Hội LHPN tích cực triển khai TDCSXH góp phần thực hiện hiệu quả Nghị quyết của Đảng

17/10/2023
(VBSP News) Nhận thức được ý nghĩa của tín dụng chính sách xã hội, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (Hội LHPN) luôn nêu cao vai trò, trách nhiệm, nỗ lực, tích cực trong hành trình cùng NHCSXH mang đồng vốn chính sách đến với người dân nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần thực hiện hiệu quả Nghị quyết của Đảng về an sinh xã hội.
phu nu

Tín dụng chính sách góp phần không nhỏ trong cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống của phụ nữ

Tín dụng chính sách xã hội là một trong những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, nhằm mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, hỗ trợ vốn cho các hộ gia đình có thu nhập thấp, gia đình khó khăn tự vươn lên, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới, tiếp tục khẳng định rõ quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước trong việc gắn phát triển kinh tế với thực hiện tiến bộ xã hội và công bằng xã hội. Chỉ thị 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (Chỉ thị 40) và Kết luận số 06-KL/TW ngày 10/6/2021 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW (Kết luận 06) được ban hành đã phát huy hiệu lực, hiệu quả, làm thay đổi sâu sắc nhận thức và hành động của các cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội trong đẩy mạnh thực hiện tín dụng chính sách xã hội. Chỉ thị có ý nghĩa rất thiết thực, tác động tích cực đối với đời sống người dân, trong đó có nhiều phụ nữ nghèo, hoàn cảnh khó khăn.
Để thực hiện tốt Chỉ thị 40 và Kết luận 06 trong hệ thống Hội, Đảng đoàn Hội LHPN Việt Nam đã lãnh đạo, chỉ đạo công tác huy động, quản lý và sử dụng nguồn vốn tín dụng chính sách theo hướng xác định rõ trách nhiệm của hệ thống Hội và người đứng đầu; quán triệt sâu sắc, tuyên truyền sâu rộng Chỉ thị 40 và Kết luận 06; đổi mới phương thức triển khai, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác uỷ thác; có trọng tâm trọng điểm, tập trung vùng trũng, vùng khó khăn, hộ nghèo, hộ khó khăn; lồng ghép triển khai tín dụng chính sách với các chương trình mục tiêu quốc gia, các đề án của Chính phủ, các nguồn lực nhằm góp phần giảm nghèo bền vững và thực hiện các chủ trương của Đảng, Chính phủ về giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, tạo việc làm cho người dân; gắn chặt chẽ với công tác kiểm tra, giám sát trong hệ thống Hội.
Ngay sau khi Chỉ thị 40, Kết luận 06 được ban hành và định kỳ hàng năm, Đảng đoàn Hội LHPN Việt Nam đã lãnh đạo Ban Chấp hành, Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội đưa nội dung phổ biến, quán triệt Chỉ thị 40, Kết luận 06 và các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm liên quan đến nâng cao chất lượng hiệu quả tín dụng chính sách gắn với nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ trong văn kiện Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XII (nhiệm kỳ 2017 - 2022), lần thứ XIII (nhiệm kỳ 2022 - 2027) và các Nghị quyết Ban Chấp hành, định hướng trọng tâm hoạt động Hội hàng năm; chỉ đạo Hội LHPN các cấp phổ biến, quán triệt các nội dung của Chỉ thị 40 và Kết luận 06 tới 100% cán bộ Hội các cấp nhằm nâng cao nhận thức và xác định rõ trách nhiệm đối với từng cấp Hội trong đảm bảo chất lượng, hiệu quả công tác huy động, quản lý và sử dụng nguồn vốn tín dụng chính sách.
Để người dân hiểu rõ, hiểu đúng các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tín dụng chính sách, đặc biệt là những chính sách mới, các chương trình tín dụng được Chính phủ ban hành đáp ứng nhu cầu thực tiễn, Hội LHPN đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội với nhiều phương thức đa dạng, sáng tạo, sâu, rộng tới nhiều nhóm đối tượng; góp phần nâng cao nhận thức trách nhiệm của cán bộ Hội các cấp và hiểu biết, ý thức trách nhiệm của hội viên, phụ nữ và người dân về tín dụng chính sách
Bên cạnh đó, lồng ghép nguồn lực, đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ, xây dựng năng lực phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững cho hộ vay; đẩy mạnh giáo dục tài chính, nâng cao năng lực quản lý tài chính giúp hộ vay có kiến thức quản lý tài chính hiệu quả, đồng thời góp phần thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia. Nhằm hỗ trợ các hộ vay phát huy hiệu quả nguồn vốn, các cấp Hội luôn chú trọng lồng ghép việc triển khai tín dụng chính sách xã hội với các hoạt động hỗ trợ nâng cao quyền năng kinh tế, các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án, đề án, đặc biệt là 02 đề án của Chính phủ mà Hội được giao là cơ quan chủ trì thực hiện, Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025” (Đề án 939) và Đề án “Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030” (Đề án 01). 