng cây ăn quả đặc sản; cam Bố Hạ, bưởi Phúc Trạch. Nhờ tìm hiểu và áp dụng hiệu quả kỹ thuật nên chăn nuôi của gia đình phát triển, trồng trọt cho năng suất, kinh tế gia đình chị khấm khá. Sau khi thoát nghèo, gia đình chị Huệ lại được NHCSXH cho vay tiếp 100 triệu đồng vốn ưu đãi dành cho hộ mới thoát nghèo để đầu tư mở rộng mô hình trang trại VACR (vườn, ao, chuồng, rừng) thực hiện ước mơ làm giàu ngay chính mảnh đất quê hương.
Ở huyện Lạng Giang, cũng nhờ nguồn vốn ưu đãi mà nhiều hộ đã thoát nghèo, trong đó có gia đình chị Đào Thị Yến, ở thôn Hèo, xã Hương Sơn. Câu chuyện thoát nghèo của chị Yến bắt đầu từ năm 2016, khi chị được Hội Phụ nữ xã giới thiệu và NHCSXH cho vay 50 triệu đồng. Cùng với số tiền dành dụm được, gia đình chị bắt tay vào xây dựng chuồng trại nuôi gà thả vườn. Thấy “mát tay” với nghề chăn nuôi chị tiếp tục đầu tư chăn nuôi lợn. Đến nay, trung bình mỗi năm, gia đình chị Yến xuất bán 3 lứa gà thịt, 2 lứa lợn, thu lãi hơn 200 triệu đồng. Lứa vừa rồi, chị xuất được 1,5 nghìn con gà và 60 tấn lợn, đầu ra được bao tiêu thuận lợi. Nhờ vốn vay ưu đãi của NHCSXH cùng sự mạnh dạn trong việc chuyển đổi mô hình sản xuất, chăn nuôi gia đình chị Yến đã chính thức ra khỏi danh sách hộ nghèo năm 2020.
Quan tâm nâng cao chất lượng tín dụng
Theo báo cáo, đến nay, tổng dư nợ tín dụng của tỉnh Bắc Giang đạt hơn 6.300 tỷ đồng, với 109.741 khách hàng còn dư nợ, dư nợ bình quân 57,6 triệu đồng/khách hàng (tăng 3,5 triệu đồng so với năm 2022), hoàn thành 89% kế hoạch tăng trưởng dư nợ năm 2023. Chất lượng tín dụng đảm bảo với tỷ lệ nợ quá hạn chỉ chiếm 0,04% tổng dư nợ. Nguồn vốn chính sách đã giúp trên 14 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho 2.227 lao động; xây mới và sửa chữa 15.214 công trình nước sạch và vệ sinh nông thôn; hỗ trợ xây dựng, sửa chữa, mua 450 căn nhà ở xã hội; giúp 47 đối tượng chính sách vay vốn để chi phí đi lao động nước ngoài theo hợp đồng; giúp cho 644 HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn để trang trải chi phí học tập, 32 HSSV có máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến, không có học sinh sinh viên nào phải nghỉ học vì khó khăn về tài chính.
Những tháng còn lại của năm 2023, chi nhánh sẽ tích cực thực hiện các giải pháp mục tiêu đặt ra từ đầu năm, phấn đấu tăng trưởng tín dụng đúng kế hoạch, nợ quá hạn duy trì dưới mức thấp; huy động tiền gửi qua tổ chức, dân cư đạt 100% kế hoạch giao; các tiêu chí chấm điểm về chất lượng Tổ tiết kiệm và vay vốn, chất lượng giao dịch xã, chất lượng tín dụng xã, chất lượng tín dụng đạt tối thiểu 98,5 điểm. Chi nhánh tập trung tăng trưởng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách theo Nghị quyết số 11/NQ-CP, các chính sách tín dụng ưu đãi góp phần thực hiện 03 chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 – 2025.
Chủ động phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác trong việc rà soát đối tượng cho vay, hỗ trợ lãi suất, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đảm bảo công khai, minh bạch, đúng đối tượng thụ hưởng, đúng mục đích sử dụng vốn, tránh trục lợi chính sách; tăng cường rà soát nhu cầu vay vốn trên địa bàn, hướng dẫn hồ sơ và cho vay kịp thời; đối với cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm yêu cầu rà soát, lựa chọn và tập trung vào những đối tượng ưu tiên đảm bảo mục tiêu của Đề án; làm tốt công tác thu hồi nợ đến hạn và kế hoạch tốt nguồn vốn thu hồi đảm bảo cho vay quay vòng hiệu quả; quản lý và điều hành linh hoạt các chỉ tiêu kế hoạch tín dụng theo quy định; có các giải pháp huy động vốn đảm bảo kế hoạch giao.
Thời gian tới, để nâng cao hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội, NHCSXH tỉnh Bắc Giang tiếp tục tham mưu cấp ủy, chính quyền các cấp, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội; Kết luận số 06-KL/TW ngày 10/6/2021 của Ban Bí thư, Quyết định số 1630/QĐ-TTg ngày 28/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ; Kế hoạch số 16/KH-HĐQT ngày 21/4/2022 của Hội đồng quản trị; Công văn số 542-CV/TU ngày 09/7/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh đối với tín dụng chính sách xã hội.

Bài và ảnh Văn Chung

Các tin bài khác