Vai trò của Công an cấp xã trong thực hiện TDCSXH góp phần bảo đảm an ninh trật tự
Thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về an sinh xã hội và tín dụng chính sách xã hội là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trong đó, lực lượng Công an nhân dân, đặc biệt là lực lượng Công an cấp xã có vai trò quan trọng.
Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của Công an cấp xã, trọng tâm là nhiệm vụ quan lý cư trú và công tác vận động quần chúng, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc có liên quan trực tiếp đến thực hiện chính sách an sinh xã hội và tín dụng chính sách xã hội. Cụ thể, trong công tác quản lý cư trú, lực lượng Công an cấp xã quản lý hộ gia đình, nhân hộ khẩu di biến động thường trú, tạm trú trên địa bàn, nắm bắt con người sâu sát, chặt chẽ nhất, trong đó có hoàn cảnh kinh tế, việc làm, chỗ ở,… nên có điều kiện thuận lợi để đưa chủ trương của Đảng, trong đó có chính sách an sinh xã hội và tín dụng chính sách xã hội đến người dân có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, hỗ trợ người dân tiếp cận với chủ trương, chính sách này.
Trong công tác vận động quần chúng, trọng tâm là vận động toàn dân tham gia phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc; giáo dục, động viên cán bộ, công chức, người lao động và mọi công dân tham gia xây dựng địa phương, cơ quan, tổ chức vững mạnh; xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Công an cấp xã nắm bắt nhanh chóng, kịp thời hoàn cảnh gia đình, nhân khẩu, đặc biệt là tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, trong đó có tín dụng chính sách xã hội đến người dân nhanh chóng. Trong đó cần chú ý, đối tượng tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội là các hộ dân nghèo. Đặc điểm của những hộ dân này là quyền sử dụng đất, tài sản, tư liệu sản xuất không có hoặc hạn chế, không chứng minh được thu nhập nên việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng thường khó khăn, nhiều người phải vay vốn “tín dụng đen”.
Bên cạnh đó, khả năng tiếp cận thông tin nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội lại khó khăn vì chính bản thân người nghèo và những yếu tố khách quan từ cơ quan quản lý. Người dân có ít thông tin về chính sách, quy trình, thủ tục, không rõ cần phải liên hệ cơ quan, cá nhân nào trong việc tiếp cận tín dụng chính sách xã hội. Nên thông qua công tác quản lý cư trú, vận động quần chúng và phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, nhất là những lực lượng nòng cốt (bảo vệ dân phố, dân phòng); các ông, bà trưởng, phó trưởng khu phố, ấp; bí thư, phó bí thư khu phố, ấp; các cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp… việc nắm bắt con người, hoàn cảnh kinh tế, điều kiện sinh sống, nhu cầu việc làm để triển khai chính sách an sinh xã hội và tín dụng chính sách xã hội dễ dàng, thuận lợi.
