TÁC PHẨM DỰ THI GIẢI BÚA LIỀM VÀNG LẦN THỨ VIII, NĂM 2023: Hiệu quả tín dụng chính sách ở Bắc Kạn (Kỳ 1 - Đồng hành cùng người dân nghèo, đối tượng chính sách)
Từ chủ trương đúng
Để việc triển khai các Nghị định, Quyết định về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Kạn đã ban hành Chỉ thị, kế hoạch về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, chỉ đạo Ban cán sự Đảng UBND tỉnh ban hành kế hoạch để triển khai thực hiện.
NHCSXH là công cụ của Chính phủ nhằm thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Vì thế, trong suốt quá trình bền bỉ 21 năm qua, chi nhánh NHCSXH tỉnh Bắc Kạn đã chủ động, tích cực phối hợp với các cấp, ngành, các các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác làm tốt công tác tuyên truyền về tín dụng chính sách. Tổ chức triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi đến đối tượng thụ hưởng theo quy định, trong đó đặc biệt là 02 chương trình trọng điểm là Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 11/NQ-CP và Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn 1 từ năm 2021 đến năm 2025 theo Nghị quyết 88/2019/QH14 và Nghị định số 28/2022/NĐ-CP.
Bên cạnh đó, phối hợp, lồng ghép có hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách với hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nhằm kịp thời phát hiện, ngăn ngừa, chấn chỉnh những sai sót, những mặt còn hạn chế trong quản lý và sử dụng vốn tín dụng chính sách xã hội.
Quá trình thực hiện, tỉnh Bắc Kạn đã tập trung nguồn lực tín dụng qua NHCSXH cho hơn 345 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn, với doanh số đạt 9.067 tỷ đồng. Tổng dư nợ cho vay uỷ thác qua 4 tổ chức chính trị - xã hội đạt trên 3.000 tỷ đồng, tăng 45 lần so với thời điểm mới đi vào hoạt động, tốc độ tăng trưởng 6,4%. Số hộ đang dư nợ là 44.161 hộ, bình quân 67,4 triệu đồng/ hộ. Tính riêng 9 tháng năm 2023, doanh số cho vay đạt 679 tỷ đồng, với 12.186 lượt hộ được vay vốn.
Cách làm hiệu quả, sáng tạo
Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Bắc Kạn Hà Sỹ Côn cho biết: Từ kết quả đạt được và những bài học kinh nghiệm rút ra qua thực tế, đơn vị đã chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp phù hợp để đảm bảo hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu, đủ điều kiện đều được tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ do NHCSXH cung cấp. Cùng với đó, tập trung nâng cao chất lượng các sản phẩm, dịch vụ triển khai qua NHCSXH đảm bảo đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu, nguyện vọng của các đối tượng thụ hưởng. Cụ thể, định kỳ hằng năm thực hiện chỉ đạo của Tổng Giám đốc NHCSXH, chi nhánh NHCSXH tỉnh chủ động tham mưu cho UBND tỉnh, Ban đại diện HĐQT tỉnh chỉ đạo Ban đại diện HĐQT cấp huyện thực hiện rà soát nhu cầu vay vốn đến tận cấp thôn, bản để xây dựng kế hoạch các chương trình tín dụng chính sách cho năm sau và giai đoạn 03 năm tiếp theo, tham mưu trình UBND tỉnh phê duyệt, trình Tổng Giám đốc NHCSXH.
Khi được giao chỉ tiêu kế hoạch tăng trưởng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách, tham mưu kịp thời với Ban đại diện HĐQT tỉnh phân giao cho các huyện. Đồng thời, chỉ đạo Phòng giao dịch NHCSXH các huyện tham mưu Ban đại diện HĐQT cùng cấp phân giao cho các xã, thị trấn để các thôn, tổ dân phố để thông báo đến người dân trên địa bàn.
Góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững
Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Bắc Kạn Hà Sỹ Côn cho biết thêm: Nguồn vốn được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh, tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu, đủ điều kiện được tiếp cận với nguồn vốn vay một cách thuận lợi, kịp thời.
Tính đến 30/9/2023, toàn tỉnh Bắc Kạn có gần 150 nghìn lượt hộ nghèo được vay vốn, góp phần giúp cho trên 52 nghìn hộ thoát nghèo; tạo việc làm cho gần 26 nghìn lao động, hỗ trợ 5.000 trường hợp đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, hỗ trợ xây mới và cải tạo gần 100 nghìn công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn và hỗ trợ xây dựng, sửa chữa trên 3.000 ngôi nhà cho hộ nghèo…
Đặc biệt, chi nhánh NHCSXH tỉnh triển khai cho vay trên 2.300 tỷ đồng, giúp hơn 43.700 khách hàng vay vốn để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, ổn định cuộc sống sau dịch bệnh COVID-19. Nguồn vốn chính sách trở thành “điểm tựa” vững chắc cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm từ 27,37% năm 2020 xuống còn 24,71% vào năm 2022 (giảm bình quân 2,07%/năm , đạt yêu cầu so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra là giảm từ 2 - 2,5%/năm), thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, thực hiện an sinh xã hội, hạn chế hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn.
Bài và ảnh Quý Đôn (Báo Bắc Kạn)
Các tin bài khác
- » Đề nghị kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư phát triển đến hết năm 2025
- » ĐBQH Chu Thị Hồng Thái - Lạng Sơn: Mức hỗ trợ 40 triệu đồng xây nhà mới cho một hộ nghèo chưa đủ đảm bảo được yêu cầu 3 “cứng”
- » Lực đẩy vốn cho giảm nghèo hiệu quả
- » Người dân vùng biên giới tỉnh Quảng Nam vay vốn để giảm nghèo
- » Vươn lên nhờ vốn tín dụng chính sách
- » Tín dụng chính sách xã hội góp phần thực hiện các mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững; tạo việc làm; xây dựng nông thôn mới; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội
- » Tín dụng chính sách xã hội góp phần thực hiện Nghị quyết của Đảng về công tác dân tộc
- » Tín dụng chính sách ở Mù Cang Chải (Bài cuối: Khởi sắc ngành công nghiệp không khói)
- » Tín dụng chính sách ở Mù Cang Chải (Bài 2: Cùng nhau dệt những mùa vàng)
- » Tín dụng chính sách ở Mù Cang Chải (Bài 1: Tận tâm bám trụ)