Tân Châu cho vay vốn vay giải quyết việc làm hiệu quả
NHCSXH huyện Tân Châu cho vay nhiều chương trình, trong đó có chương trình cho vay giải quyết việc làm đã giúp cho nhiều hội viên nông dân có công việc làm ổn định, phát triển kinh tế gia đình vươn lên thoát nghèo làm giàu chính đáng.
Điển hình trên địa bàn xã Tân Phú có hộ anh Đặng Minh Dũng ở ấp Tân Tiến vay vốn chăn nuôi dê. Anh Dũng cho biết, trước kia anh làm đủ thứ nghề để kiếm sống, nhưng vẫn không khá, công việc làm thợ hồ rất nặng nhọc và phải thường xuyên leo cao, nay lớn tuổi nên anh quyết định không làm thợ hồ, nhờ nguồn vốn vay của NHCSXH huyện, anh tập trung chăn nuôi dê.
Anh chịu khó tìm hiểu trên báo, đài, mạng xã hội và bạn bè để có thêm kiến thức chăm sóc đàn dê. Được NHCSXH huyện cho vay 40 triệu từ nguồn vốn giải quyết việc làm, anh đầu tư mở rộng quy mô nuôi dê.
Từ 2 con giống ban đầu, đến nay đàn dê của anh Dũng gần 50 con. Anh Dũng cho biết, nghề nuôi dê không khó. Người nuôi dành thời gian thường xuyên theo dõi bệnh; thức ăn cho dê rất dễ tìm như: lá mì, lá chuối, cỏ các loại… Lá mì bẻ về đưa vào máy cắt rồi ủ chua cho dê ăn trong những ngày không đi lấy được thức ăn, hoặc mùa nắng ít lá mì.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Phú Trần Thanh Sơn cho biết: “Hội Nông dân xã thường xuyên bám sát địa bàn để theo dõi tình hình lao động, sản xuất của hội viên, kịp thời tạo điều kiện cho hội viên tiếp cận các nguồn vốn. Đến nay, có nhiều hội viên được vay vốn phát triển kinh tế gia đình mang lại hiệu quả cao. Hộ anh Dũng là điển hình.
Ngoài ra, Hội Nông dân xã mở lớp bỗi dưỡng kiến thức về trồng trọt, chăn nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật cho nông dân. Hiện nay mô hình nuôi dê của gia đình anh Dũng rất có hiệu quả, Hội sẽ tiếp tục tạo nguồn vốn giải quyết việc làm hỗ trợ cho hội viên phát triển nghề nuôi dê tăng thu nhập”.
Trên địa bàn thị trấn, nhiều hội viên nông dân được tiếp cận nguồn vốn giải quyết việc làm của NHCSXH huyện, đầu tư nhiều mô hình sản xuất, chăn nuôi mang lại hiệu quả cao. Điển hình như hộ ông Nguyễn Văn Đáng, với mô hình nuôi dế.
Ông Đáng cho biết, trong một lần cùng Hội Nông dân Thị trấn đi học tập kinh nghiệm mô hình nuôi dế tại trại dế Oanh Vĩnh ở ấp 7 xã Suối Dây, thấy gia đình mình có thể làm được, nên về ông quyết tâm bắt tay vào làm 2 chuồng nuôi thử nghiệm. Sau đó thấy hiệu quả, ông quyết định đầu tư thêm, được NHCSXH huyện cho vay từ nguồn vốn giải quyết việc làm, ông làm thêm 20 chuồng nuôi dế. Hiện nay ông chuẩn bị xuất bán lứa dế đầu tiên.
“Vợ chồng tôi thấy nuôi dế rất khả quan, lý do vì địa bàn Tân Châu có nguồn thức ăn cho dế rất dồi dào, như lá mì, lục bình, cỏ… Tôi mới cân thử dế trong 2 chuồng được 140kg, bình quân 20 chuồng có thể trên 1,4 tấn dế, trừ chi phí tôi thu lãi trên 30 triệu đồng, thời gian nuôi dế chỉ 45 ngày”, ông Đáng chia sẻ.
Nguồn vốn tín dụng chính sách thật sự là cứu cánh, giúp người nghèo và các đối tượng chính sách vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn.
CTV
Các tin bài khác
- » Tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù
- » Phú Yên: Tín dụng chính sách giúp hơn 45.200 hộ vượt qua ngưỡng nghèo
- » Chỉ thị 40 và sức mạnh từ sự đồng lòng (Bài 2: Để vốn đối ứng địa phương là “trợ lực”)
- » Chỉ thị 40 và sức mạnh từ sự đồng lòng (Bài 1: Luồng gió mới)
- » Vốn chính sách giúp nông dân Đan Phượng làm giàu
- » Đột phá từ một Chỉ thị (Bài 2: Những đồng vốn “quý như vàng”)
- » Đột phá từ một Chỉ thị (Bài 1: Trụ cột giảm nghèo bền vững)
- » Những giá trị nhân văn của tín dụng chính sách xã hội
- » Nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương góp phần quan trọng để thực hiện TDCSXH trên địa bàn Hà Nội
- » Hỗ trợ đoàn viên thanh niên phát triển kinh tế gia đình