Đối với công tác bảo đảm ANTT ở cơ sở, việc thực hiện tín dụng chính sách xã hội có vai trò quan trọng trong công tác Công an của lực lượng Công an cấp xã. Nguồn gốc, nguyên nhân tội phạm, vi phạm pháp luật và những điểm nóng về ANTT có liên quan sâu xa và trực tiếp đến công tác tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cũng như thực hiện công tác vận động quần chúng chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Để giải quyết căn cơ, triệt để nguồn gốc, nguyên nhân tội phạm, vi phạm pháp luật, những điểm nóng về ANTT, bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự an toàn xã hội, phải phát huy vai trò của toàn bộ hệ thống chính trị trong tổ chức và thực hiện chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước trên tất cả các trụ cột chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, trong đó, kinh tế là trụ cột trọng tâm. Nên tín dụng chính sách xã hội không chỉ là chính sách xã hội mà còn là biện pháp kinh tế góp phần đảm bảo cuộc sống của nhân dân. Người dân tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi, không cần thế chấp, thủ tục đơn giản để có điều kiện làm ăn kinh tế, có việc làm, ổn định cuộc sống, nhà ở, có điều kiện phát triển cá nhân, gia đình thì mới góp phần chấp hành nghiêm chỉnh các quy định pháp luật nói chung và phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật nói riêng, tạo môi trường vững chắc để bảo đảm ANTT. Nên tổ chức và vận động quần chúng nhân dân chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nói chung, chính sách an sinh xã hội, trong đó, có tín dụng chính sách xã hội, chính là đảm bảo cuộc sống và điều kiện phát triển của người dân, góp phần bảo đảm ANTT ở cơ sở. Vì vậy, lực lượng Công an cấp xã với vai trò là lực lượng chuyên trách bảo vệ ANTT ở cơ sở cần nhận thức sâu sắc công tác Công an, trong đó, công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật phải đi liền, gắn bó chặt chẽ với công tác vận động quần chúng nhân dân chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, trong đó, giúp đỡ người dân nắm bắt, tiếp cận với chính sách an sinh xã hội và tín dụng chính sách xã hội đóng vai trò quan trọng.
Để tăng cường vai trò của công an cấp xã trong thực hiện tín dụng chính sách xã hội góp phần đảm bảo an ninh trật tự, trong thời gian tới cấp uỷ, ban chỉ huy công an cấp xã nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc thực hiện tín dụng chính sách xã hội trong công tác đảm bảo ANTT trên địa bàn cơ sở.
Bên cạnh đó, cấp uỷ, ban chỉ huy Công an cấp xã cần nắm rõ chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về an sinh xã hội và tín dụng chính sách xã hội để quán triệt, đưa vào nghị quyết, chương trình công tác hàng năm trong thực hiện nhiệm vụ công tác bảo đảm ANTT của toàn thể đơn vị và từng cán bộ, chiến sỹ trong đơn vị. Trên cơ sở nhận thức tầm quan trọng của chính sách an sinh xã hội nói chung và tín dụng chính sách xã hội nói riêng trong vận động quần chúng nhân dân thực hiện chủ trương đường lối của Đảng và công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, góp phần bảo đảm ANTT, cấp uỷ, ban chỉ huy Công an cấp xã tổ chức cho toàn thể cán bộ chiến sỹ nhận thức và thực hiện trong nhiệm vụ công tác thường xuyên. Đồng thời cần phát huy sức mạnh của nhân dân thông qua phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở địa bàn cơ sở để thực hiện hiệu quả tín dụng chính sách xã hội. Cán bộ, chiến sỹ Công an cấp xã thông qua lực lượng nòng cốt (bảo vệ dân phố, dân phòng), trưởng, phó trưởng ấp, khu phố, Tổ Tiết kiệm và vay vốn, cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp,… và toàn thể nhân dân giúp đỡ, động viên các đối tượng tín dụng chính sách xã hội sử dụng vốn đúng mục đích, hỗ trợ phát triển kinh tế, việc làm, học tập,… đảm bảo hiệu quả của nguồn vốn vay tín dụng.
Trung tá, TS. Phạm Mạnh Tráng
Các tin bài khác
- » “Bệ đỡ” từ vốn vay chính sách ở thị xã Thái Hòa
- » Vốn chính sách góp sức xây dựng Nông thôn mới
- » NHCSXH chúc mừng Ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam
- » Đã có 145 người mãn hạn tù được vay vốn tín dụng chính sách
- » Vốn vay chính sách giúp người hoàn lương làm lại cuộc đời
- » Tín dụng với người hoàn lương: Điểm tựa tái hòa nhập cộng đồng
- » Đưa vốn chính sách đến với người hoàn lương vươn lên tái hòa nhập cộng đồng
- » Tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù
- » Tín dụng chính sách đồng hành cùng đồng bào DTTS
- » Nông dân Hương Sơn với nguồn vốn vay ưu đãi