Kỳ 2 - “Đổi đời” nhờ tín dụng chính sách

31/10/2023
(VBSP News) Những năm qua, nhờ được vay vốn chính sách, nhiều hộ đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã có điều kiện vươn lên thoát nghèo, góp phần quan trọng vào thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội.
bk3

Bà con bản Nhật Vẹn, xã Phúc Lộc, huyện Ba Bể vay vốn chính sách làm đường nước sạch về sinh hoạt, nâng cao chất lượng cuộc sống

Như đã hẹn trước, chúng tôi có mặt tại huyện Ba Bể từ sáng sớm để cùng cán bộ tín dụng đến thăm một số mô hình vay vốn của người dân. Trên đường đi, các cán bộ tín dụng của ngân hàng kể cho chúng tôi nghe về hướng thoát nghèo và đang từng bước vươn lên làm giàu chính đáng nhờ vay vốn chính sách của đồng bào Mông ở bản Nhật Vẹn, là một trong những bản khó khăn nhất của xã Phúc Lộc, huyện Ba Bể với 100% là hộ nghèo.

Sau khoảng hai giờ di chuyển bằng các loại phương tiện, từ ô tô đến xã, xe máy đến thôn và cuối cùng là “xe căng hải” (đi bộ - cách nói dí dỏm của người dân địa phương) lên bản. Khi cả đoàn đã thấm mệt, thì cũng là thời điểm bản Nhật Vẹn hiện ra trước mắt chúng tôi. Theo các cán bộ ngân hàng, đời sống kinh tế của đồng bào Mông nơi đây đã có sự đổi thay mạnh mẽ, những ngôi nhà cũ, xuống cấp đã được thay thế bằng nhà xây kiên cố, khang trang.

Xa xa phía chân đồi có tiếng kèn lá réo rắt của ai đó cất lên với giai điệu bài hát “Người Mông ơn Đảng” hòa quyện cùng thanh âm của núi rừng khiến cho những mệt mỏi sau quãng đường đi bộ ngược dốc của chúng tôi tự tan biến lúc nào không hay. Dừng chân bên ngôi nhà vừa xây dựng xong được gia đình dọn vào ở vẫn còn thơm mùi ngói mới, Bí thư chi bộ thôn Nhật Vẹn giới thiệu, đây là gia đình vợ chồng trẻ Hầu Văn Tín và Hoàng Thị Duyên dân tộc Mông, hai vợ chồng đã mạnh dạn vay vốn NHCSXH để phát triển kinh tế chăn nuôi ở địa phương và người chồng đi làm việc tại Nhật Bản theo hợp đồng.

Chúng tôi đang mải ngắm ngôi nhà xây mới giữa đại ngàn, thì chủ nhà là chị Hoàng Thị Duyên sau khi lùa đàn trâu ra đồng cỏ phía chân đồi gần nhà cũng về đến. Trong ngôi nhà mới, rót chén trà nóng hổi vừa pha mời khách, chị Duyên “khoe” với chúng tôi: “Sáng nay tin nhắn trên điện thoại thông báo chồng tôi đang làm việc tại Nhật Bản theo hợp đồng chuyển 18 triệu đồng qua tài khoản. Tháng nào cũng vậy, cứ đầu tháng là chồng tôi lại chuyển tiền về để trả gốc, lãi cho ngân hàng và một phần để trang trải cuộc sống, vui lắm. Nếu không có nguồn vốn vay, không có cán bộ cơ sở tuyên truyền, vận động và tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn thì có lẽ đến bây giờ gia đình tôi vẫn sống trong ngôi nhà dột nát, đói nghèo bủa vây”.

bk4

Chị Hoàng Thị Duyên (người thứ 2 từ trái qua phải) vui mừng đón tiếp đoàn cán bộ NHCSXH huyện Ba Bể tại ngôi nhà mới xây xong của gia đình

Theo báo cáo, đến hết cuối tháng 9/2023, toàn huyện Ba Bể có 340 hộ vay theo diện đi lao động ở nước ngoàig với dư nợ cho vay là 20,6 tỷ đồng, trong đó số hộ vay vốn dân tộc Mông khoảng 40 hộ, chiếm tỷ lệ 11%/số hộ vay vốn theo diện này.