9 năm qua (2014 - 2023), từ các nguồn lực của các chương trình mục tiêu quốc gia, Đề án 939, hơn 13,6 triệu hội viên, phụ nữ được tuyên truyền, nâng cao nhận thức về việc làm, khởi nghiệp thông qua 197.140 cuộc tuyên truyền; hỗ trợ thành lập 4.747 tổ hợp tác/hợp tác xã do phụ nữ quản lý, hỗ trợ 63.864 phụ nữ khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp; tư vấn, hỗ trợ cho 50.665 doanh nghiệp của phụ nữ mới thành lập để hỗ trợ phát triển doanh nghiệp; kết nối hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, xây dựng các gian hàng, các điểm giới thiệu sản phẩm an toàn do phụ nữ sản xuất. Đồng thời, từ việc thực hiện đề án 939, qua tham mưu đề xuất của Hội LHPN, nguồn vốn ủy thác của Uỷ ban nhân dân tỉnh qua NHCSXH để hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp được tăng lên, đặc biệt một số địa phương Uỷ ban nhân dân tỉnh ưu tiên dành nguồn vốn hoặc thành lập nguồn tín dụng riêng cho phụ nữ khởi nghiệp và uỷ thác qua NHCSXH với số vốn tăng hàng năm.
Thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia, nhằm nâng cao năng lực quản lý tài chính cho các đối tượng vay vốn tín dụng chính sách, hàng năm, Hội LHPN Việt Nam tổ chức nhiều lớp tập huấn về tài chính toàn diện, quản lý tài chính cá nhân và hộ gia đình, giúp hộ vay có thêm hiểu biết, kiến thức về tài chính, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn; đẩy mạnh hướng dẫn các hộ vay vốn, hội viên, phụ nữ gửi tiết kiệm tại NHCSXH và các tổ chức tín dụng chính thức, tạo nguồn vốn tự có cho gia đình, đồng thời giảm nhẹ gánh nặng hoàn trả vốn. Qua đó, dư nợ tiết kiệm từ các Tổ tiết kiệm và vay vốn do Hội quản lý luôn tăng trưởng cao, chiếm 40,8% tổng dư tiết kiệm của NHCSXH.
Để nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ Hội làm công tác ủy thác và cán bộ Tổ tiết kiệm và vay vốn, Hội LHPN các cấp đã phối hợp tổ chức hàng chục nghìn lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ Hội và Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn biên soạn và phát hành gần 14.000 cuốn sổ tay hướng dẫn tới 100% Tổ trung bình và yếu. Chính vì vậy, chất lượng hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn được nâng lên hàng năm, tỷ lệ tổ tốt đạt trên 93%, cao hơn so với tỷ lệ trung bình toàn quốc (91,6%), tỷ lệ tổ yếu giảm còn 0,13%, thấp hơn trung bình toàn quốc 0,16%.
Với quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống, Hội LHPN các cấp đã hỗ trợ hàng triệu hộ tiếp cận và sử dụng hiệu quả nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ, góp phần không nhỏ trong cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, trong đó có một bộ phận không nhỏ hội viên, phụ nữ. Công tác quản lý nguồn vốn tín dụng chính sách ngày càng được nâng cao, với tốc độ tăng trưởng dư nợ ủy thác trong giai đoạn 2014 - 2022 đạt bình quân 8,63%. Tính đến ngày 30/6/2023, dư nợ ủy thác qua Hội LHPN đạt trên 115 nghìn tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 38,22% trong tổng dư nợ của các đoàn thể nhận uỷ thác), tăng trên 64 nghìn tỷ đồng so với thời điểm ban hành Chỉ thị (đạt tỷ lệ tăng trưởng là 126%), với 2,5 triệu hộ vay (chiếm tỷ lệ 37,93%), thông qua 62.122 Tổ tiết kiệm và vay vốn (chiếm tỷ lệ 36,88%); tỷ lệ nợ quá hạn 0,13% (thấp hơn so với tỷ lệ chung toàn quốc 0,16%), năm 2014 là 0,33%; số dư tiết kiệm đạt gần 6,64 ngàn tỷ đồng (chiếm 40,8% tổng số dư tiền gửi tổ viên tại NHCSXH). Mức độ bao phủ vốn ủy thác NHCSXH chiếm 98,41% số cơ sở Hội, tỷ lệ “xã trắng” chưa nhận ủy thác chiếm tỷ lệ thấp 1,59% (169 xã); chất lượng tổ khá, tốt đạt trên 98%. Những kết quả này đã giúp tổ chức Hội LHPN Việt Nam, trong nhiều năm liên tiếp luôn đạt được 6 nhất: “Dư nợ cao nhất; tỷ lệ nợ quá hạn thấp nhất; số Tổ tiết kiệm và vay vốn nhiều nhất; tỷ lệ thành viên tham gia tiết kiệm cao nhất; số lượng thành viên nhiều nhất; Tổ tiết kiệm và vay vốn có chất lượng tốt nhất” trong hoạt động ủy thác với NHCSXH.
Bên cạnh đó, việc thực hiện Chỉ thị 40 và Kết luận 06 cũng góp phần giúp tổ chức Hội tập hợp, thu hút hội viên, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh. Đặc biệt trong bối cảnh tác động của dịch bệnh COVID-19, hàng chục ngàn lao động thất nghiệp, các chương trình tín dụng chính sách xã hội đã có tác động sâu sắc, góp phần ổn định thu nhập, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân nói chung và người lao động nói riêng.
Đạt được thành quả nêu trên là do có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ trong toàn hệ thống giữa NHCSXH và Hội LHPN từ Trung ương đến địa phương; sự chỉ đạo, hỗ trợ của cấp uỷ, Uỷ ban nhân dân các cấp; sự phối hợp của các tổ chức chính trị - xã hội. Đặc biệt có sự chỉ đạo quyết liệt của Ban Chấp hành, Thường trực Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam; sự nỗ lực, quyết tâm, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ Hội LHPN các cấp, các chi hội trưởng, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn; sự gắn bó, cộng đồng trách nhiệm giữa cán bộ Hội và cán bộ NHCSXH các cấp; sự hưởng ứng, tham gia tích cực của hội viên, phụ nữ cả nước.

Hà Thị Nga
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam

Các tin bài khác