Bí thư chi bộ thôn Nhật Vẹn Lý Thị Sải cho biết: “Ngoài gia đình anh Hầu Văn Tín, ở bản còn có hộ La Văn Thành và Dương Văn Trần đều là dân tộc Mông hiện đang làm việc tại Đài Loan theo hợp đồng lao động với thu nhập từ 30 - 35 triệu đồng/tháng. Có được kết quả trên là nhờ công tác tuyên truyền, vận động của các cấp ủy, chính quyền cơ sở, đặc biệt là Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn trực tiếp phổ biến lồng ghép tại các buổi họp thôn để bà con nắm rõ chủ trương, chính sách. Từ một số hộ ban đầu, hiện nay có nhiều trường hợp bắt đầu tìm hiểu việc đi lao động tại nước ngoài theo hợp đồng và điều kiện vay vốn. Thôn Nhật Vẹn đề ra mục tiêu đến hết năm 2024 phấn đấu sẽ giảm được từ 2 - 4 hộ nghèo”.

bk6

Gia đình anh Đặng Văn Lẩy ở thôn Bản Đính, xã Nghiên Loan, huyện Pác Nặm vay vốn chính sách nuôi bò, nay đã thoát nghèo

Để có thêm thông tin, chúng tôi tiếp tục đến với bà con dân tộc Dao ở thôn Bản Đính, xã Nghiên Loan, huyện Pác Nặm. Con đường nông thôn mới được trải bê tông rộng rãi, đẹp đẽ dài hàng trăm mét đưa chúng tôi đến với gia đình ông Đặng Văn Lẩy, là một trong những hộ sản xuất, kinh doanh tiêu biểu của thôn. Qua lời kể của chị Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn, chúng tôi được biết: Gia đình ông Lẩy hạ sơn về Bản Đính từ cuối năm 1980 với hai bàn tay trắng, nhưng với bản tính cần cù, chịu khó nên vợ chồng ông đã khai phá đất hoang dựng nhà, tạo ruộng nương để cày cấy đảm bảo lương thực, thực phẩm hằng ngày… Thế nhưng, cuộc sống của gia đình ông chỉ thực sự “đổi đời” kể từ khi được vay vốn chính sách để phát triển kinh tế.

Rót chén rượu ngô thơm nức - thứ ẩm thực đặc sản của đồng bào Dao ở Bản Đính để mời khách mỗi khi tới chơi nhà, ông Lẩy kể với chúng tôi về hành trình thoát nghèo của mình: “Mặc dù xóa được đói nhưng gia đình vẫn không thể thoát được nghèo, bởi thiếu vốn để đầu tư phát triển kinh tế. Được tuyên truyền về nguồn vốn vay ưu đãi, tôi đã tìm đến Tổ tiết kiệm và vay vốn làm các thủ tục để được vay vốn. Với lợi thế trên địa bàn có chợ trâu, bò lớn, cộng thêm kinh nghiệm chăn nuôi gia súc sẵn có nên khi có vốn tôi đã bàn cùng gia đình triển khai mô hình chăn nuôi vỗ béo. Ngay từ năm đầu thực hiện đã mang lại hiệu quả kinh tế bất ngờ, mỗi năm trừ chi phí cũng có lãi từ 80 - 100 triệu đồng”.

bk5

Gia đình anh Đặng Văn Lẩy ở thôn Bản Đính, xã Nghiên Loan, huyện Pác Nặm vay vốn nuôi lợn đen bản địa, cho thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi năm

Xoay quanh câu chuyện vay vốn chính sách, ông Lẩy chia sẻ thêm: “Có lợi nhuận từ nuôi vỗ béo trâu, bò nên gia đình tôi mở rộng mô hình kinh tế bằng việc nuôi lợn đen bản địa, nấu rượu ngô để cung cấp cho thị trường; đồng thời, thực hiện trồng rừng sản xuất với hơn 10ha cây gỗ mỡ. Đến nay, sau 10 năm sử dụng vốn vay để quay vòng đầu tư các mô hình kinh tế, gia đình tôi đã trả hoàn toàn gốc, lãi cho ngân hàng và xây được ngôi nhà 2 tầng, cuộc sống mỗi ngày càng ổn định hơn”. Trong suốt quá trình câu chuyện của mình, ông Lẩy cứ nhắc đi nhắc lại câu nói “Cha mẹ có công sinh ra mình, nhưng có được cuộc sống của ngày hôm nay là nhờ Nhà nước cho vay vốn chính sách”.

Hơn 21 năm đồng hành cùng người nghèo và các đối tượng chính sách khác, có thể khẳng định, nguồn vốn chính sách đã góp phần giúp cuộc sống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn được nâng lên đáng kể. Hơn thế, nguồn vốn chính sách đã tiếp thêm khát vọng, ý chí vươn lên phát triển kinh tế tăng thu nhập, từng bước làm giàu chính đáng cho đồng bào.

Bài và ảnh Quý Đôn (Báo Bắc Kạn)

Các tin bài khác